Dự án triệu đô tiếp tục gặp trở ngại vì lệnh tòa

Ngày 23-1, thẩm phán thụ lý vụ tranh chấp hợp đồng góp vốn giữa Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (gọi tắt là HDTC) với bị đơn là DWS Star Bridge Limited Liability Company (doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc, gọi tắt là DWS), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển nhà Việt Nam-Hàn Quốc (gọi tắt là VK Housing), tiếp tục ban hành quyết định (QĐ) thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT).

Quyết định trái luật

QĐ này mang số 30 và thay thế cho QĐ số 298 đã ban hành ngày 20-12-2017. Theo đó, đổi BPKCTT: Tạm giao phần đất có liên quan đến tranh chấp thành buộc các cá nhân tổ chức ra khỏi khu đất để giao cho HDTC tạm quản lý trong khi chờ kết quả giải quyết của tòa đối với vụ án tranh chấp về sở hữu DN và sở hữu dự án đầu tư theo hợp đồng góp vốn liên doanh quy định tại Điều 127 BLTTDS.

Nhiều chuyên gia cho rằng QĐ của tòa trái các quy định của pháp luật về các BPKCTT và can thiệp thô bạo vào hiện trạng chiếm hữu bằng cách buộc đơn vị chiếm hữu hợp pháp ngay tình phải giao quyền chiếm hữu này cho nguyên đơn bất chấp các quy định của BLDS về quyền chiếm hữu.

Theo LS Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An), việc áp dụng BPKCTT sai với tinh thần Điều 127 BLTTDS là cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định. Nó được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án.

Bản chất của việc BPKCTT là một bên có đơn yêu cầu tòa án cấm hoặc buộc các cá nhân, tổ chức có liên quan phải ngưng, không được thực hiện hành vi nhất định chứ không phải là việc giao quyền gì đó cho bên có đơn yêu cầu. Việc tòa giao cho nguyên đơn được quyền quản lý đất là trái với tinh thần điều luật là chỉ “CẤM” và “BUỘC”.

Dự án khu nhà ở cao tầng The Mark trên khu đất. Ảnh: PV

Không đúng với quan hệ tranh chấp

Ngoài ra, tòa đã tước quyền chiếm hữu hợp pháp tài sản của VK Housing bằng một QĐ chung thẩm không qua xét xử. Trong vụ này, bên đang chiếm hữu ngay tình và phù hợp pháp luật là VK Housing, là một bên trong hợp đồng góp vốn thuê công ty bảo vệ trông coi tài sản. Việc quản lý quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên là phù hợp với pháp luật và được ghi nhận tại các điều 179, 180, 188 BLDS. Tòa đã buộc VK Housing phải giao quyền chiếm hữu của mình cho nguyên đơn mà không cần hòa giải, không cần xét xử là vi phạm nghiêm trọng. QĐ số 30 chấm dứt quyền chiếm hữu của VK Housing bằng quyết định chung thẩm, vi phạm Điều 17 BLTTDS.

Cũng theo luật sư Thư, tòa đã cố tình nhầm lẫn các quan hệ tranh chấp. Ngay trong QĐ của mình, tòa đã xác định việc thụ lý vụ án “tranh chấp hợp đồng góp vốn” giữa các bên chứ không phải là “tranh chấp QSDĐ”. Quan hệ tranh chấp hợp đồng là một loại tranh chấp “trái quyền”, tức là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Nếu phải áp dụng BPKCTT thì tòa có thể yêu cầu các bên không được chuyển nhượng tiếp theo cho người thứ ba, chờ tòa giải quyết hoặc kê biên số tiền trong tài khoản bên có nghĩa vụ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành bản án sau này.

Luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng tòa đã ra QĐ buộc người không được xác định tư cách gì trong tố tụng là công ty bảo vệ phải giao lô đất cho nguyên đơn là sai. QĐ giao đất cho một bên chiếm hữu là lạm quyền và không đúng với quan hệ tranh chấp đang được giải quyết vì quyền quản lý đất không có liên quan gì đến hợp đồng góp vốn.

Thẩm phán nói “áp dụng đúng”

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn, người trực tiếp thụ lý giải quyết vụ án.

Phóng viên: Thưa ông, theo thông báo thụ lý, nội dung tranh chấp của nguyên đơn không có yêu cầu gì liên quan đối với QSDĐ nhưng sao QĐ áp dụng BPKCTT của tòa lại giao cho nguyên đơn tạm quản lý khu đất?

+ Thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn: Bản chất vụ án này là tranh chấp sở hữu DN và sở hữu dự án. Khu đất thuộc quyền sử dụng của HDTC mang vào góp vốn liên doanh nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Theo các tài liệu tòa thu thập được, đất vẫn để trống, chưa làm gì. Nhà nước quy định phải hoàn thành công trình năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa thi công. Đất để trống như vậy là không được. Thêm nữa là VK Housing hiện tại bị mất người đại diện theo pháp luật. Người đại diện mới thì bị mất tư cách đại diện theo QĐ thu hồi, khôi phục giấy chứng nhận đầu tư trước đó. Theo quy định thì hội đồng thành viên phải họp để cử ra người đại diện mới. Mà hội đồng thành viên thì chỉ có HDTC thôi, còn DWS thì chưa được công nhận... Khu đất không thể không có người trông coi và với tình hình hiện tại thì chỉ có HDTC mới có đủ tư cách tạm quản lý.

. Căn cứ nào để tòa yêu cầu công ty dịch vụ bảo vệ phải ra khỏi khu đất để giao đất cho nguyên đơn công ty bảo vệ này không tham gia tố tụng?

Công ty bảo vệ khóa cửa lại, không cho cơ quan chức năng vào làm nhiệm vụ. Họ đưa ra một hợp đồng bảo vệ được ký sau khi tư cách đại diện theo pháp luật của VK Housing không còn. Quá trình giải quyết tranh chấp tới, nếu thấy có liên quan thì tòa sẽ đưa công ty vào tham gia tố tụng…

. Nhưng trước đó nguyên đơn tự nguyện giao đất và VK Housing đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hợp pháp đầu tư dự án. Ngoài ra, đất này không phải là đối tượng tranh chấp theo thông báo thụ lý?

+ Nội dung tranh chấp được diễn giải chi tiết là tranh chấp về sở hữu DN và sở hữu dự án đầu tư theo hợp đồng góp vốn liên doanh. Tôi giao cho HDTC vì hiện nay VK Housing không còn người đại diện theo pháp luật nữa…

Diễn biến vụ việc

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tháng 3-2017, TAND TP.HCM thụ lý vụ tranh chấp hợp đồng góp vốn giữa HDTC với bị đơn DWS, VK Housing là người liên quan. Nội dung vụ án là tranh chấp giữa các thành viên góp vốn trong VK Housing. Theo đó, HDTC (góp vốn 20%) khởi kiện DWS (góp vốn 80%) với các yêu cầu: Không công nhận các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại VK Housing giữa DWS với hai DN khác; hủy các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký DN của VK Housing.

Đến ngày 20-12-2017, tòa ra QĐ số 298 có nội dung cho HDTC tạm quản lý khu đất theo yêu cầu của HDTC. Phía VK Housing yêu cầu hủy QĐ này vì UBND TP.HCM đã giao cho công ty làm chủ đầu tư hợp pháp để thực hiện dự án khu nhà ở cao tầng The Mark trên khu đất. Nhưng tòa tiếp tục ban hành QĐ số 30 thay thế cho QĐ số 298. Tiếp đó, ngày 26-2, tòa lại ban hành QĐ áp dụng BPKCTT số 61 có nội dung: “Tạm dừng việc thay đổi các nội dung đăng ký kinh doanh đã được khôi phục tại QĐ số 790103 về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN của VK Housing”. Hai ngày sau Cục THADS TP.HCM ban hành QĐ về việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản. VK Housing đã khiếu nại quyết định này.

Ngày 3-3, UBND TP.HCM có công văn giao Sở KH&ĐT TP.HCM phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu ý kiến của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc “thu hồi giấy đăng ký DN là chưa có cơ sở bởi đơn thư tố cáo của HDTC không có cơ sở để xem xét”, báo cáo UBND TP trước ngày 20-3.

Ngày 8-3, chánh án TAND TP.HCM có quyết định giải quyết khiếu nại của VK Housing đối với QĐ số 30 cho rằng việc thay đổi là cần thiết nên việc ban hành QĐ là có căn cứ và đúng luật.

Tổng cục thi hành án yêu cầu báo cáo

Sau khi TAND TP ban hành QĐ số 30 thì ngày 9-2, Tổng cục THADS có công văn yêu cầu Cục THADS TP có báo cáo và gửi toàn bộ hồ sơ về tổng cục. Tổng cục cũng đề nghị Cục Kiểm tra giải quyết đối với khiếu nại của VK Housing liên quan đến QĐ số 451 về việc giao tài sản để tạm quản lý ngày 22-12-2017 của chấp hành viên Cục THADS TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm