Đình chỉ án vì lý do... vô lý?

Ông HHT (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) vừa kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của TAND quận 2. Bên cạnh đó, VKSND quận 2 cũng có văn bản kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm hủy quyết định này.

Tòa mở phiên xử trễ?

Trước đó, ngày 8-1, TAND quận 2 ban hành quyết định đưa vụ gia đình ông T. kiện UBND quận 2 ra xét xử vào ngày 31-1.

Ngày 26-1, ông T. (đại diện cho những người khởi kiện) có đơn gửi tòa xin vắng mặt tại các phiên tòa. Đến ngày 29-1, ông T. cùng luật sư (LS) có đơn khác gửi tòa xin hoãn phiên xử ngày 31-1 với lý do ông T. đi công tác và đề nghị tòa dời sang một ngày khác để ông T. có điều kiện tham gia…

TAND quận 2 đã ra quyết định hoãn phiên xử ngày 31-1 và ấn định phiên xử tiếp theo vào ngày 28-2. Quyết định này được văn phòng thừa phát lại tống đạt cho ông T. Tuy nhiên, đến ngày 28-2 (ngày dự tính mở phiên xử mới), tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Theo TAND quận 2, nội dung đơn xin hoãn phiên tòa ngày 31-1 gửi một ngày trước đó cho thấy ông T. đã thay đổi ý kiến về việc vắng mặt tại tất cả phiên tòa sơ thẩm và yêu cầu tham gia phiên tòa sơ thẩm. Do đó, đơn yêu cầu xin vắng mặt tại phiên tòa ngày 26-1 của ông T. không còn giá trị. Tòa đã phải hoãn phiên xử dự kiến mở ngày 31-1 do ông vắng mặt.

Tại phiên xử ngày 28-2, ông T. tiếp tục vắng mặt lần thứ hai không lý do là điều kiện đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính. Ngoài ra, theo tòa, căn cứ Luật Tố tụng hành chính thì thời hiệu khởi kiện của ông T. cũng đã hết, là điều kiện để đình chỉ giải quyết vụ án…

Nhận được quyết định, ông T. khiếu nại, khẳng định ngày tòa mở phiên xử thì ông có mặt chứ không vắng mặt như HĐXX nhận định.

Cụ thể, ông T. trình bày: Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, thời gian mở phiên tòa là lúc 8 giờ ngày 28-2. Lúc 7 giờ 40 sáng 28-2, ông đã có mặt tại tòa (có thể trích xuất hình ảnh camera làm bằng chứng). Tuy nhiên, HĐXX không mở phiên xử vào thời gian trên. Ông T. ngồi chờ đến 10 giờ mà HĐXX không hề có động thái gì. Sau đó, ông bị đau bụng và được người nhà đưa đi cấp cứu (có hồ sơ của bệnh viện). Nhưng bất ngờ đến 10 giờ 30 (trễ 2,5 tiếng), sau khi ông đi bệnh viện thì HĐXX mới mở phiên tòa và không thông báo bất cứ thông tin gì cho đương sự về việc mở phiên tòa.

Khi HĐXX đột ngột mở phiên tòa như trên, LS báo tin cho ông T. Ông chạy vào trễ 15 phút thì thấy HĐXX đang đọc quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

VKS: Lý do đình chỉ không phù hợp

“Cha tôi đã đeo đuổi vụ kiện UBND quận 2 từ năm 2012. Khi cha tôi mất, tôi là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng. Một vụ kiện kéo dài suốt sáu năm qua, gia đình tôi khổ sở đeo đuổi thì tại sao TAND quận 2 lại đình chỉ với lý do vô lý như vậy được?” - ông T. bức xúc than thở với PV. Chính vì vậy, ông cho biết đã nộp ngay đơn kháng cáo yêu cầu TAND TP.HCM xem xét.

VKSND quận 2 cũng có văn bản kháng nghị, yêu cầu TAND TP.HCM hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do đình chỉ của TAND quận 2 là không phù hợp.

Theo VKSND quận 2, ngày 26-1, ông T. đã nộp đơn xin vắng mặt tại các phiên tòa và không có đơn rút xin xét xử vắng mặt. Việc ông có đơn xin hoãn phiên tòa lần một và không có mặt tại phiên xử lần hai không làm ảnh hưởng đến việc xét xử của tòa theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 168 Luật Tố tụng hành chính (quy định người khởi kiện, người đại diện hợp pháp của người khởi kiện có quyền đề nghị xét xử vắng mặt).

Mặt khác, tại phiên xử mới ngày 28-2, ông T. vắng mặt vào lúc tòa mở phiên xử nhưng LS của ông có mặt. Điều này cho thấy tuy ông T. xin vắng mặt nhưng không từ bỏ quyền khởi kiện mà vẫn cử LS tham gia để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Do đó, việc đình chỉ giải quyết vụ án của tòa là không phù hợp với khoản 13 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính (quy định đương sự có quyền tự bảo vệ, nhờ LS hoặc người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình).

Hiện TAND TP.HCM đã tiếp nhận hồ sơ vụ án. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Không thể xem là vắng mặt

Nhận xét về mặt pháp lý, một thẩm phán có nhiều kinh nghiệm xét xử án hành chính của TAND Cấp cao tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) nói: Đối với án hành chính, khi người khởi kiện, người đại diện hợp pháp của người khởi kiện có đơn đề nghị xin xét xử vắng mặt mà tại các phiên xử có LS của họ tham gia thì không thể xem là người khởi kiện, người đại diện hợp pháp của người khởi kiện vắng mặt không có lý do để đình chỉ giải quyết vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm