Giám định văn hóa tài liệu, đĩa hình ngày càng tăng

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp-Sở Tư pháp TP.HCM báo cáo công tác giám định tại TP.HCM. Ảnh: K.P 

Ông Vũ Văn Đoàn, Cục phó Cục Bổ trợ tư pháp-Bộ Tư pháp và bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM chủ trì buổi làm việc.

Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp-Sở Tư pháp TP, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động giám định tư pháp trong các lĩnh vực giám định tư pháp được xã hội hóa. Số lượng và khối lượng trưng cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa ngày càng nhiều, chủ yếu là giám định tài liệu, đĩa hình. Có vụ việc giám định viên tư pháp phải giám định hơn 313.547 đĩa hình, có những vụ thực hiện giám định kéo dài...

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM phát biểu ý kiến tại buổi làm việc ngày 8-8. Ảnh: K.P 

Về công tác giám định tài chính, thuế: Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội thì các loại tội phạm về kinh tế cũng ngày càng tăng. Từ năm 2013, các giám định viên tư pháp của ngành thuế đã giám định 149 vụ việc, trung bình mỗi năm thực hiện 30 vụ việc. Từ các kết luận giám định tư pháp khách quan, chính xác, các giám định viên tư pháp đã góp phần cùng TP thực hiện tốt công tác đấu tranh, chống các tội phạm về tài chính, kinh tế, gian lận thuế, trốn thuế.

Công tác giám định xây dựng phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn đặc thù trong hoạt động xây dựng từ quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý dự án…Theo thống kê của Sở Xây dựng, mỗi năm thực hiện 31 vụ việc nhưng thường có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật đa dạng, phức tạp.  

Tại buổi này, đại diện Cục thuế TP, Sở Tài chính cũng có ý kiến về công tác giám định. Giám định tư pháp về xây dựng cho rằng giám định viên tư pháp ngành xây dựng hầu như đang có sự nghịch lý là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Một số anh em bên ngành xây dựng nơi đang công tác có tham gia chủ trì, thiết kế công trình nhưng khi công trình này xảy ra sự cố hoặc tranh chấp thì giám định viên này cũng chính là người kiểm định, thẩm định chất lượng công trình. Hoặc khi các bên kiện ra tòa thì tòa trưng cầu giám định xây dựng chính người đó để giám định thì tính khách quan không có…Cái khó là không ai đứng ra để thành lập văn phòng về công tác giám định nên rất khó.

Về lĩnh vực văn hóa, hệ thống pháp luật chưa thống nhất về lĩnh vực này nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, còn bị cảm tính. Rồi việc chi phí, chế độ kinh phí đi lại của giám định viên, bồi dưỡng… còn thấp khó đáp ứng được nhu cầu.  

Kết luận buổi làm việc, ông Vũ Văn Đoàn, Cục phó Cục Bổ trợ tư pháp-Bộ Tư pháp khẳng định khi làm công tác giám định thì giám định viên phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Kết qủa giám định phải minh bạch, khách quan, chính xác và tuân thủ đúng quy định pháp luật. Ông Đoàn “gửi gắm” sắp đến khi cơ quan có thẩm quyền lấy ý kiến về dự thảo quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực giám định của mình thì các giám định viên ý kiến, kiến nghị, đề xuất phù hợp.

Các tổ chức giám định tư pháp tại TP.HCM 

Trên địa bàn TP hiện nay có hai tổ chức giám định tư pháp công lập (Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế và Phòng kỹ thuật hình sự (PC54) thuộc Công an TP). Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là một đơn vị và 30 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. TP có 233 người làm công tác giám định tư pháp.

(Trích báo cáo của Sở Tư pháp tại buổi làm việc ngày 8-8)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm