Đòi bồi thường 58 cây trúc, gáo bị đốn

Ngày 15-3, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của bà VTTE, tuyên y án sơ thẩm, bác yêu cầu đòi bà CTB bồi thường 18 triệu đồng vì đã đốn hạ 50 cây trúc và tám cây gáo. Bà E. là đại diện hợp pháp cho mẹ tham gia vụ kiện với tư cách là nguyên đơn khởi kiện.

Theo hồ sơ, gia đình bà E. sử dụng thửa đất 262, gia đình bà B. sử dụng thửa đất 261 nằm kế nhau. ngày 27-7-2013, gia đình bà B. đốn hạ một phần bụi trúc (khoảng 50 cây) trên phần đất giáp ranh hai bên. Đến ngày 17-11-2013 và ngày 4-6-2014 phía bà B. lại cưa tiếp tám cây gáo. Phía bà E. cho rằng số cây trên là do gia đình bà trồng trên đất của mình nên yêu cầu bà B. phải bồi thường thiệt hại 2 triệu đồng cho 50 cây trúc và 16 triệu đồng cho tám cây gáo, tổng cộng là 18 triệu đồng.

Phía bà B. thừa nhận bà có đốn hạ số cây như nguyên đơn trình bày nhưng bà cho rằng số cây trên nằm trên thửa đất 261 của gia đình bà nên có quyền đốn. Vì thế bà B. không đồng ý bồi thường như yêu cầu của nguyên đơn.

Tháng 8-2016, TAND huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ xử sơ thẩm vụ kiện. Tòa nhận định bà E. cho rằng số cây trồng trên là do cha mẹ bà trồng trên phần đất của gia đình nhưng bà E. không cung cấp được người làm chứng hay chứng cứ gì chứng minh cho lời nói của mình. Phía bà B. cho rằng số cây trên là do vợ chồng bà trồng nhưng cũng không có chứng cứ để chứng minh. Cho nên không có cơ sở kết luận số cây trên là do bên nào trồng mà có.

Về xác định vị trí tài sản trên đất, gia đình bà E. sử dụng thửa đất 262, gia đình bà B. sử dụng thửa 261. Hai bên từng phát sinh tranh chấp về ranh đất và được TAND TP Cần Thơ giải quyết bằng bản án phúc thẩm vào năm 2010, phía bà E. thắng kiện. Nhưng sau khi án có hiệu lực, người thắng kiện không làm đơn yêu cầu thi hành án nên hết thời hiệu thi hành, đây là lỗi của phía gia đình bà E. Cho nên phần đất tiếp giáp giữa hai thửa 261 và 262 trên thực tế không có phân định ranh mốc. Vì thế cũng không thể xác định được số cây trên thuộc phần đất của ai. Cạnh đó theo biên bản định giá năm 2009 của Hội đồng Định giá huyện Vĩnh Thạnh cũng không ghi nhận tài sản (là cây cối) trên phần đất tranh chấp giữa hai thửa 261 và 262.

Cũng theo tòa sơ thẩm, vào năm 2005, mẹ bà E. chuyển nhượng cho ông H. hơn 4.000 m2. Sau đó, ông H. làm giấy tờ phần đất này, tách ra thành thửa 1116 có vị trí tiếp giáp liền kề với hai thửa 261, 262. Bà E. cho rằng khi bán cho ông H., mẹ bà có chừa lại một bờ để trồng cây gáo nhưng khi ông H. bán thửa 1116 cho bà B. thì đã bán luôn cái bờ của nhà bà. Tuy nhiên, bà E. không có gì chứng minh cho lời trình bày này. Trong khi đó, ông H. cho biết không xác định được số cây bị đốn là của ai.

Hơn nữa, vào năm 2009-2010, khi tòa giải quyết tranh chấp ranh giữa hai thửa 261 và 262 thì mẹ bà E. cũng không kiện tranh chấp phần bờ (nếu có) này. Vì thế, không có cơ sở để xác định số cây bị đốn được trồng trên phần đất của mẹ bà E.

Cuối cùng tòa sơ thẩm kết luận: Không có căn cứ để cho rằng bà B. đã xâm phạm, gây thiệt hại đến tài sản hợp pháp của mẹ bà E. nên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên xử phúc thẩm, phía bà E. giữ nguyên kháng cáo yêu cầu TAND TP Cần Thơ sửa án sơ thẩm, buộc bà B. phải bồi thường 18 triệu đồng theo yêu cầu khởi kiện của mình. Bà B. cũng giữ nguyên quan điểm cho rằng số cây đó bà trồng trên phần đất của mình và khẳng định bản án sơ thẩm đã xử đúng. Theo tòa phúc thẩm, bà E. kháng cáo nhưng cũng không đưa ra được chứng cứ gì mới so với ban đầu nên tuyên bác kháng cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm