Điều tra lại vụ chiếc áo đỏ oan nghiệt

Qua ba ngày xét xử ngày 2, 3 và 4-3, chiều 7-3, tòa đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo tòa, tranh luận giữa đại diện VKS và luật sư chưa làm sáng tỏ ba bị cáo có hành vi cướp tài sản hay không nên cần điều tra bổ sung.

Điều tra lại vụ chiếc áo đỏ oan nghiệt ảnh 1
Ba bị cáo tại tòa

Đồng loạt kêu oan

Tại tòa, ba bị cáo đều kêu oan và cho rằng bị công an xã đánh và ép nhận tội. Bị cáo Nguyễn Vũ Ca khai bị công an xã đánh ho ra máu. Thư tay của Ca gửi về cho cha mẹ có nội dung bị đánh ho ra máu nên phải nhận tội. Đặc biệt, Ca trình bày rằng khi làm việc tại công an xã vào ban đêm, do Ca không thừa nhận cướp tài sản nên bị bắt leo lên xe máy rồi chở vào một con đường vắng để đánh, ép nhận tội, sau đó quay lại trụ sở lập biên bản…

Tại tòa, luật sư Trần Thị Ánh, luật sư Mai Lâm Phương, luật sư Nguyễn Minh Châu (cùng Đoàn Luật sư TP.HCM) - ba luật sư bào chữa miễn phí cho ba bị cáo - đã chỉ ra những vi phạm của CQĐT như các bị cáo bị đưa về công an huyện ngày 11-6-2015 nhưng đến 17 giờ 40 ngày 12-6 mới làm biên bản bắt ở một nơi khác cách 40 km. Về vấn đề này, đại diện VKS thừa nhận có sai sót. Bị cáo chưa thành niên bị công an xã làm việc suốt đêm…

VKS đã công bố đoạn ghi âm giữa bị cáo Lê Minh Nhựt và cha. Nội dung cuộc ghi âm, theo VKS là “Nhựt nhận tội và khuyên cha đừng làm lớn chuyện” (nguyên văn).

Các luật sư cho rằng cha của Nhựt đang kêu oan cho con mà CQĐT cho Nhựt gọi về “khuyên cha đừng làm lớn chuyện”. “Có phải mục đích của việc làm này là ép Nhựt nhận tội và nói cha của Nhựt đừng thưa kiện nữa. Bởi trước đó cha của Nhựt đã gửi đơn khiếu nại gửi VKSND tỉnh Cà Mau. VKS tỉnh đã hủy quyết định giải quyết khiếu nại của VKS huyện Cái Nước và yêu cầu VKS huyện giải quyết đơn kêu oan nhưng đến nay VKS huyện vẫn chưa giải quyết” - các luật sư đặt vấn đề.

Vướng vòng lao lý chỉ vì mặc cùng màu đỏ?

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, 22 giờ ngày 2-6-2015, trên cầu Lương Thế Trân thuộc ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước (Cà Mau) xảy ra một vụ cướp. Nạn nhân là anh Lâm Chí Nhẫn bị ba người cúp đầu xe đánh tới tấp. Khi anh Nhẫn té ngã còn bị một tên dùng dao nhọn đâm vào vai, cướp chiếc ĐTDĐ (trị giá 3,7 triệu đồng) rồi tẩu thoát. Trong ba tên cướp, có một tên mặc áo đỏ.

Gần 23 giờ cùng ngày, anh Nhẫn chạy ngang qua quán nhậu ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau (cách nơi anh bị cướp 3 km) nhìn thấy một thanh niên mặc áo thun màu đỏ đang ngồi nhậu cùng hai thanh niên khác nên báo công an.

Lập tức Lê Minh Nhựt (khi đó mới hơn 16 tuổi, đang học lớp 10), Nguyễn Hoàng Khang (21 tuổi) và Nguyễn Vũ Ca (20 tuổi) bị áp giải về công an xã.

Nhựt bị cáo buộc sau khi uống ba chai bia đã rủ hai người bạn tạm dừng tiệc nhậu, bia, mồi vẫn để đó, đi cướp xong về... nhậu tiếp. CQĐT không thu được các vật chứng nào như thanh gỗ, cây kéo, chiếc điện thoại bị cướp.

Vụ cướp siêu tốc

Chủ quán nhậu cho biết nhân viên nam phải mặc quần dài khi làm việc. Đêm 2-6, Nhựt mặc quần dài đi làm, đến khi bị bắt cũng vẫn mặc quần dài. Đêm đó quán rất đông khách nhưng chỉ có ba nhân viên phục vụ, nếu vắng mặt một người sẽ ảnh hưởng đến công việc và bị phát hiện ngay. Nhân viên ra ngoài phải xin phép, nếu không sẽ bị phạt trừ lương. Trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 23 giờ, Nhựt vừa chạy bàn vừa nhậu cùng hai người bạn. Các nhân chứng khác gồm quản lý quán, nhân viên phục vụ, vợ chủ quán đều có lời khai xác nhận Nhựt không rời khỏi quán, họ vẫn nhìn thấy Nhựt bê đồ ăn cho khách. 

Tại tòa, lời khai của nạn nhân bất nhất. Cụ thể, lúc thì nạn nhân khai ba bị cáo đánh xong và lấy điện thoại thì cùng chạy; lúc thì nói hai người chạy trước, một người đâm mình rồi lấy điện thoại chạy sau. Ngoài ra, khi thì nạn nhân khai cả ba bị cáo cùng mặc quần ngắn, khi thì chỉ một người mặc quần ngắn, hai người mặc quần dài. Đặc biệt, cáo trạng thể hiện ba thanh niên chặn đầu xe rồi nhào vào đánh nạn nhân nhưng trước tòa, nạn nhân lại khai bị ba đối tượng tông thẳng vào giữa xe khiến xe ngã đè lên chân mình…

Khi vị chủ tọa hỏi vì sao lời khai quá mâu thuẫn với cáo trạng, nạn nhân nói: “Có thể cáo trạng đã tam sao thất bản nhưng nội dung vẫn tương đối giống với lời khai của tôi trước tòa”. Lời giải thích này khiến vị chủ tọa phải thốt lên: “Số phận và lý lịch của ba bị cáo sau này tùy thuộc rất lớn vào lời khai của anh. Vì thế, anh phải khai chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

HĐXX và các luât sư cũng đặt ra vấn đề: “Thời gian Nhựt đi bộ về nhà lấy xe, chạy đi cướp, chạy tìm cây gỗ, rồi đánh cướp, đem điện thoại cướp được đi bán giữa đêm khuya, về nhà cất xe máy rồi trở về quán tiếp tục ăn nhậu là bao lâu?”. Trong khi đó, lời khai của nạn nhân bất nhất về thời gian vụ cướp. Còn bị cáo Nhựt thì khai rằng đêm đó phục vụ trong quán suốt, không đi đâu.

Trả lời vấn đề này, đại diện VKS cho rằng “các bị cáo chạy trong tư thế ăn cướp” nên chạy rất nhanh nhưng cũng không xác định thời gian vụ cướp là bao lâu.

 

Cha mẹ bị tước quyền giám hộ

Tại tòa, các luật sư đặt vấn đề: Tại sao lại tước quyền giám hộ của cha mẹ Nhựt, không cho họ giám hộ việc lấy lời khai con mình. Buổi sáng, mẹ của Nhựt có đơn xin giám hộ cho con. Buổi chiều, CQĐT lại mời người khác làm giám hộ. Suốt quá trình điều tra, có 14 biên bản nhưng chỉ có một biên bản có chữ ký của cha mẹ Nhựt.

Trả lời, đại diện VKS cho rằng CQĐT còn nhiều vụ án khác chứ không riêng vụ án này, đã tìm cha mẹ bị cáo nhưng không tìm được nên phải nhờ người khác…

Các luật sư cho rằng lý giải của VKS không thuyết phục bởi lẽ người của CQĐT đã đến nhà của Nhựt mang xe của Nhựt đi…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm