Đề nghị truy tố nữ nhà báo tống tiền doanh nghiệp 70.000 USD

CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang mới đây đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Đào Thị Thanh Bình (41 tuổi, cựu phóng viên báo Thương hiệu và Công luận) về tội cưỡng đoạt tài sản.

Bà Bình chính là nữ phóng viên trong vụ tống tiền một doanh nghiệp với số tiền cực lớn, gây chấn động dư luận vào hồi tháng 12-2018 vừa qua.

Ngoài Đào Thị Thanh Bình, hai bị can khác cùng bị đề nghị truy tố về tội danh nói trên, gồm Nguyễn Thị Nhâm (37 tuổi, làm nghề kinh doanh tự do) và Ngô Văn Tuấn (46 tuổi, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang).

Bị can Đào Thị Thanh Bình. Ảnh: DÂN TRÍ

Tuồn sai phạm của doanh nghiệp để tống tiền

Về vai trò của các bị can, CQĐT xác định bà Bình là người trực tiếp nhận số tiền cưỡng đoạt từ doanh nghiệp, Ngô Văn Tuấn là người tiết lộ các sai phạm của doanh nghiệp, còn Nguyễn Thị Nhâm là người môi giới, móc nối cho hai bị can còn lại.

Cụ thể, với vị trí công việc của mình, Ngô Văn Tuấn biết rõ Công ty Luxshare-Ici Việt Nam (là công ty 100% vốn nước ngoài, có trụ sở ở Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) tự ý thay đổi thiết kế so với giấy phép xây dựng được cấp bằng việc cải tạo hai công trình Trung tâm nghiên cứu phát triển thành khu nhà ở cho công nhân.

Nghĩ rằng có người cố tình bao che sai phạm của công ty này, cộng thêm việc quen biết Nguyễn Thị Nhâm, tháng 10-2018, Tuấn gặp và hỏi Nhâm có quen nhà báo nào thì giới thiệu. Mục đích là để tìm hiểu, viết bài, tạo áp lực buộc cơ quan chức năng phải xử lý sai phạm.

Nhâm giới thiệu Tuấn với Đào Thị Thanh Bình, cả ba hẹn gặp nhau để thảo luận về vấn đề trên. Tại cuộc gặp, Tuấn khái quát sự việc và đề nghị Bình phản ánh sai phạm của Công ty Luxshare-Ici Việt Nam trên mặt báo. Tiếp đó, Tuấn gửi qua Zalo giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cấp cho công ty này.

Có được thông tin từ Tuấn, Bình xin cơ quan cấp giấy giới thiệu đến làm việc tại Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang và Công ty Luxshare-Ici Việt Nam.

Mặc cả từ 100.000 xuống 70.000 USD

Thấy có phóng viên đến tìm hiểu sai phạm của mình, lãnh đạo Công ty Luxshare-Ici Việt Nam lo lắng, giao cho một nữ phiên dịch phụ trách giải quyết.

Cuối tháng 11-2018, ba bị can gặp nhau, Bình đặt vấn đề yêu cầu phía công ty chi tiền để không đăng bài và nhận được sự đồng ý của cả nhóm.

Để thực hiện ý định trên, Nhâm tạo nhóm trên Zalo với tên là “Nhóm bí mật” để cả ba tiện trao đổi. Sau đó, nữ bị can này “đánh tiếng” tới Công ty Luxshare-Ici Việt Nam về việc phải chi tiền.

Cuối tháng 11-2018, ông Tăng Duệ Bằng (Giám đốc đối ngoại Công ty Luxshare-Ici Việt Nam) cùng nữ phiên dịch xuống Hà Nội gặp và mời Bình đi ăn trưa. Tại đây, đại diện công ty đặt lại mong muốn không bị đăng bài về sai phạm.

Bình cho số điện thoại của Nhâm, nói dối là lãnh đạo một doanh nghiệp rồi bảo nữ phiên dịch liên lạc để được hướng dẫn cách giải quyết.

Hai người của Công ty Luxshare-Ici Việt Nam tiếp tục đến gặp Nhâm và được định hướng phải chi tiền cho Bình để giữ im lặng. Tuy nhiên, hai bên chưa nói rõ số tiền. Tiếp đó, Nhâm gặp Bình và được nữ phóng viên chốt con số là 100.000 USD.

Thấy số tiền quá cao, nữ phiên dịch thay mặt Công ty Luxshare-Ici Việt Nam nhiều lần thương lượng lại với Nhâm và cuối cùng chốt ở mức 70.000 USD.

Ngày 18-12-2018, ông Tăng Duệ Bằng đem số tiền trên đến trụ sở tòa soạn báo Thương hiệu và Công luận tại Hà Nội để đưa cho Bình. Khi nữ phóng viên cầm tiền ra cửa cũng là thời điểm lực lượng công an ập vào bắt quả tang.

Sau khi sự việc bị phát hiện, Hội Nhà báo Việt Nam đã khai trừ, thu hồi thẻ hội viên của bà Đào Thị Thanh Bình, phóng viên Báo Thương hiệu và Công luận.

Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, đây là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng tới uy tín và danh dự của người làm báo Việt Nam. Do vậy, Hội đề nghị Công an tỉnh Bắc Giang điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm