Hôm nay, xét xử ông Nguyễn Thành Tài và bà Dương Thị Bạch Diệp

Hôm nay (16-11), TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Dương Thị Bạch Diệp (giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương), Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng đồng phạm thiếu trách nhiệm trong vụ hoán đổi khu “đất vàng” 185 Hai Bà Trưng (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM) gây thiệt hại 186 tỉ đồng.

Phiên xử dự kiến kéo dài đến ngày 22-11. Trước đó, TAND TP.HCM phải hoãn phiên xử nhiều lần vì TP.HCM trải qua các giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19.

Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM là bị hại của vụ án. UBND TP.HCM cùng năm sở, ngành thuộc UBND TP.HCM tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, tham gia phiên tòa còn có hai ngân hàng, Phòng Công chứng số 1 TP.HCM và 17 đơn vị, cá nhân.

Bào chữa cho bị cáo Bạch Diệp có sáu luật sư của Đoàn Luật sư TP.HCM và Hà Nội gồm Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Trần Ngọc Hải, Phạm Chính Tâm, Hà Thị Xuyến và Nguyễn Thị Hoài Linh.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp và bị cáo Nguyễn Thành Tài tại phiên xử
hồi tháng 3. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bị cáo Nguyễn Thành Tài có hai luật sư bào chữa là Trương Trọng Nghĩa và Ngô Minh Hưng. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, 20 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo khác và đương sự.

Cáo trạng xác định bị hại Trung tâm Ca nhạc nhẹ đã mất quyền kiểm soát đối với nhà, đất 185 Hai Bà Trưng, thiệt hại 186 tỉ đồng. Ông Tài và các thuộc cấp có các sai phạm trong việc ký duyệt và làm thủ tục hoán đổi nhà này nên bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cuối tháng 3, tòa từng mở phiên xử; phiên tranh luận trở nên căng thẳng khi nhiều tài liệu, tình tiết mới xuất hiện. HĐXX sau khi đánh giá lại toàn bộ tài liệu, chứng cứ mà các bên cung cấp đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu VKSND Tối cao điều tra bổ sung tám vấn đề liên quan đến việc cáo buộc bà Diệp lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại phiên xử khi đó, trong phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị phạt bà Diệp tù chung thân, ông Tài 5-6 năm tù…

Sau đó, VKSND Tối cao cho rằng tám nội dung mà HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung đều không có căn cứ, không phải là tình tiết mới phát sinh tại tòa.

Để chứng minh cho hành vi lừa đảo, cơ quan điều tra (CQĐT) đã thu thập tài liệu từ các nguồn Ngân hàng Agribank TP.HCM, Sở TN&MT, Sở Tài chính, UBND TP.HCM, Ngân hàng Phương Nam, Sở VH-TT&DL, Phòng Công chứng số 1. Đây là sáu tổ chức nhà nước hoạt động theo quy định của pháp luật, tài liệu của các tổ chức này cung cấp đều phù hợp với nhau về diễn biến của vụ án, phù hợp với kết quả điều tra, phù hợp với kết quả thẩm vấn công khai tại tòa.

Đồng thời, CQĐT cũng đã tiến hành giám định chữ ký của bị cáo Diệp trong hồ sơ thế chấp, hợp đồng tín dụng, các chứng từ giải ngân đối với tài sản nhà, đất 57 Cao Thắng và trưng cầu giám định tài sản theo quy định của BLTTHS. Do đó, CQĐT cho rằng có đủ cơ sở kết luận bị cáo Diệp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 174 BLHS. VKSND Tối cao giữ nguyên quan điểm truy tố theo cáo trạng trước đó.

Ngoài ra, sau khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung, CQĐT cung cấp thêm ba tài liệu do bị cáo Diệp - đại diện công ty ký gửi Ban Nội chính Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đều thể hiện tài sản 57 Cao Thắng đang được thế chấp tại Ngân hàng Agribank TP.HCM. Qua đó, bị cáo tiếp tục khẳng định tài sản này là tài sản bảo đảm của công ty bà tại Ngân hàng Agribank từ ngày 31-12-2008 đến nay chưa được giải chấp. Những tài liệu này đã được gửi đến tòa để đánh giá trong quá trình xét xử. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm