Hành vi của đoàn thanh tra có dấu hiệu tội nhận hối lộ

Theo quyết định thanh tra của bộ trưởng Bộ Xây dựng, nội dung thanh tra là công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch, công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng do cấp huyện làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư trên 7 tỉ đồng.

 Không thể chỉ dựa vào mỗi quyết định thanh tra để xem xét vi phạm của bị can vì với chức phó trưởng Phòng phòng, chống tham nhũng, bị can cũng có nhiệm vụ, trách nhiệm phát hiện, đề xuất xử lý nhiều vi phạm về tham nhũng trong ngành.

Ấy thế, với chức vụ là phó trưởng Phòng phòng, chống tham nhũng và được phân công làm trưởng đoàn thanh tra ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), bị can Kim Anh đã tự ý mở rộng nội dung, đối tượng bị thanh tra. Theo đó, bị can đã tổ chức cho các thành viên trong đoàn thanh tra kiểm tra hồ sơ pháp lý, điều kiện năng lực của các đơn vị tư vấn, thi công các công trình do tất cả UBND cấp xã ở huyện làm chủ đầu tư. Và y như rằng hễ thanh tra là lộ ra rất nhiều sai phạm. Chẳng hạn, xã chỉ định thầu nhưng không có hồ sơ yêu cầu của chủ đầu tư; thời điểm ký hợp đồng thì doanh nghiệp không đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng...

Vịn vào các sai phạm này, bị can đã có những hăm he trong các biên bản gửi đến đối tượng bị thanh tra, như doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ hoạt động, toàn bộ số tiền theo hợp đồng sẽ bị thu hồi… Đáng lưu ý, bị can đã công khai đánh tiếng với các đối tượng bị thanh tra rằng: Muốn được giảm nhẹ vi phạm nêu trong dự thảo biên bản thì phải nộp tiền cho đoàn thanh tra theo tỉ lệ nhất định. Đáng lưu ý nữa là cũng theo cáo trạng thì một số nhà thầu có liên quan chính vì muốn được các bị can giúp đỡ giảm nhẹ hoặc bỏ qua lỗi vi phạm đã đồng ý đưa tiền theo gợi ý của các bị can.

Từ các thông tin trong kết luận điều tra và cáo trạng, có thể nhận thấy lý do để các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc đổi tội danh chính là vì bị can Kim Anh có những việc làm vượt ra ngoài trách nhiệm được giao trong quyết định thanh tra nhằm để thu được một số tiền từ các đối tượng bị thanh tra như đã nêu ở trên.

Bị can Nguyễn Thị Kim Anh. Ảnh: http://vinhtuong.vinhphuc.gov.vn

Tuy nhiên, theo mô tả trong điều luật và thực tiễn xét xử trước giờ, cần phải thấy rằng tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản đòi hỏi hai yếu tố chính thuộc về bị can, bị cáo và người bị hại.

Đối với bị can, bị cáo, để xác định có lạm dụng chức vụ, quyền hạn hay không, phải căn cứ vào chức vụ họ đang giữ và theo pháp luật thì họ có những quyền gì. Rồi trong khi thi hành công vụ họ đã thực hiện vượt quá giới hạn cho phép ở chỗ nào… Tức không thể chỉ dựa vào mỗi quyết định thanh tra để xem xét vi phạm của bị can vì với chức phó trưởng Phòng phòng, chống tham nhũng, bị can cũng có nhiệm vụ, trách nhiệm phát hiện, đề xuất xử lý nhiều vi phạm về tham nhũng trong ngành.

Tương ứng, người bị chiếm đoạt tài sản trong tội này thực sự là người bị hại khi họ vì không biết bị can, bị cáo đã có sự vượt ra ngoài trách nhiệm được giao để chiếm đoạt tiền của họ nhưng do tin tưởng vào chức vụ, quyền hạn cùng lý do nhận tiền có liên quan đến chức vụ, quyền hạn đó nên họ đã đưa tiền.

Riêng đối với tội nhận hối lộ thì dấu hiệu bắt buộc có khác hơn. Đó là phải có sự thỏa thuận trước giữa người nhận và người đưa hối lộ về của hối lộ cũng như về việc làm có lợi cho người đưa hối lộ. Nói gọn cho dễ hiểu là: Trong tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, hành vi phạm tội là để có lợi cho người phạm tội, làm hại cho người đưa tài sản. Còn trong tội nhận hối lộ, hành vi phạm tội không chỉ để người phạm tội được lợi mà còn là để làm lợi cho người đưa hối lộ.

Như vậy, có thể thấy việc bị can Kim Anh có nhiều hành vi vượt ra ngoài trách nhiệm được giao theo quyết định thanh tra cũng chỉ là một phương cách của việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền từ những đơn vị, cá nhân có hành vi sai phạm.

Điều quan trọng nữa, khi việc nhận - đưa tiền giữa bị can với các nhà thầu, đơn vị tư vấn, xây lắp… đã có sự chấp nhận của cả hai bên là để làm nhẹ hoặc bỏ qua vi phạm của những người đưa tiền thì tội bị truy cứu phù hợp phải là tội nhận hối lộ.

Người đưa tiền không có tội?

Nếu truy cứu bà Kim Anh và các đồng phạm tội nhận hối lộ thì cũng sẽ phải xem xét đến hành vi đưa hối lộ.

Theo cáo trạng thì có nhiều người đã miễn cưỡng đưa tiền cho các bị can và đã chủ động tố giác hành vi phạm tội của các bị can. Việc có truy cứu người đưa hối lộ hay không cũng phải theo BLHS. Cụ thể, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm