Hiếm có vụ đặt tiền để tại ngoại!

Điều 93 BLTTHS hiện hành quy định người đã bị tạm giam để điều tra vẫn có cơ hội được tại ngoại bằng việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. CQĐT, VKS, tòa án sẽ xem xét, quyết định cho bị can, bị cáo bị tạm giam được đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để tại ngoại hay không.

Luật đã có

Nhằm áp dụng thống nhất quy định trên, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao, TAND Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2013 (có hiệu lực từ 15-1-2014). Theo thông tư này, cơ quan tố tụng quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm khi có đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, bị can, bị cáo phạm tội lần đầu; có nơi cư trú rõ ràng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Thứ hai, bị can, bị cáo có khả năng về tài chính để đặt bảo đảm theo quy định. Đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần mà không có hoặc không đủ tiền để đặt bảo đảm thì xem xét đến khả năng tài chính của người đại diện hợp pháp của họ.

Khi G. Glitter bị tạm giam, luật sư của G. Glitter từng xin đặt 40.000 USD để G. Glitter tại ngoại nhưng không được chấp nhận. Ảnh: T.BÌNH

Thứ ba, có căn cứ xác định sau khi được tại ngoại, bị can, bị cáo sẽ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tố tụng và không tiêu hủy, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử.

Thứ tư, việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Bị can, bị cáo không thuộc trường hợp phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân...

Mức tiền được đặt để bảo đảm do CQĐT, VKS, tòa án quyết định nhưng không quá 20 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 80 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng, 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng. Đối với các trường hợp bị can, bị cáo là đối tượng đặc biệt như thuộc hộ nghèo; thương binh, bệnh binh, được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần… thì cơ quan tố tụng có thể quyết định mức tiền bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới một nửa mức nêu trên.

Không áp dụng, vì sao?

Nếu như ở một số nước, việc đặt tiền để được tại ngoại khá phổ biến thì ở Việt Nam, biện pháp này hầu như chưa được áp dụng dù quy định, hướng dẫn đều đã có và khá chi tiết.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều kiểm sát viên, thẩm phán cho biết trong quá trình tham gia giải quyết án hình sự, họ không nhận được yêu cầu đặt tiền để tại ngoại từ phía người bị tạm giam và gia đình. Ngay cả ở một TP có số lượng án hình sự phải giải quyết nhiều nhất nước như TP.HCM, cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào xin đặt tiền để tại ngoại.

thực tế, một vụ hiếm hoi người bị tạm giam có yêu cầu, cơ quan tố tụng đã không chấp nhận. Đó là vụ ca sĩ nhạc rock người Anh Gary Glitter bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khởi tố, bắt tạm giam về tội dâm ô với trẻ em hồi tháng 11-2005. Luật sư bào chữa cho G. Glitter đã đề nghị đặt 40.000 USD để xin cho G. Glitter được tại ngoại. Sau khi xem xét, CQĐT và VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bác đề nghị này của luật sư với lý do G. Glitter không có nơi ở nhất định tại Việt Nam và có thể bỏ trốn.

Vì sao lại có thực tế trên trong khi biện pháp này được đánh giá là tiến bộ, phù hợp chủ trương giảm áp lực giam giữ ở nước ta?

Theo Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM), tuy đã có quy định và hướng dẫn nhưng rất nhiều người dân không biết. Người bị tạm giam thường xin tại ngoại với các lý do khác chứ không nghĩ đến biện pháp đặt tiền bảo đảm. Những người am hiểu pháp luật như luật sư cũng thường không lưu tâm hướng dẫn người bị tạm giam và gia đình đề đạt biện pháp này với cơ quan tố tụng vì họ thấy chưa có tiền lệ và họ nghĩ nếu có đề đạt cũng sẽ không được cơ quan tố tụng chấp thuận...

Về phần cán bộ tố tụng, Thẩm phán Long cho rằng họ thường không hướng dẫn người bị tạm giam và gia đình đặt tiền bảo đảm vì e ngại rất dễ bị hiểu lầm là “gợi ý này kia”. Khi một biện pháp thay thế tạm giam càng chưa có người áp dụng thì cán bộ tố tụng lại càng không muốn chủ động áp dụng, nhất là với một biện pháp có dính tới yếu tố tiền bạc. Đó là chưa kể đến nỗi lo bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc có hành vi cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử...

Luật mới có nhiều sửa đổi

BLTTHS hiện hành cho phép đặt cả tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm không bị ràng buộc bởi thời hạn.

Nhằm phát huy hiệu quả của biện pháp này, BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) đã có nhiều sửa đổi. Theo đó, luật mới chỉ quy định đặt tiền để bảo đảm, không quy định đặt tài sản có giá trị; quy định cụ thể nghĩa vụ của bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Đặc biệt, luật mới bổ sung thời hạn áp dụng đối với biện pháp đặt tiền để bảo đảm không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm