Khởi tố chỉ vì mua bán điều chậm trả?

TAND thị xã Phước Long (Bình Phước) vừa hoãn xử, trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ Tạ Linh Sơn (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 140 BLHS (khung hình phạt từ bảy năm tù đến 15 năm tù). Theo tòa, hồ sơ còn nhiều điểm chưa rõ, có những dấu hiệu cho thấy hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm...

Cáo trạng: Mua hạt điều không trả, tránh mặt

Cáo trạng xác định Sơn và bà Nguyễn Thị Tiên (ngụ thị xã Phước Long)  quen biết từ trước. Sáng 26-9-2014, Sơn mượn ô tô tải đến nhà bà Tiên mua hạt điều nhân. Bà Tiên đồng ý bán cho Sơn hơn 1.897 kg hạt điều các loại với tổng giá tiền khoảng 312 triệu đồng.

Sau khi bốc điều lên xe tải, Sơn nói bà Tiên xin khất lại đến 16 giờ cùng ngày sẽ thanh toán. Bà Tiên không chịu, yêu cầu trả tiền ngay mới cho Sơn chở hàng đi. Lúc này, một hàng xóm của bà Tiên cũng là người quen của Sơn đến. Ông này nói bà Tiên cho Sơn nợ “không sao đâu” và ký làm chứng việc hai bên mua bán.

Sau đó, Sơn thuê người chở điều đến gửi ở nhà em dâu tại huyện Hòa Thành (Tây Ninh). Chiều đó, không thấy Sơn đến trả tiền, bà Tiên gọi điện thoại nhiều lần nhưng Sơn không nghe máy. Hôm sau, Sơn bán điều cho một phụ nữ không rõ lai lịch, thu được 315 triệu đồng. Sơn dùng 130 triệu đồng đưa cho người quen ở thị xã Phước Long trả nợ giùm cho một số chủ nợ của Sơn, còn lại thì Sơn tiêu xài.

Tiếp đó, Sơn quay về TP.HCM rồi đi một số nơi như Móng Cái (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa) nhằm trốn tránh bà Tiên. Sau khi không liên lạc được với Sơn, bà Tiên đã tố cáo ra cơ quan công an.

Ngày 6-8-2015, Công an thị xã Phước Long khởi tố, bắt tạm giam Sơn (ngày 3-2-2016 cho tại ngoại). Về trách nhiệm dân sự, tháng 1-2016, gia đình Sơn đã trả cho bà Tiên tất cả tiền còn nợ.

Bị cáo Sơn tại phiên xử ngày 20-4. Ảnh: H.YẾN

Bị cáo: Quan hệ mua bán bình thường

Nội dung cáo trạng là vậy nhưng từ khi bị bắt, Sơn cùng gia đình đã liên tục kêu oan, cho rằng bị hình sự hóa quan hệ làm ăn bình thường và trình bày một nội dung khác hẳn.

Theo Sơn và gia đình, sau khi Sơn chở hạt điều sang Tây Ninh thì chỉ bán được một phần và thu được 115 triệu đồng, còn lại bán không được nên Sơn mang về TP.HCM giao cho vợ và chị bán dần. Một ngày sau khi lấy hàng của bà Tiên, Sơn có gọi cho bà Tiên thương lượng trả trước 115 triệu đồng. Con gái bà Tiên cầm máy đã yêu cầu Sơn trả hết tiền ngay một lần, nếu không sẽ thưa ra công an. Ngay chiều đó (27-9-2014), chị này đã làm đơn tố cáo Sơn ra cơ quan công an. Sau đó, người nhà của Sơn có liên lạc với bà Tiên đề nghị trả dần nhưng bà Tiên không chấp nhận.

Sơn và gia đình cũng khẳng định không có việc Sơn bỏ đi Móng Cái kiếm sống như cáo trạng quy kết, còn việc Sơn đi Nha Trang là du lịch cùng gia đình. Sơn khẳng định mình không hề bỏ trốn thông qua chính các biên bản xác minh của Công an thị xã Phước Long. Cụ thể, biên bản xác minh tại Công an phường 14 (quận 11, TP.HCM) ghi rõ trước ngày 8-9-2011, Sơn có hộ khẩu tại đây. Sau ngày đó, hộ khẩu được chuyển đến phường Phú Trung (quận Tân Phú, TP.HCM). Tại quận Tân Phú, công an địa phương cũng xác định Sơn đã chuyển hộ khẩu đến và từ 28-5-2013 đã chuyển hộ khẩu đến phường Phú Thạnh cùng quận.

Đặc biệt, có một biên bản, theo Sơn và luật sư là “có vấn đề”: Biên bản xác minh ngày 3-6-2015 ở xã Thái Bình (Châu Thành, Tây Ninh) có ghi “Chúng tôi gồm Nguyễn Quốc Thái, Trưởng Công an xã; Tống Văn Thỏa, cán bộ điều tra và ông Tạ Huy Hoàng (anh của Tạ Linh Sơn). Qua xác minh được ông Tạ Huy Hoàng cung cấp, hiện tại tôi và gia đình không biết Sơn ở đâu. Tôi được biết Sơn nợ tiền nhiều người và đã bỏ trốn...”. Thế nhưng phía dưới biên bản, chỗ người cung cấp thông tin không có chữ ký của ông Hoàng mà thay vào đó là chữ ký của ông Lê Hoàng Khắc Lữ nào đó (người chứng kiến). Ông Hoàng cũng khẳng định chưa từng biết việc này.

Tòa: Chứng cứ kết tội chưa rõ

Tại phiên xử ngày 20-4 vừa qua tại TAND thị xã Phước Long, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu VKS làm rõ Sơn có tắt máy và bỏ hai SIM điện thoại hay không; làm rõ Sơn có ý thức chiếm đoạt tiền hay không. Nếu có thì có trước hay sau việc mua bán hạt điều. Cạnh đó, do Sơn và một số người liên quan khai rằng bị điều tra viên mớm cung nên cần triệu tập điều tra viên để đối chất. HĐXX cũng yêu cầu đưa thêm một người có chứng kiến việc mua bán hạt điều vào tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng.

Đặc biệt theo HĐXX, tại phiên tòa, VKS cho rằng sau khi mua hàng của bà Tiên, Sơn bán được tiền và sử dụng tiền này để trả nợ cá nhân, sau đó lẩn trốn nhằm không trả nợ. Hành vi của Sơn đủ cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, Sơn khẳng định không bỏ trốn mà ở nhà mình tại TP.HCM nhưng CQĐT không đến xác minh.

Luật sư của Sơn nói CQĐT chỉ đi xác minh những nơi Sơn không bao giờ ở hoặc không còn ở nữa để quy kết Sơn bỏ trốn là thiếu khách quan. Bản chất của việc mua bán điều có thông lệ là mua bán gối đầu và trả chậm trong vòng ba ngày. Trong khi đó, Sơn từng nhiều lần mua bán điều của bà Tiên, lần này chỉ trả chậm một ngày thì đã bị tố ra công an.

Theo HĐXX, để thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội phải có các hành vi như gian dối, bỏ trốn hoặc sử dụng tiền chiếm đoạt vào việc bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ. Trong khi đó Sơn không bỏ trốn, vẫn tìm cách trả lại tiền cho bà Tiên, thực tế tiền bán điều đã được chuyển cho vợ Sơn để vợ Sơn chuyển trả cho bà Tiên...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn tiến mới.

Khi nào phạm tội lạm dụng...?

Theo Điều 140 BLHS, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cấu thành khi việc giao và nhận tài sản hoàn toàn ngay thẳng dựa trên hợp đồng (vay, mượn, thuê..) và sự tín nhiệm (quen biết...). Sau khi có được tài sản, người phạm tội mới có hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc đánh tráo hoặc gian dối là bị mất…, không trả lại tài sản do không có khả năng hoàn trả vì đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, cầm đồ…

Nói cách khác, người phạm tội lấy được tài sản một cách ngay thẳng, hợp pháp thông qua hợp đồng rồi chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản đó bằng một trong ba cách sau: Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, bỏ trốn để không trả lại tài sản hay sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại được tài sản đó.

Nếu không thỏa mãn các phân tích trên thì không thể kết tội bị cáo về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm