Khi COVID-19 là bệnh bình thường: Không đeo khẩu trang có bị phạt?

Việt Nam nằm trong tốp sáu nước bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Việt Nam đã tiêm mũi tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên và chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Như vậy, với diện phủ vaccine lớn như hiện nay thì với tất cả biến chủng, số lượng bệnh nhân chuyển nặng và tử vong sẽ giảm. Vì vậy, việc xem COVID-19 là bệnh thông thường cũng có những sự hợp lý nhất định.

Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ chuẩn bị hành trang pháp lý như thế nào khi thừa nhận COVID-19 là bệnh thông thường.

Chăm sóc y tế cho người yếu thế nhiễm bệnh

Theo TS Cao Vũ Minh, giảng viên Khoa luật hành chính - nhà nước Trường ĐH Luật TP.HCM, một khi thừa nhận COVID-19 là bệnh thông thường thì hệ quả tất yếu là phải rút COVID-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Khi xem COVID-19 là bệnh thông thường, việc tuân thủ 5K sẽ dần là ý thức của mỗi cá nhân. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Xem COVID-19 là bệnh thông thường có nghĩa là chi phí điều trị sẽ do người bệnh tự chi trả. Trong bối cảnh này sẽ có người bệnh đủ khả năng chi trả nhưng cũng sẽ có một bộ phận không nhỏ gặp không ít khó khăn về chi phí điều trị. Do đó, vấn đề chi phí điều trị sẽ là bài toán khó giải” - TS Cao Vũ Minh đặt vấn đề.

Để giải quyết vấn đề trên, TS Cao Vũ Minh kiến nghị rằng các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế có thể được vận dụng linh hoạt trong việc hỗ trợ người gặp khó khăn. Điều này đồng nghĩa chính sách y tế không thể cào bằng mà phải được cân nhắc.

“Trong hai năm qua, ngân sách nhà nước cũng đã chi quá nhiều cho vấn đề điều trị COVID-19 dẫn đến có nguy cơ thâm hụt. Do đó, thay vì rải mành mành, hãy tập trung chăm sóc cho những đối tượng yếu thế khi phải điều trị bệnh” - TS Minh nói.

Không đeo khẩu trang có bị phạt?

Nếu coi COVID-19 là bệnh thông thường thì có còn bắt buộc phải đeo khẩu trang, khai báo y tế… như trước đây không. Và nếu vi phạm 5K, gồm cả không đeo khẩu trang nơi công cộng thì có bị xử phạt không.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Kim Liên (Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và Quản lý xử phạt vi phạm hành chính, Sở Tư pháp TP.HCM) cho rằng khi xem COVID-19 là bệnh thông thường, việc tuân thủ 5K sẽ dần là ý thức của mỗi cá nhân để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

“Nếu COVID-19 được xem là bệnh thông thường, không còn là dịch bệnh truyền nhiễm thì rõ ràng COVID-19 không còn được xem là dịch bệnh nguy hiểm. Như vậy, nếu bệnh COVID-19 được đưa ra khỏi nhóm bệnh chịu sự điều chỉnh của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm thì việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến phòng bệnh COVID-19 đương nhiên cũng thay đổi, sẽ không còn đặt ra như hiện nay” - bà Liên phân tích.

Theo bà Liên, khi COVID-19 trở thành bệnh thông thường, vấn đề kiểm soát đối với F0, F1 như khai báo y tế, cách ly tập trung, xét nghiệm, đeo khẩu trang… có thể sẽ không bị bắt buộc. Điều này cũng đồng nghĩa với những hành vi mà hiện nay xem là vi phạm thì khi đó sẽ không bị xử phạt hành chính nữa.

Một số hành vi khác vẫn có thể bị xử phạt

Ở góc độ khác, TS Cao Vũ Minh cho rằng nếu đưa COVID-19 ra khỏi nhóm A bệnh truyền nhiễm thì COVID-19 vẫn được xem là bệnh truyền nhiễm. Do đó, các quy định về áp dụng các biện pháp chống dịch, chống bệnh truyền nhiễm nhìn chung vẫn nên giữ nguyên giá trị pháp lý.

Theo TS Minh, một số hành vi vi phạm chỉ áp dụng đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A như hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhóm A được quy định trong Nghị định 117/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021 sẽ không còn được áp dụng để xử lý đối với hành vi liên quan đến phòng bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, các quy định còn lại trong Nghị định 117/2020 là áp dụng chung cho mọi bệnh truyền nhiễm. Chính vì vậy, các biện pháp phòng dịch, phòng bệnh truyền nhiễm như đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế vẫn được áp dụng đối với COVID-19 ngay cả khi xem COVID-19 là bệnh thông thường.

“Đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế là nghĩa vụ của mọi người trong việc phòng bệnh COVID-19 nên nếu vi phạm thì các cơ quan nhà nước hoàn toàn có quyền xử phạt” - TS Cao Vũ Minh khẳng định.

 

Vẫn nên duy trì thực hiện 5K trong điều kiện bình thường mới

Có xem COVID-19 là bệnh thông thường hay không thì việc thực hiện 5K vẫn luôn là cần thiết. Xem COVID-19 là bệnh nguy hiểm hay bệnh thông thường chỉ là xác định cách thức điều chỉnh của pháp luật, còn về bản chất thì đây vẫn là bệnh truyền nhiễm.

Đã là bệnh truyền nhiễm thì những biện pháp cần thiết như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách… vẫn là chốt chặn an toàn trong việc phòng bệnh. Mặc dù độc lực của COVID-19 có thể giảm do phát huy tác dụng của chiếc khiên bảo vệ là vaccine thì người không nhiễm bệnh vẫn sẽ hạnh phúc hơn người nhiễm bệnh, đặc biệt là vấn đề sức khỏe hậu COVID-19 vẫn gây ra nhiều hệ lụy.

Chúng ta đang bắt đầu giai đoạn bình thường mới có nghĩa là bình thường trong trạng thái mới. Nếu như trước đây, một người không đeo khẩu trang, không khử khuẩn được xem là bình thường thì với trạng thái mới, việc đeo khẩu trang, khử khuẩn mới được xem là bình thường. Vì lẽ đó, thực hiện 5K luôn cần thiết trong việc bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng cần ban hành những cơ sở pháp lý phù hợp nhằm cân bằng giữa lợi ích kinh tế và vấn đề phòng chống dịch bệnh. Theo đó, những biện pháp cực đoan kiểu ngăn sông cấm chợ, dựng pháo đài bất khả xâm phạm nên được loại bỏ. Thay vào đó là những điều khoản mang tính thích ứng cao có giá trị trong việc phòng chống dịch. Cuối cùng thì ý thức của con người mới là chìa khóa quan trọng nhất trong việc phòng bệnh COVID-19. Do đó vẫn cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân để họ không lơ là, chủ quan trong cuộc chiến vốn dĩ còn nhiều cam go này.

TS CAO VŨ MINHgiảng viên Khoa luật hành chính - nhà nước Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm