Kháng nghị giám đốc thẩm rồi rút toàn bộ

Theo cáo trạng của VKSND huyện Đắk Glong (Đắk Nông), vợ chồng bà Võ Thị Hoàng Oanh cho bà Vũ Thị Thùy Trang thuê 35 ha rẫy trồng cà phê tại xã Quảng Khê, hằng năm bà Trang trả cho bà Oanh 22 tấn cà phê nhân.

Năm 2012, bà Oanh nợ bà Lê Thị Nga gần 450 triệu đồng tiền phân bón và thỏa thuận cấn trừ nợ dần bằng hình thức bà Trang cân cà phê rồi giao cho bà Nga. Sau hai lần bằng cách này, bà Oanh đã trả bà Nga được một phần nợ (bảy tấn cà phê nhân khô).

Bị kết án vì lấy cà phê

Tối 10-1-2014, bà Oanh gọi cho bà Nga nói muốn bán cà phê (lấy từ bà Trang), bà Nga bảo khi nào có tiền sẽ gọi lại. Chiều hôm sau, bà Nga gọi lại cho bà Oanh để chốt việc mua bán. Lúc này bà Oanh đã đi xa nên nói để bà về rồi mới chốt. Tuy nhiên, sau đó bà Nga lại kêu bốn thanh niên (con trai, con rể và cháu) lái xe tải vào rẫy bà Oanh, đợi người làm của bà Trang xay cà phê xong thì bốc cà phê nhằm cấn trừ nợ của bà Oanh.

Cùng thời gian này, bà Trang gọi điện thoại cho bà Oanh hỏi có giao cà phê cho bà Nga như hai lần trước không. Bà Oanh bảo bà Trang giao cà phê cho cháu của bà chứ không giao cho bà Nga. Bà Trang bèn gọi cho bà Nga thông báo là sẽ không giao cà phê cho bà Nga.

Khoảng 21 giờ cùng ngày, bà Trang gọi cháu bà Oanh đến bàn giao 46 bao cà phê. Cháu bà Oanh ngủ cạnh các bao cà phê để canh, nhóm thanh niên bà Nga cử vào cũng ngủ lại cạnh đó.

Sáng hôm sau, con trai bà Nga gọi điện thoại cho bà Nga và chuyển máy để bà Nga nói chuyện với cháu bà Oanh. Bà Nga yêu cầu cháu bà Oanh cho con cháu mình bốc cà phê đi nhưng cháu bà Oanh không chịu.

Bà Nga kêu oan cho rằng bản chất sự việc chỉ là giao dịch dân sự. Ảnh: T.VÂN

Tiếp đó, bà Nga nói với con là dù cháu bà Oanh có ngăn thì vẫn bốc cà phê chở đi nhưng đừng đánh. Nghe lời, bốn thanh niên bốc cà phê lên xe. Cháu bà Oanh ngăn cản thì bị một người gạt tay trúng mặt và đè lên ngực, cầm khúc gỗ đe dọa. Bốc cà phê xong, con trai bà Nga lái xe đi thì cháu bà Oanh cầm dao chặn đường. Hai bên xô xát, khi cháu bà Oanh té xuống ao, con bà Nga tiếp tục lái xe đi. Được một đoạn thì bà Oanh xuất hiện chặn xe và báo công an.

46 bao cà phê này được định giá hơn 114 triệu đồng. Bà Nga cùng các con cháu bị khởi tố, truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản. Tháng 4-2015, TAND huyện Đắk Glong đã xử phạt các bị cáo từ ba năm sáu tháng tù đến bốn năm tù về tội này, đồng thời tuyên trả 46 bao cà phê cho bà Oanh. Các bị cáo kháng cáo kêu oan, bà Trang kháng cáo yêu cầu được nhận 46 bao cà phê. Tháng 9-2015, TAND tỉnh Đắk Nông xử phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ban hành kháng nghị rồi rút

Sau đó, con cháu của bà Nga bị bắt để chấp hành án tù. Riêng bà Nga xin hoãn chấp hành án và được chấp thuận vì là lao động chính trong nhà.

Bà Nga khiếu nại giám đốc thẩm kêu oan rằng bản chất sự việc chỉ là giao dịch dân sự. Ngày 11-1-2014, bà Oanh có nói chuyện với bà qua điện thoại thống nhất việc mua bán cà phê nên bà mới kêu con cháu vào rẫy nhận hàng. Khi nghe tin cháu bà Oanh ngăn cản, bà cố gọi điện thoại cho bà Oanh hỏi nhưng không liên lạc được. Trong ngày xảy ra sự việc, bà không hề nhận được điện thoại của bà Oanh hay bà Trang thông báo về việc không bán cà phê nữa…

Một năm sau, TAND Cấp cao tại TP.HCM có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy một phần hai bản án sơ, phúc thẩm về trách nhiệm của bà Nga.

Theo TAND Cấp cao tại TP.HCM, hành vi của các con cháu bà Nga phạm tội cướp tài sản mới đúng. Lẽ ra phải hủy toàn bộ hai bản án sơ, phúc thẩm để xét xử lại. Tuy nhiên, tòa hai cấp sơ, phúc thẩm đã quyết định hình phạt tương xứng, đảm bảo yêu cầu đấu tranh, phòng ngừa tội phạm nên không cần thiết phải hủy.

Riêng bà Nga, TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng tòa hai cấp sơ, phúc thẩm chưa làm rõ bà Nga có chỉ đạo đánh người, có biết việc con cháu đánh người hay không. CQĐT cũng chưa cho các bị cáo đối chất để làm rõ. Trong khi đó, bà Nga khai chỉ gọi điện thoại chỉ đạo bốc hàng nhưng yêu cầu không được đánh người. Vì vậy, chưa có căn cứ để xác định bà Nga phạm tội như tòa hai cấp sơ, phúc thẩm đã xét xử.

Tuy nhiên, sau đó TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định rút lại toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm. Lần này, tòa nhận định hành vi gọi điện thoại chỉ đạo con cháu bốc cà phê của bà Nga đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản nên quyết định rút kháng nghị.

Quy định liên quan

Theo khoản 3 Điều 277 BLTTHS, trước khi bắt đầu phiên tòa giám đốc thẩm, người đã kháng nghị có quyền bổ sung kháng nghị nếu chưa hết thời hạn kháng nghị quy định tại Điều 278 bộ luật này hoặc rút kháng nghị.

“Người đã kháng nghị” là người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định của BLTTHS. Hiện nay chánh án TAND Cấp cao, viện trưởng VKSND Cấp cao có quyền kháng nghị giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm