Hải Dương xét xử vụ buôn lậu gây ‘tranh cãi’ suốt 16 năm

Có bốn người liên quan đến vụ án, trong đó 3 cá nhân khác đã bị tuyên án tổng cộng 30 năm tù giam (qua hai cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm). Riêng ông Huy, GĐ Công ty Huy Hoàng khi đó bỏ trốn, đến tháng 5-2014 mới bị bắt lại và sau đó bị truy tố với cùng tội danh buôn lậu.

Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi, được lấy ví dụ làm “vụ án tiêu biểu” về việc các cơ quan tố tụng có hình sự hóa quan hệ kinh tế hay không? Vụ án này đã được Pháp Luật TPHCM đăng tải nhiều kỳ trong các năm 2001-2002.

Diễn biến của vụ án

Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an Hải Dương, đầu tháng 3-1999, ông Huy, với tư cách GĐ Công ty Huy Hoàng hứa giúp nhập khẩu phụ tùng máy nông nghiệp cho một số hộ kinh doanh mặt hàng này gồm Dương Đình Bảng, Phạm Văn An và Lương Văn Dũng.

Bằng tư cách pháp nhân của mình, Huy lo việc ký hợp đồng, thủ tục hải quan, vận chuyển; những người kia trả hoa hồng cho Huy và tự sang Trung Quốc gom mua hàng. Thực hiện việc này, Bảng, An, Dũng đã sang Trung Quốc, gom được 180 tấn hàng. Huy ký hợp đồng với Tổng công ty Cung ứng nông ngư cơ Quảng Tây 3. Đầu tháng 4-1999, hàng về đến Việt Nam, Huy cấp giấy giới thiệu cho An, Bảng, Dũng đến hải quan làm thủ tục nhận hàng.

Ảnh minh họa

Cho rằng hành vi trên có dấu hiệu của tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, Công an Hải Dương đã khởi tố bị can đối với 4 người này. Sau đó, do không có cơ sở, việc điều tra đối với tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới đã được đình chỉ. Các ông Bảng, An, Dũng (riêng Huy bỏ trốn) đã được đưa ra xét xử ở hai cấp và đều bị khép tội buôn lậu với tổng hình phạt 30 năm tù giam. Sau đó VKSND tối cao đã ra kháng nghị đối với bản án phúc thẩm. Đến năm 2002, trong phiên Giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán TAND tối ao đã bác kháng nghị trên.

Đến nay ba ông Bảng, An, Dũng đều đã chấp hành xong hình phạt tù giam. Đến tháng 5-2014, sau nhiều năm bỏ trốn, ông Huy bị bắt.

Trong phiên xử sáng nay, Dương Đình Bảng với tư cách là người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đã vắng mặt không rõ lý do. Vì vậy, chủ tọa tuyên bố tạm hoãn phiên tòa, dời đến ngày 7-5 sẽ mở phiên xét xử lại.

Tranh cãi xung quanh vụ án ròng rã 16 năm

Vụ án này không chỉ dư luận phản ứng, mà sự tranh cãi gay gắt cũng diễn ra giữa các cơ quan chức năng, thậm chí giữa các cơ quan tố tụng. Phía Hải quan, Bộ thương mại, VKSND tối cao cho rằng đây là một kiểu hình sự hóa quan hệ kinh tế, chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính, không đủ căn cứ để truy tố…

Cụ thể, lập luận của cơ quan điều tra về việc Cty Huy Hoàng buôn lậu đã bị đại diện VKS tối cao bác bỏ thẳng thừng.

Thứ nhất, bản fax của Cục Điều tra, Tổng cục Hải quan Trung Quốc khẳng định ngày 20-3, Tổng công ty Cung ứng máy nông nghiệp Quảng Tây đã xuất cho Huy Hoàng một lượng linh kiện động cơ diezen (có kèm theo bộ hồ sơ về việc xuất khẩu này). Do đó việc quy kết 3 hợp đồng mà Cty Huy Hoàng ký là giả hoàn toàn không có căn cứ.

Quang cảnh phiên tòa sáng nay

Thứ hai, Công an thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) xác minh và cho biết trong tháng 3-1999, không có tên Dũng, Bảng, An trong sổ thông hành tại cửa khẩu Móng Cái. Tất nhiên, có thể những người này đi bằng con đường trái phép, nhưng điều này không được làm rõ. Hơn nữa, trong thời gian trên, 3 người còn ký giấy ủy nhiệm chi từ Hải Dương đi Móng Cái và đây được coi là bằng chứng ngoại phạm.

Thứ ba, cơ quan điều tra vin vào lý do Huy khai giá trị lô hàng chỉ 515 triệu đồng, trong khi giá trị thực là nhiều tỷ. Tuy nhiên, mặt hàng này được Nhà nước khuyến khích nhập khẩu, thuế suất 0%, do đó có khai báo gian dối thì hậu quả cũng không xảy ra. Giả sử Huy Hoàng cho người khác mượn tư cách pháp nhân để nhập lô hàng trên thì vẫn có thể xem đây như hình thức ủy thác nhập khẩu, không phạm tội.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-4-2011, đại diện VKSND Tối cao đã tái khẳng định quan điểm ba bị cáo Dũng, Bảng, An không có tội, nhưng Tòa phúc thẩm TAND Tối cao vẫn khép tội. Tiếp sau đó là bản kháng nghị của VKSND tối cao cũng bị bác.

Do vụ án gây nhiều tranh cãi, dư luận phản ứng, gia đình các bị cáo kêu oan nên tháng 8-2001, một cuộc họp liên ngành giữa VKSND Tối cao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan và TAND Tối cao đã được tổ chức ra để xem xét về các quan điểm trong vụ án.

Theo đó, tại cuộc họp trên đại diện Bộ Thương Mại, Tổng Cục hải quan, Văn phòng Chính phủ đều cho rằng vi phạm của Cty Huy Hoàng nếu có thì chỉ đáng xử phạt vi phạm hành chính. Đại diện VKSND tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm các bị cáo không phạm tội buôn lậu…Riêng TAND Tối cao vẫn bảo vệ quan điểm buộc tội của mình với Huy Hoàng, song không có ý kiến phản bác lại lập luận của 4 cơ quan còn lại.

Vụ án này cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ khi đó. Cụ thể, ngày 25-5-2001, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn hỏa tốc số 2261/VPCP-VI gửi Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ (khi đó là Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).
Theo đó, Phó thủ tướng đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao chủ trì kiểm tra, xem xét làm rõ toàn bộ sự việc, có kết luận cụ thể và quyết định các biện pháp giải quyết tiếp. Kết quả quá trình này phải thông báo cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-7-2001.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm