Điều tra viên được triệu tập đến tòa có phải tranh luận không?

Theo Điều 296 và Điều 317 BLTTHS 2015 thì khi xét xử, nếu thấy cần thiết, HĐXX có thể triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng… trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Đến chỉ để trả lời tòa, không có nghĩa vụ tranh luận

Hiện BLTTHS không có quy định nào nêu về việc các chủ thể quy định tại Điều 296 và Điều 317 BLTTHS có trách nhiệm tranh luận với những người tham gia tố tụng khác hay không.

Theo khoản 2 Điều 34 BLTTHS, các chủ thể quy định tại Điều 296 và Điều 317 BLTTHS là người tiến hành tố tụng.

Một phiên tòa hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Điều 55 BLTTHS cũng quy định (liệt kê) cụ thể người tham gia tố tụng gồm những chủ thể nào. Theo đó, không có chủ thể nào quy định tại Điều 296 và Điều 317 BLTTHS được liệt kê tại Điều 55.

Vậy người tiến hành tố tụng khi được triệu tập đến phiên tòa có trách nhiệm tranh luận với những người tham gia tố tụng khác không?

Về vấn đề này, khi hướng dẫn nghiệp vụ cho cấp dưới, VKSND Tối cao cho rằng: Theo quy định của BLTTHS thì có một số hoạt động tố tụng quan trọng chứng minh tội phạm và người phạm tội được thực hiện trước khi khởi tố vụ án như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định. Vì vậy, HĐXX có thể hỏi điều tra viên, kiểm sát viên về những hành vi, quyết định tố tụng trong giai đoạn trước khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, những chủ thể quy định tại Điều 296 và Điều 317 BLTTHS không có trách nhiệm tranh luận với những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa mà chỉ trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử theo yêu cầu của HĐXX.

Họ tham gia tố tụng với tư cách điều tra viên, kiểm sát viên hoặc người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng được tòa án triệu tập đến phiên tòa…

Như vậy, theo quy định này thì HĐXX có quyền yêu cầu điều tra viên, kiểm sát viên trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án, không phân biệt là trước hay sau khi khởi tố vụ án, miễn là vấn đề cần hỏi có liên quan đến vụ án.

Những phiên tòa có triệu tập người tiến hành tố tụng

• Ngày 20-4, TAND quận 7 (TP.HCM) tạm dừng phiên xử vụ Lý Thuận Liên bị truy tố về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy để triệu tập điều tra viên đến tòa để làm rõ các tình tiết.

Tại tòa, các bản ảnh được trình chiếu để làm rõ thêm các tình tiết vụ án mà trước đó VKS không đồng ý điều tra bổ sung khi tòa trả hồ sơ.

• Trong quyết định đưa vụ án cựu luật sư Trần Hữu Kiển ra xét xử ngày 2-11-2020 của TAND Cấp cao tại TP.HCM thì hai điều tra viên, thẩm phán và thư ký phiên tòa sơ thẩm được ghi trong phần những người tham gia tố tụng khác. Tuy nhiên, không rõ tư cách được triệu tập của bốn người này.  

Không có tên trong trình tự tranh luận

Ông Lương Quang Tuấn, nguyên kiểm sát viên Vụ Kiểm sát điều tra án trị an xã hội (2B cũ), VKSND Tối cao, nhận định rằng giải đáp của VKSND Tối cao hoàn toàn chính xác.

Theo ông, trong một vụ án, những hoạt động tiền tố tụng do cơ quan điều tra thực hiện yêu cầu VKS tham gia như khám nghiệm tử thi, nghi vấn tội phạm, lấy lời khai, chụp ảnh hiện trường...

HĐXX có thể triệu tập và hỏi các chủ thể quy định tại Điều 296 và Điều 317 BLTTHS (gồm điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán...) tại phiên tòa.

HĐXX điều khiển toàn phiên xét xử, trách nhiệm của các chủ thể điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán… chỉ được trả lời HĐXX; ngoài ra không trả lời bất kỳ ai. Họ cần đối thoại với ai, trả lời những vấn đề gì và trả lời câu hỏi của các bên là do HĐXX quyết định.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Minh Cảnh, nguyên thẩm phán TAND TP.HCM, cho rằng các chủ thể được quy định tại Điều 296 và Điều 317 BLTTHS có thể được HĐXX hỏi về những hành vi tố tụng trong giai đoạn trước khi khởi tố vụ án.

Bởi lẽ những hành vi tố tụng này có ảnh hưởng đến tính đúng đắn của các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ quan trọng cho việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

Họ không có trách nhiệm tranh luận vì trình tự phát biểu khi tranh luận và việc tranh luận tại phiên tòa theo Điều 320 và Điều 322 BLTTHS không quy định việc tranh luận của các chủ thể này.

Kiểm sát viên chỉ tranh luận khi thực hành quyền công tố

Tại phiên tòa sơ thẩm, nếu kiểm sát viên được triệu tập tới phiên tòa thì họ có thể tham gia phiên tòa với hai tư cách gồm: Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa theo quy định tại Điều 289 BLTTHS hoặc kiểm sát viên được HĐXX triệu tập đến phiên tòa theo quy định tại Điều 296 và Điều 317 BLTTHS.

Điều 320 và Điều 322 BLTTHS quy định các chủ thể tham gia tranh luận tại phiên tòa gồm kiểm sát viên (đại diện VKS) thực hành quyền công tố, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác.

Từ phân tích trên và căn cứ Điều 55 BLTTHS thì thấy rằng tư cách tham gia tố tụng của các chủ thể quy định tại Điều 296 và Điều 317 BLTTHS được xác định không phải là người tham gia tố tụng. Vì vậy, họ không có trách nhiệm tranh luận với người tham gia tố tụng.

Một chánh án đương nhiệm cấp huyện tại TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm