Dư âm phiên xử tài xế Mercedes tông tiếp viên hàng không

Chiều 16-12, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong bảy năm sáu tháng tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Đây là vụ án khiến dư luận quan tâm bởi tính chất nghiêm trọng.

Bị cáo Phong tại tòa. Ảnh: C.HIỀN

Kiến nghị xem xét làm giả giấy tờ

Trước đó, tại phần luận tội, đại diện VKSND quận Phú Nhuận đề nghị phạt bị cáo 6-7 năm tù.

HĐXX nhận định: Tại cơ quan điều tra (CQĐT), bị cáo đã thừa nhận hành vi của mình. Đây là vụ án tai nạn giao thông bị cáo điều khiển đi với tốc độ nhanh, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng người khác và tài sản.

Theo tòa, hành vi bỏ trốn, vứt SIM điện thoại, xóa lịch sử cuộc gọi, dặn bạn khai không biết gì khi CQĐT làm việc để cản trở hoạt động của CQĐT. Do đó cần áp dụng tình tiết trốn tránh trách nhiệm đối với bị cáo.

Về việc sử dụng ma túy, HĐXX đã tham khảo cơ quan chuyên môn, biết rằng Phong khi lái xe trong cơ thể có chất ma túy nên áp dụng thêm tình tiết tăng nặng là sử dụng ma túy khi lái xe nên không cần trưng cầu giám định.

Cũng theo tòa, đối với tình tiết cố ý không cứu giúp bị hại, bị cáo ít nhiều đã có việc cứu giúp thông qua việc gọi cấp cứu nhưng không đủ để hưởng tình tiết cứu giúp bị hại.

Về yêu cầu Công ty Khang Gia và Công ty Fujita phải liên đới bồi thường cho người bị hại, HĐXX cho rằng hợp đồng giữa công ty cho thuê và Phong đã được ký không có cơ sở để yêu cầu hai công ty phải bồi thường bị hại, mà chỉ một mình bị cáo phải bồi thường.

Đối với việc Phong công chứng ký bán nhà cho mẹ trong thời gian tạm giam, các luật sư của bị hại đề nghị xem xét xử lý hành vi tẩu tán tài sản. HĐXX xét thấy người liên quan có thể kiện và đề nghị kê biên tài sản bằng một vụ án dân sự.

Về tình tiết bị cáo sử dụng giấy tờ giả đến Công ty Khang Gia thuê xe, theo HĐXX, hiện những giấy tờ trên không thu hồi được bởi Phong đã vứt bỏ trên đường bỏ trốn sau tai nạn.

Tuy nhiên, thông qua lời khai của bị cáo, của Hà Tấn Sang (người bị giả mạo giấy tờ) và giám đốc Công ty Khang Gia tại tòa cùng những chứng cứ trong hồ sơ thì hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Từ đó, HĐXX kiến nghị cơ quan CSĐT củng cố chứng cứ, xem xét trách nhiệm của bị cáo Phong nếu có.

Bị cáo Phong chấp nhận bồi thường cho hai người bị hại tổng cộng 1,477 tỉ đồng, HĐXX ghi nhận sự tự nguyện này.

Nỗi lòng của những bị hại

Ngay sau khi tòa tuyên án, bị hại Nguyễn Thị Bích Hường (nữ tiếp viên hàng không bị thương tật 79%) cho rằng mức án tòa tuyên với bị cáo Phong chưa đủ sức răn đe. Chị Hường cho biết sẽ kháng cáo phần hình phạt, đồng thời tham khảo ý kiến luật sư xem có kháng cáo phần bồi thường yêu cầu công ty cho thuê xe liên đới bồi thường ngoài việc mình bị cáo phải bồi thường.

Trước đó, tại tòa, chị Hường mong muốn vụ việc được giải quyết nhanh và minh bạch, xử lý đúng người, đúng tội. Chị muốn đòi lại công bằng cho người tài xế xe ôm đã mất và những tổn thương về sức khỏe và tinh thần mà chị phải chịu đựng thời gian qua.

Chị Lê Thường Vân, đại diện hợp pháp của người cha đã mất là ông Lê Mạnh Thường (tài xế xe ôm công nghệ), cũng cho rằng tòa tuyên mức án đối với bị cáo là quá nhẹ.

Chị Vân nói: “Sau khi vụ án xảy ra, gia đình bị cáo không một lời thăm hỏi. Đến thời điểm hiện tại, gia đình bị cáo vẫn chưa một lần đến thắp cho cha tôi một nén nhang. Tôi sẽ làm việc lại với luật sư và có thể tôi sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm”.

Tai nạn đau lòng đêm mùng 6 tết

Theo hồ sơ, 5 giờ sáng 30-1 (mùng 6 tết Canh Tý), chị Hường đặt xe máy qua ứng dụng Grab để đi làm. Xe do ông Thường điều khiển vừa chở chị rời nhà thì chiếc ô tô Mercedes bảy chỗ do Phong điều khiển chạy ngược chiều tông trực diện. Theo CQĐT, sau tai nạn, tài xế ô tô gọi cấp cứu rồi rời khỏi hiện trường.

Hai ngày sau, Phong ra đầu thú, khai nhận sự việc và bị tạm giam ngày 11-2. Ông Thường tử vong, chị Hường bị thương tật 79%. Gia đình tài xế xe ôm yêu cầu bồi thường 477 triệu đồng. Chị Hường yêu cầu bồi thường 1,4 tỉ đồng.

 

Cây phượng, chiếc xe, người chết và... em

Dư âm phiên xử tài xế Mercedes tông tiếp viên hàng không ảnh 2
Nữ tiếp viên Nguyễn Thị Bích Hường tại nhà vào chiều tối 16-12.
Ảnh: P.LOAN

Tại căn hộ chung cư nhỏ của mình ở đường Phổ Quang, quận Phú Nhuận, chị Nguyễn Thị Bích Hường kể lại khoảnh khắc bị xe hất tung lên, rơi xuống đất, tỉnh táo nhưng không thể cử động là những ký ức kinh hoàng. Từ đó, chị mất nghề, mất sức khỏe, hụt cả những dự định tương lai tốt đẹp...

Những vết thương dày đặc còn trên cơ thể đã ám ảnh Hường suốt quãng thời gian dài. Từ một nữ tiếp viên xinh đẹp với các chuyến bay đến Pháp, Nhật, Úc và khắp mọi miền đất nước, nay Hường ngậm ngùi chấp nhận thực tại.

Hồi mới bị nạn, việc chăm sóc con mình Hường cũng không thể làm được, phải cậy nhờ mẹ và thuê thêm người. Gần cả năm qua, Hường chỉ nằm ở bệnh viện và ở nhà, trải qua bốn cuộc đại phẫu đau đớn và vẫn chưa biết còn phải thực hiện tiếp bao nhiêu ca nữa. Hiện Hường vừa mổ chuyển gân, đau đớn đến mức chân không thể chạm đất.

Tuy nhiên, chị quyết không để vụ tai nạn kinh hoàng ám ảnh làm ảnh hưởng cuộc sống hiện tại. Chị bán hàng online để mưu sinh và chi phí cho các cuộc phẫu thuật. Hường cho biết chị phải quên để tiếp tục sống, làm việc và nuôi con, thực hiện những dự định mới.

Hai ngày đến tòa, Hường chống nạng chập chững những bước chân trong khó nhọc. Đôi chân chi chít sẹo sau các cuộc đại phẫu. Và còn nhiều cuộc đại phẫu khác đang chờ chị. Nhiều người xót xa nhưng Hường luôn mỉm cười, suy nghĩ tích cực bởi chị cho đó là phương thuốc nhiệm màu giúp chị an lạc trong cuộc sống.

Trong tâm sự của mình, Hường nói nhiều về lòng biết ơn đối với sự tử tế của người khác: “Công ty và nhiều đồng nghiệp, họ hàng, bạn bè cũng hỗ trợ em nhiều. Sắp tới, công ty tạo điều kiện cho em chuyển sang làm việc ở bộ phận mặt đất. Từ khi em gặp nạn, em gặp người tốt nhiều lắm. Các bác sĩ kịp thời cứu chữa giữ mạng sống cho em. Giờ em không bay được nữa nhưng cũng đành thôi, mọi chuyện đã an bài”.

Tuy nhiên, Hường cũng có nhiều thắc mắc muốn gửi gắm: “Em không hiểu sao mẹ của bị cáo Phong lại đi bồi thường cây phượng vĩ bị bật gốc phải đốn bỏ và thỏa thuận bồi thường 300 triệu đồng cho chủ xe, mà không bồi thường cho bác xe ôm và em.

Bị cáo Phong gây tai nạn thảm khốc như vậy mà lại chuyển tài sản duy nhất của Phong cho mẹ. Nếu vậy thì còn gì để bồi thường. Đây là việc tẩu tán tài sản. Tại sao tòa án không hủy việc Phong chuyển nhượng một phần tài sản căn hộ trong giai đoạn Phong đang bị tạm giam? Như vậy có công bằng cho bác xe ôm và em không? Giờ nói kiện vụ án dân sự khác thì kiện đến bao giờ?”.

Những câu hỏi của Hường có lẽ phải chờ cấp phúc thẩm xem xét. Hường mỉm cười suốt cuộc trò chuyện chiều nay. “Cuộc sống vẫn tiếp diễn mà!” - chị nói. P.LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm