Hội đồng định giá nói về vụ kính xe hơi cũ bằng giá mới

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, VKSND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) vừa ra cáo trạng lần thứ bảy truy tố ông Lê Thành Sử về tội cố ý làm hư hỏng tài sản, liên quan đến việc ông này làm vỡ tấm kính chắn gió phía sau một ô tô. Điều đặc biệt trong vụ án này là việc định giá tấm kính chắn gió làm cơ sở định tội gây nhiều tranh cãi, kết quả định giá cũng “đá” nhau.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thư, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Hội đồng định giá (HĐĐG) trong tố tụng hình sự tỉnh Đồng Nai, xoay quanh việc định giá tấm kính xe hơi trong vụ án.

Không định giá, vụ án không kết thúc được

. Phóng viên: Thưa ông, hai lần HĐĐG từ chối việc định giá giá trị còn lại của chiếc kính ô tô bị vỡ vì cho rằng không có căn cứ xác định giá trị thực còn lại tại thời điểm xảy ra vụ án. Vì sao lần này HĐĐG lại định giá tấm kính là 2,1 triệu đồng để từ đó cơ quan tố tụng tiếp tục truy tố bị can?

+ Ông Lê Văn Thư: Trường hợp vụ án của ông Sử, việc định giá kéo dài nhiều lần, lần đầu có kết quả nhưng sau này bị hủy, hai lần cơ quan định giá không định giá được tài sản. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy trong vụ này nếu không định giá tài sản thì không thể kết thúc vụ án. Đây là nguyên nhân gốc rễ tại sao trước HĐĐG tài sản không định giá được, sau này lại có kết quả định giá tấm kính xe bị vỡ.

. Vậy HĐĐG dựa vào căn cứ nào để định giá giá trị còn lại của kính xe chắn gió ô tô đã sử dụng gần 10 năm bằng với giá tấm kính mới, tức không có sự hao mòn?

+ Chúng tôi thực hiện theo Nghị định 26, Thông tư 55 của Bộ Tài chính hướng dẫn. HĐĐG nhận thấy tài sản không còn nữa và có quy định khảo sát thị trường để định giá.

Đối với trường hợp cụ thể ở đây là kính ô tô, nếu khảo sát thị trường đối với kính tương đương hiện nay hoàn toàn không có. Vì vậy, chúng tôi áp dụng không có kính tương đương thì khảo sát tình hình thực tế và nhận thấy hao mòn của kính xe cũ không đáng kể, ví dụ tấm kính chỉ có hai trường hợp là bể hay còn thôi. Quan điểm của chúng tôi là vậy.

Từ tình hình thực tế đó, căn cứ vào giá thị trường bán lẻ cung cấp giá đó chúng tôi chấp nhận đơn giá thay thế mới và đưa ra kết luận định giá tài sản là khấu hao 0% với chiếc kính đó. 

Chiếc ô tô hiệu Ford Everest trong vụ án. Ảnh: VŨ HỘI

Không bị ai can thiệp

. Trong Nghị định 26, Thông tư 55 có nêu cụ thể kính ô tô là một đặc thù không thể khấu hao tài sản không, thưa ông?

+ Đây là nhận định của HĐĐG và trong tình hình thực tế trên thị trường không tìm được tài sản tương đương như vậy. Hơn nữa, HĐĐG nhận định tấm kính ô tô là đặc thù như vậy chỉ có hai dạng là bể hoặc còn. Vì vậy, HĐĐG chấp nhận bây giờ thay kính giá bán lẻ thì chúng tôi đã chấp nhận đưa ra kết quả như trên.

Thực sự trong nghị định, thông tư còn chưa bao quát hết tình tiết cụ thể nên rất khó để xác định. Do đó, HĐĐG dựa vào thông tư để xác định giá trị tài sản thiệt hại. 

. Trước đó, HĐĐG đã hai lần xác định rằng kính xe này không thể định giá khấu hao tài sản, tại sao lần này lại định giá được? HĐĐG có bị áp lực hay tác động gì từ phía cơ quan tố tụng hay không? 

+ Vụ án này kéo dài, nếu HĐĐG không định giá được thì vụ việc sẽ không giải quyết được. Đây là nhiệm vụ của HĐĐG, cơ quan tố tụng không can thiệp vào. Mình làm sao đúng luật thôi nhưng không làm thì không được, vụ việc sẽ không kết thúc được.

. Nhưng vụ án kết thúc hay không là nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng, không phải nhiệm vụ của HĐĐG tài sản. Trước việc các kết luận “đá” nhau thì tại sao HĐĐG không bảo lưu quan điểm ban đầu?

+ Chúng tôi phải làm thôi, không định giá được thì công việc không kết thúc được. Mà nhiệm vụ của HĐĐG là phải làm nên chúng tôi rà soát rồi họp lại và cho rằng cái này vận dụng được dựa theo Thông tư 55 cho phép những đặc thù nên vận dụng.

Bốn lần tiếp nhận cho ba kết quả khác nhau

Theo hồ sơ, ngày 6-4-2016, ông Sử đi ngang qua nhà anh V. thì thấy anh này nên đòi nợ. Do gọi anh V. không được, ông Sử ném cục gạch vào trong sân thì làm vỡ kính chắn gió phía sau chiếc ô tô hiệu Ford Everest.

Ban đầu HĐĐG tỉnh Đồng Nai xác định thiệt hại chiếc kính ô tô đã qua sử dụng gần 10 năm theo giá trị kính mới 100% là 3,2 triệu đồng. Sau đó, khi cơ quan tố tụng trưng cầu định giá lại thì hai lần HĐĐG có văn bản từ chối với lý do: Không có căn cứ để xác định giá trị thực còn lại của kính xe tại thời điểm xảy ra vụ án.

Mới đây, HĐĐG tỉnh Đồng Nai lại xác định kính chắn gió là tài sản có giá trị sử dụng hầu như không bị hao mòn theo thời gian. Do đó, giá trị kính chắn gió phía sau ô tô được tính bằng giá trị thay mới tại thời điểm ngày xảy ra vụ án là hơn 2,1 triệu đồng. Từ đây, cơ quan CSĐT công an huyện ra kết luận điều tra lần thứ bảy và chuyển sang VKSND huyện ra cáo trạng truy tố bị can Sử. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.