Đôi vợ chồng bán vé số bị điều tra tội mới

Chiều 10-4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành (Tây Ninh) đã tống đạt quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can cho vợ chồng ông Tạ Văn Đùa (hành nghề bán vé số, ngụ ấp Long Chẩn, Long Vĩnh). Tội danh mới mà vợ chồng ông Đùa bị khởi tố (VKS huyện đã phê chuẩn) là tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 142 BLHS).

Khởi tố, truy tố sai tội danh

Như Pháp Luật TP.HCM ngày 9-4 đã phản ánh, vợ chồng ông Đùa phải trả nợ hơn 33 triệu đồng theo một bản án dân sự. Không có tiền trả, tháng 3-2008, vợ chồng ông bị cơ quan thi hành án (THA) huyện Châu Thành kê biên, bán đấu giá căn nhà cấp bốn của họ. Sau đó, ông T. trúng đấu giá nhà với giá hơn 59 triệu đồng.

Tháng 7-2011, cơ quan THA cưỡng chế giao nhà cho ông T. Vợ chồng ông Đùa đưa hai con ra dựng một túp lều ngoài vườn của mình ở phía sau sinh sống. Túp lều dột nát, thấy ông T. chỉ khóa cửa nhà để trống, vợ chồng ông Đùa bèn đưa các con lên ở tạm chái nhà. Rồi một đêm mưa tạt ướt quá, vợ ông Đùa bấm bụng phá khóa cửa đưa các con vào ở.

Tháng 3-2014 (hơn hai năm sau khi gia đình ông Đùa vào ở lại), ông T. tố cáo đến VKS huyện Châu Thành. VKS huyện bèn chuyển tin báo sang công an huyện đề nghị xử lý. Sau đó, công an huyện khởi tố vợ chồng ông Đùa về tội không chấp hành án (Điều 304 BLHS). Biết bị khởi tố, vợ chồng ông Đùa đã dọn ngay ra khỏi nhà nhưng không còn kịp nữa.

Tại bản cáo trạng hồi tháng 11-2014, VKS huyện Châu Thành nhận định vợ chồng ông Đùa có hành vi cố ý không chấp hành án về việc giao nhà cho ông T., xâm phạm quyền sở hữu tài sản của ông T. nên cấu thành tội không chấp hành án.

Quá khổ vì phải ở trong túp lều rách nát này, vợ chồng ông Đùa mới bấm bụng đưa các con vào căn nhà trống của ông T. ở tạm. Ảnh: T.TÙNG

Trên Pháp Luật TP.HCM, rất nhiều chuyên gia phân tích việc VKS truy tố vợ chồng ông Đùa về tội không chấp hành án là sai. Bởi lẽ một người chỉ bị coi phạm tội này nếu trước đó đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết mà vẫn không chịu THA. Ở đây, suốt quá trình cơ quan THA tổ chức THA, vợ chồng ông Đùa không hề có hành vi nào chống đối. Khi cưỡng chế giao nhà, vợ chồng ông Đùa cũng không chống đối, ngăn cản cơ quan chức năng. Mặt khác, bản án đã được thi hành xong sau khi đoàn cưỡng chế giao nhà cho ông T. (ngày 10-4, Phó Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Châu Thành Hoàng Trọng Dũng cho chúng tôi biết cuối năm 2014, Chi cục THA có văn bản trả lời công an huyện là việc THA đã xong.)

Các chuyên gia còn cho rằng vợ chồng ông Đùa thấy nhà bỏ trống nên vào ở tạm chứ không hề có ý định chiếm nhà, lẽ ra không cần thiết phải xử lý hình sự mà chỉ cần xử phạt hành chính.

Tội này không ổn, điều tra tội khác

Sau khi thụ lý vụ án, TAND huyện Châu Thành từng hai lần mở phiên xử nhưng đều hoãn và cuối cùng đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Trao đổi với chúng tôi, thẩm phán Lê Văn Hết - người trực tiếp giải quyết vụ án cho biết khi báo chí phản ánh, ông cũng thấy băn khoăn về tội danh truy tố nên mới trả hồ sơ cho VKS huyện.

Chiều 10-4, vợ chồng ông Đùa có buổi lấy lời khai đầu tiên tại cơ quan điều tra sau khi nhận quyết định thay đổi tội danh khởi tố. Theo vợ chồng ông kể, cơ quan điều tra tập trung hỏi về việc khi phá khóa vào nhà ở có được ông T. đồng ý hay không, quá trình ở đó có ai đến yêu cầu ra khỏi nhà hay không...

Vợ chồng ông Đùa tiếp tục khẳng định họ chỉ nghĩ đơn giản là thấy nhà bỏ trống, trong khi gia đình mình chen chúc khổ sở trong túp lều rách nát ngoài vườn, “nhiều đêm trời mưa nước nhỏ tong tong chịu không thấu” nên mới phá khóa vào ở tạm, chờ tích góp tiền bán vé số xây nhà khác. Sau khi bị khởi tố điều tra, họ mới nhận thức được đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng ý thức chủ quan của họ là ở nhờ một thời gian chứ không hề có ý chiếm nhà.

Vợ chồng ông Đùa cũng trình bày thời điểm vào nhà ở, họ không thể hỏi ý kiến ông T. vì ông T. không sống ở đó. họ cũng không nhớ mặt ông T., không biết ông ở đâu bởi mới chỉ gặp đúng một lần. Trong hai năm ở trong nhà ông T., chỉ có một lần có hai người lạ mặt đến nói đây là nhà của họ. Hôm đó vợ ông Đùa bị bệnh nằm nhà có nói rằng hoàn cảnh khổ quá, xin cho gia đình ở nhờ một thời gian, hai người kia nghe xong bỏ đi.

Cùng ngày 10-4, chúng tôi đã liên hệ với điều tra viên trực tiếp giải quyết vụ án và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan nhưng vị này từ chối trả lời với lý do vụ án đang trong quá trình điều tra.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Vợ chồng ông Đùa không phạm tội sử dụng trái phép tài sản

Khoản 1 Điều 142 BLHS quy định về tội sử dụng trái phép tài sản như sau: Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Với các tình tiết báo nêu, theo tôi, hành vi của vợ chồng ông Đùa không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản. Bởi lẽ để xử lý hình sự về tội này đòi hỏi phải thỏa mãn dấu hiệu “vì vụ lợi” và kết hợp với một trong ba dấu hiệu khác là “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” hoặc “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Ở đây, vợ chồng ông Đùa phá khóa vào ở lại ngôi nhà với ý định ở nhờ vì không có chỗ ở chứ không phải thông qua việc sử dụng nhà này để thu lợi cho cá nhân nên không có dấu hiệu “vì vụ lợi”. Mặt khác, hành vi của họ chưa thỏa mãn dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - TAND Tối cao - VKSND Tối cao (về việc áp dụng các quy định tại Chương XIV BLHS năm 1999). Theo thông tư này, nếu gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì mới bị coi là gây hậu quả nghiêm trọng, trong khi hành vi của vợ chồng ông Đùa chưa gây thiệt hại đến mức này. Ngoài ra, vợ chồng ông Đùa cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này, chưa bị kết án về tội này.

Hành vi của vợ chồng ông Đùa có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của công dân (Điều 124 BLHS). Tuy nhiên, việc vợ chồng ông Đùa vào nhà ông T. ở gây thiệt hại vật chất cho ông T. không lớn. Do đó cơ quan tố tụng có thể vận dụng khoản 4 Điều 8 BLHS (những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác) để xử lý hành chính hoặc miễn trách nhiệm hình sự với vợ chồng ông Đùa.

TS PHAN ANH TUẤN,Trưởng bộ môn Luật hình sự
Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm