Góp ý mô hình tố tụng cho TP Thủ Đức

LTS: Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về chính quyền đô thị TP.HCM và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra Đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM. Đây được coi là mô hình TP trong TP đầu tiên ở Việt Nam với những đặc điểm riêng biệt, đặc thù. 

Ngoài việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương mang tính đặc thù, mô hình tố tụng ở TP Thủ Đức cũng được rất nhiều người quan tâm. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến góp ý của các chuyên gia về cơ cấu, tổ chức bộ máy và cách thức vận hành của các cơ quan tiến hành tố tụng cho TP đặc biệt này. 

Một phiên xử hình sự tại TAND quận Thủ Đức. Ảnh: MINH TÂM

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, hiện nay ngành TAND và VKSND được tổ chức theo bốn cấp. Cụ thể, là TAND Tối cao, VKSND Tối cao (cấp trung ương); TAND Cấp cao, VKSND Cấp cao (cấp vùng); TAND cấp tỉnh, VKSND cấp tỉnh và TAND cấp huyện, VKSND cấp huyện. 

Sáp nhập cơ học hay cần cơ chế riêng?
Đối với cơ quan điều tra (CQĐT) hình sự, PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết hiện nay chúng ta có cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an và cấp tỉnh) và cơ quan CSĐT (Bộ Công an, cấp tỉnh, cấp huyện). Cơ quan thi hành án (THA) hiện có hai cấp là cấp tỉnh và cấp huyện. 
Nếu ba quận 2, 9 và Thủ Đức hợp lại thành TP Thủ Đức (cấp huyện) trực thuộc TP.HCM (cấp tỉnh) thì hệ thống các cơ quan tố tụng của ba quận phải được gom thành một. Theo đó, sẽ chỉ có một TAND, một VKSND, một cơ quan CSĐT và một cơ quan THA TP Thủ Đức. Điều này phù hợp với các quy định hiện hành. 

TAND quận Thủ Đức, TP.HCM xét xử bị cáo Bùi Văn Sáng về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm khi rửa 3.000 kg củ cải bằng hóa chất vào tháng 11-2019. Ảnh: MINH VƯƠNG

Tuy nhiên, khi nhập lại, số lượng án mà các cơ quan này phải giải quyết là khá lớn vì là số lượng của ba quận gộp lại (theo thống kê khoảng 8.000 án/năm - PV). Việc này có thể gây ra việc tồn đọng án kéo dài, dẫn đến vi phạm thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đến chất lượng xét xử và THA.

Do vậy, theo PGS-TS Hồng Nhung, cần một cơ chế riêng cho cơ quan tố tụng tại TP Thủ Đức. Chẳng hạn, luật hiện hành cho phép TAND cấp huyện có thể thành lập tòa chuyên trách. Như vậy, có thể thành lập nhiều tòa chuyên trách trực thuộc TAND TP Thủ Đức, gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên. 
Mỗi tòa chuyên trách sẽ được bố trí ở các vị trí địa lý khác nhau trong TP Thủ Đức, với nhân sự tương ứng thay vì gom lại một nơi. Đứng đầu các tòa chuyên trách vẫn là các chánh tòa và mọi hoạt động được báo cáo về cho lãnh đạo tand tp thủ đức ở trụ sở chính. VKSND và các CQĐT, cơ quan THA cũng có thể bố trí theo từng lĩnh vực tương ứng với các tòa chuyên trách và nằm cạnh các tòa chuyên trách. Nếu tổ chức theo cách này, các quy định hiện tại không bị xáo trộn mà vẫn giải quyết được tình trạng quá tải công việc.
Tuy nhiên, theo luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, việc sáp nhập ba quận thành TP Thủ Đức là mở rộng quy mô về mặt lãnh thổ và dân số của một đơn vị hành chính cấp quận. Có thể có quy chế riêng biệt cho hoạt động quản lý cấp này nhưng bản chất thật sự cũng chỉ là cấp huyện theo phân cấp hệ thống quản lý nhà nước. Do vậy, ba cơ quan CQĐT, VKS, tòa án cũng là hệ thống tư pháp ngang cấp với quận, huyện.
“Sắp tới, ba cơ quan tư pháp hiện nay của các quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ phải giải tán và thành lập cơ quan mới mang tên TP Thủ Đức. Về thẩm quyền thì vẫn theo lãnh thổ là cấp huyện nhưng khâu nhân sự thì sẽ phải được sắp xếp lại” - LS Long nói.
Thay đổi bộ máy tổ chức?
TS Dương Kim Thế Nguyên, Trưởng Khoa luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói: “Về cơ bản thẩm quyền của các cơ quan tố tụng trong TP Thủ Đức sẽ không thay đổi. Tuy vậy, về tổ chức bộ máy cần có sự thay đổi nhất định về cấu trúc quản trị nội bộ”. 
Bởi nếu không thay đổi sẽ làm cho người lãnh đạo các cơ quan này vô cùng áp lực vì quy mô tổ chức nhân sự và khối lượng công việc sẽ tăng rất nhiều so với trước. Theo đó, họ phải được trao quyền để phân quyền đến cấp trung gian và phối hợp công việc hiệu quả. 
Ngoài ra là chuyện quá tải công việc, trước khi sáp nhập các cơ quan tư pháp ở từng quận đã là quá tải. Khi TP Thủ Đức hình thành, việc quá tải có thể tăng lên rất nhiều. Do vậy, các cơ quan này cần có sự sắp xếp để phân tầng quản lý để bảo đảm đầy đủ sự giám sát hiệu quả và giải quyết tốt các vụ án. 
Một người đang làm trong ngành tòa án tại quận 9, TP.HCM cho rằng khi sáp nhập, nếu mở rộng thẩm quyền cho các cơ quan tố tụng của TP Thủ Đức sẽ kéo theo sửa đổi hàng loạt luật liên quan như Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… 
Do đó, trước hết cứ giữ nguyên quy mô, sau khi sáp nhập và vận hành nếu thấy phát sinh những vấn đề mới thì mới có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Khi đó số lượng án của TP Thủ Đức sẽ lớn nhất trong cấp quận tại TP.HCM và trong cả nước. Vì vậy, để quản lý và giải quyết tốt công việc, cần bố trí những cán bộ có năng lực, có trình độ cao. 
Nên có tòa án khu vực?
Một cán bộ trong ngành tòa án (xin không nêu tên) cho rằng cần phải có cơ chế đặc thù. Bởi nếu thành lập TP Thủ Đức mà giữ nguyên cơ chế, mô hình của hệ thống các cơ quan tư pháp cấp huyện thì không giải quyết được vấn đề. 
Thực tế nhân sự ngành tòa án ở TP.HCM đang thiếu, nếu nhập ba tòa thành một thì nhân sự này có thể bị giảm đi nữa, trong khi số lượng án của ba đơn vị khá lớn (gần 8.000 vụ/năm). “Tôi nghĩ mô hình tòa án TP Thủ Đức phải có cơ chế đặc biệt như một tòa khu vực. Cùng với tòa, các cơ quan VKS, CQĐT và THA cũng phải ngang tầm như thế. Phải có mô hình riêng thì mới có thể thoát ra khỏi chiếc áo cũ để đáp ứng yêu cầu và phát triển được” - vị này nói. 
Việc xây dựng mô hình tòa án cho TP Thủ Đức như nói trên vẫn nằm trong tầm kiểm soát của TP.HCM và tầm vóc gần ngang với tòa án TP. Lý do không thể xây dựng mô hình giống TAND TP.HCM vì sẽ gặp những khó khăn do cơ quan này có các phòng ban chuyên môn và phía dưới còn có 24 tòa án quận, huyện. 
Theo vị cán bộ tòa này, để việc sáp nhập ít bị xáo trộn và vận hành tốt thì tòa TP Thủ Đức phải được tăng cường các phó chánh án và các tòa chuyên trách. Chẳng hạn, ba chánh án của ba quận hiện tại làm phó chánh án TAND TP Thủ Đức, phụ trách đơn vị mà mình từng quản lý. Hoặc có thể thành lập các tòa chuyên trách và các chánh án cũ sẽ làm chánh tòa chuyên trách. Riêng chánh án TAND TP Thủ Đức thì sẽ phải là phó chánh án TAND TP.HCM.
Tương tự, với CQĐT và VKSND cũng tổ chức nhân sự như tòa án, người đứng đầu ba quận hiện nay sẽ làm phó và phụ trách khu vực, địa hạt mình từng quản lý. 
Về trụ sở làm việc, hiện tại cơ quan tố tụng đang nằm rải rác ở ba quận, trong khi cần xây dựng các trụ sở mới cho TP Thủ Đức. Bởi khi sáp nhập nhân sự tăng, khối lượng công việc cũng sẽ tăng mà các cơ quan tư pháp ở xa nhau thì sẽ giảm hiệu quả công việc. 
Vị thẩm phán nói: “Nếu quận 2 được xem là khu trung tâm tài chính, quận 9 là khu công nghệ cao và Thủ Đức là khu hành chính thì để chọn được trụ sở cơ quan tư pháp thích hợp, cần đáp ứng được sự kết nối địa phương, là nơi cửa ngõ và khu vực còn nhiều đất công”.•

 Đề xuất thay đổi cơ cấu của cơ quan VKS

Nếu cơ quan hành chính TP Thủ Đức vẫn tương đương với cấp huyện thì cơ quan tố tụng sẽ không có gì thay đổi. Có thể quy mô khối lượng công việc lớn do địa bàn rộng nhưng tính chất và thẩm quyền thì vẫn như cũ.
Riêng với ngành kiểm sát nên giữ nguyên nhân sự của ba quận hiện tại nhưng cần tăng về số lượng lãnh đạo. Theo quy định, VKS quận có không quá ba phó viện trưởng VKS nhưng ở TP Thủ Đức thì có thể tăng lên từ bốn đến năm cấp phó. Đồng thời, cũng nên thành lập các phòng, ban chuyên trách về hình sự, hành chính, thi hành án. Muốn vậy cần sửa đổi quy định của ngành về cơ cấu quản lý và hoạt động.
Ngoài ra theo quy định, VKS cấp huyện nếu có số lượng án lớn sẽ được thành lập ba phòng là Văn phòng tổng hợp, Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự và Phòng kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính. Đến nay chưa có VKS cấp huyện nào trong cả nước đủ điều kiện thành lập ba phòng này, do đó tại TP Thủ Đức có thể áp dụng thực hiện.

Một cán bộ trong ngành kiểm sát tại TP.HCM

 Tính toán biên chế mới đảm đương được công việc 

Góp ý mô hình tố tụng cho TP Thủ Đức ảnh 3
 

Tôi chưa tiếp cận cụ thể chi tiết đề án của TP Thủ Đức nhưng tôi ủng hộ về mặt chủ trương vì phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Như vậy, sắp tới đây TP.HCM khác với các TP trực thuộc trung ương ở chỗ là có TP trong TP. Tôi được hiểu đây là cấp chính quyền địa phương nên thẩm quyền vẫn đầy đủ. 
Khi tổ chức bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức trong TP.HCM thì bộ máy cơ quan tư pháp của TP Thủ Đức về bản chất vẫn là cấp huyện, thẩm quyền không tăng lên, tức không có gì thay đổi.
Tuy nhiên, do phải sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP Thủ Đức nên phạm vi địa bàn hoạt động rộng lớn hơn. Mặc dù nhiệm vụ, quyền hạn vẫn không thay đổi, chẳng hạn như các cơ quan tố tụng vẫn chỉ có thể xử lý các vụ án có khung hình phạt lên đến 15 năm tù nhưng khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều. Do đó, ngành dọc của các cơ quan tố tụng ở trung ương phải tính toán đảm bảo được tổng biên chế để đảm đương được trong giải quyết công việc.

ĐBQH NGUYỄN BÁ SƠN, Phó trưởng đoàn chuyên trách 
Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng 

NGÂN NGA
ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm