Đòi được nợ mà không phạm luật

Xung quanh vụ sáu người bị Công an quận Ô Môn (TP Cần Thơ) khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi bắt trói con nợ, nhiều bạn đọc Pháp Luật TP.HCM đã gửi ý kiến bày tỏ sự cảm thông với nỗi bức xúc của người cho vay gặp phải trường hợp con nợ chây ì. Có bạn đọc than: “Tính ra người cho vay thiệt đủ điều, không đòi được thì mất tiền cho vay mà làm dữ với người vay thì dễ bị đi tù. Không biết phải làm sao luôn”...

Thiếu niềm tin vào cơ quan pháp luật

Trao đổi, nhiều chuyên gia đều cho biết thật ra pháp luật vẫn có những quy định điều chỉnh tranh chấp vay nợ và cả những cơ quan có trách nhiệm giải quyết tranh chấp cho người dân. Chẳng hạn, nếu cho rằng mình bị lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người dân có quyền tố giác tội phạm tới cơ quan công an. Công an có trách nhiệm xác minh tố giác, nếu thấy có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, còn nếu thấy đó chỉ là quan hệ dân sự thì hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa. Người dân cũng có thể khởi kiện dân sự để nhờ tòa phân xử…

Tuy nhiên, trên thực tế thay vì nhờ đến cơ quan pháp luật giải quyết tranh chấp, nhiều người dân lại chọn con đường dùng “luật rừng” hoặc nhờ xã hội đen đòi nợ giùm. Tại sao lại có hiện tượng này?

Ông Nguyễn Văn Phước (nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa) kể: “Hồi đó tôi có xử một vụ án, bà chủ quán phở cho vay tiền nhưng không đòi được nên đã bảo con trai đi nhờ xã hội đen. Nhóm người này tới nhà con nợ để xiết nợ bằng cách lấy đồ đạc để cấn trừ. Hậu quả không chỉ nhóm người xã hội đen bị xử tội cướp mà con trai của chủ nợ cũng phạm tội với vai trò đồng phạm”.

Sáu người bị Công an quận Ô Môn khởi tố và dây dù dùng trói con nợ. Ảnh: H.DƯƠNG

Theo ông Phước, nhiều trường hợp người dân không tin tưởng vào cơ quan pháp luật sẽ giúp họ đòi được nợ một cách hiệu quả, nhanh chóng. Tố ra công an thì phía con nợ phải có các dấu hiệu phạm tội rõ ràng mới xử lý hình sự được. Còn với trường hợp con nợ chây ì không chịu trả nợ với lý do không có tiền thì phải kiện ra tòa. Mà đến tòa thì nhiều khi vụ án bị kéo dài vì đủ thứ lý do như vướng giám định hay bị đơn (con nợ) không hợp tác, trì hoãn, vắng mặt không tới tòa... Xử sơ thẩm xong bị đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm rồi lại tìm cách trì hoãn.

Đến khi bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án có vào cuộc cũng phải mất thời gian xác minh tài sản, bán đấu giá tài sản… Đó là chưa kể nếu bị đơn kịp tẩu tán tài sản thì có khi chủ nợ chỉ “thắng kiện trên giấy”.

“Vì những lý do như sợ ra tòa sẽ lâu nhận được tiền, sợ thẩm phán tiêu cực không khách quan… nên nhiều chủ nợ nhờ tới xã hội đen để giải quyết. Mà xã hội đen thì hay đe dọa, khủng bố tinh thần, hành hung con nợ và gia đình con nợ, đập phá tài sản của họ… Vì vậy, lắm khi chưa đòi được tiền thì cả chủ nợ lẫn anh chị xã hội đen đều phải vào tù do thiếu hiểu biết về pháp luật” - ông Phước nói.

Những giải pháp nào đòi nợ hiệu quả?

Theo ông Nguyễn Văn Phước, người dân tuyệt đối không nên nhờ tới xã hội đen mà hãy nhờ tới cơ quan pháp luật. Để tạo niềm tin cho người dân thì các cơ quan như công an, tòa án, thi hành án… phải thật sự có trách nhiệm, công tâm, khách quan, không tiêu cực, tuân thủ đúng thời hạn do pháp luật quy định...

Theo luật sư Phương Ngọc Dũng (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, Giám đốc Công ty đòi nợ Kim Ngân), ngoài con đường nhờ cơ quan công an hay tòa án, người dân cũng có thể lựa chọn thuê các công ty có chức năng đòi nợ hợp pháp. Khác hẳn với xã hội đen, các công ty này làm việc dựa trên cơ sở pháp lý, theo quy định của pháp luật, dưới sự kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên của cơ quan chức năng.

“Ưu điểm của việc thuê công ty đòi nợ hợp pháp là làm khá nhanh, có khi chỉ mất một tuần cho tới một tháng là đã lấy được tiền. Ngay cả trong trường hợp con nợ đã tẩu tán hết tài sản thì công ty đòi nợ vẫn có khả năng đòi được tiền. Chưa kể công ty đòi nợ có ký quỹ bảo hiểm để trả tiền cho khách trong trường hợp nhân viên công ty đòi được nợ nhưng ôm tiền bỏ trốn. Tuy nhiên, nhược điểm của con đường này là chi phí và thù lao cho công ty đòi nợ rất cao, thường chủ nợ sẽ phải tốn từ 20% đến 50 %/số tiền thu về” - luật sư Dũng nói.

Còn theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng), người dân còn có thể tìm đến trung tâm trọng tài, trung tâm trợ giúp pháp lý, công ty luật, văn phòng luật sư… Bởi thông thường khi hai bên đã phát sinh những tranh chấp thì rất khó để có thể ngồi lại tìm phương án giải quyết. Do đó, các tổ chức trên sẽ giúp cho khách hàng các dịch vụ pháp lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không thực hiện các biện pháp bạo lực để thu hồi nợ.

“Tùy từng hồ sơ mà có phương án hiệu quả nhất để bảo vệ khách hàng. Có những vụ chúng tôi phải tiến hành khởi kiện ngay, đề nghị tòa áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, tránh tình trạng con nợ tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho quá trình thu hồi nợ cho khách hàng. Thế nhưng cũng có những hồ sơ chúng tôi sẽ dành thời gian thay mặt khách hàng đi đàm phán với con nợ để tìm ra được tiếng nói chung trong phương án trả nợ” - luật sư Phát chia sẻ.

Theo luật sư Phát, việc các bên ngồi đàm phán với nhau sẽ là biện pháp tối ưu nhất. Chỉ khi nào không thể đàm phán thì mới tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật như khởi kiện ra tòa...

Gian nan đòi nợ không xong

Gửi đơn phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, ông T. (ngụ Đồng Nai) trình bày năm 2017 ông giấu vợ con để cho một cặp vợ chồng quen biết mượn 100 triệu đồng với lãi suất 7%/tháng. Tin tưởng anh chồng làm cán bộ một trường sĩ quan, cô vợ làm giáo viên một trường cấp 3, ông T. chỉ yêu cầu cha mẹ của họ cam kết bảo lãnh mà không thế chấp tài sản.

Tuy nhiên, cặp vợ chồng này mới trả được 7 triệu đồng tiền lãi thì không trả thêm bất cứ đồng nào nữa. Đòi mãi không được, ông T. phải đến tận trường sĩ quan nơi người chồng công tác để gây áp lực. Đến nơi ông mới té ngửa ra rằng cặp vợ chồng này dựa vào uy tín nơi mình công tác để đi mượn hàng trăm triệu đồng với chiêu trả lãi suất cao rồi xù luôn. Trường sĩ quan cũng cho hay anh chồng nợ nần nhiều nên vừa mới xuất ngũ.

Đến nhà cha mẹ của cặp vợ chồng này thì ông T. mới biết căn nhà họ đang ở mua giấy tay từ một Việt kiều nhưng người bán đã chết nên chính quyền không đồng ý cho sang tên...

“Giờ tôi chỉ cần đòi lại 100 triệu tiền gốc thôi cũng khó chứ đừng nói gì tới tiền lãi. Số tiền ấy nếu tòa xử cho tôi thắng kiện thì họ cũng chẳng có tài sản gì để thi hành án. Có lúc tôi đã nghĩ hay là chấp nhận mất toi 50% để thuê xã hội đen đòi nợ chứ biết cách nào khác bây giờ” - ông T. nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm