Không để nợ đọng văn bản sang Chính phủ khóa mới

Sáng nay 3-12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì cuộc họp làm việc với các bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và có hiệu lực từ 1-1-2021 và tình hình xây dựng, trình ban hành các đề án trong Chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nguy cơ nợ đọng cao

Theo ông Dũng, hiện còn 30 văn bản quy định chi tiết cần có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, nghĩa là phải ban hành trước ngày 15-11-2020. Trong số này, chỉ có 7 văn bản đã trình xin ý kiến Chính phủ, còn lại Chính phủ vẫn đang chờ các bộ dự thảo. Đối với các chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 2-12 còn có 38/367 đề án thuộc diện nợ đọng, chiếm 10,3%. Trong số này, các bộ có đại diện trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng đang nợ 25 đề án.

"38 đề án, cộng với văn bản trong chương trình công tác của tháng 12-2020 là 99 văn bản, tổng cộng là 137 văn bản. Đây là nhiệm vụ rất lớn, không làm nhanh sẽ nợ đọng đến khóa sau", ông Dũng nêu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Ông Dũng lưu ý, tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đề án ở khóa này đang chậm. Nếu thời gian còn lại không cải thiện thì khả năng tỷ lệ nợ đọng sẽ cao hơn các khóa trước.

“Chỉ còn không đầy một tháng nữa sẽ kết thúc năm 2020, Bộ ngành, cơ quan nào đã hứa mà không làm được thì phải chịu trách nhiệm” - ông Dũng nhấn mạnh.

Không để nợ đọng văn bản sang Chính phủ khoá mới

Một trong những bộ nợ đọng nhiều văn bản quy phạm pháp luật là Bộ Công an. Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, Tư pháp cho biết trong 5 văn bản chậm, đến nay Bộ Công an đã khắc phục được 2. Số còn lại bị chậm thì một liên quan Luật An ninh mạng, đang chờ ý kiến các thành viên Chính phủ, còn nghị định liên quan đến công an xã chính quy thì chờ ý kiến Bộ Nội vụ.

“Hiện 100% công an xã chính quy nhưng vướng về quy định chế độ chính sách cho lực lượng này, và vướng cả về chức năng, nhiệm vụ, trong đó có chức năng điều tra” - ông Hùng lý giải thêm.

Liên quan đến vấn đề này, các ý kiến tại cuộc họp lo ngại tác động tăng biên chế khi đưa công an chính quy về xã, vì hiện cả nước đang dôi dư gần 11.000 công chức đảm nhiệm chức vụ trưởng công an xã cần phải sắp xếp, bố tri. Đây là nội dung Bộ Nội vụ đang phải lấy ý kiến các địa phương.

Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng “đổi mới mà không vướng mắc thì không gọi là đổi mới”, do đó phải chấp nhận xử lý. Ông đề nghị đại diện Bộ Công an về báo cáo Bộ trưởng, xem xét những việc thực hiện được thì phải làm bằng được trong năm 2020.

“Không để nợ sang Chính phủ khóa mới vì rất mang tiếng. Cái nào tính toán, cân đối khả năng không làm được thì mạnh dạn báo cáo Bộ trưởng xin rút” - ông Dũng nhấn mạnh.

Nợ đọng không kém là Bộ Tài chính. Báo cáo của Bộ này cho biết riêng Luật Chứng khoán sửa đổi liên quan đến 6 nghị định, hiện Chính phủ đã ký ban hành được một. Đối với nhóm văn bản phải trình tháng 12 có 5 văn bản trong chương trình, sẽ bảo đảm tiến độ trình trong tháng.

Ông Mai Tiến Dũng cho rằng "1 luật mà có 6 nghị định là không ổn”, và đề nghị Bộ Tài chính gom lại theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, cần gom các nội dung để 01 luật Quốc hội ban hành ra Chính phủ chỉ cần tối đa 02 nghị định chi tiết, và 01 nghị định chỉ tối đa 01 thông tư hướng dẫn.

“Tất cả văn bản hướng dẫn chi tiết không được nợ đọng. Những văn bản nào cần lùi, cần rút không đưa vào chương trình công tác năm 2021 phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ” - ông Dũng nói.

Bộ ngành nào đang nợ đọng văn bản?

Theo báo cáo của Tổ công tác, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành 48/55 văn bản quy định chi tiết, còn nợ đọng 7 văn bản thuộc trách nhiệm của các Bộ: Công an 3 văn bản, GD&ĐT 1 văn bản, Tài chính 1 văn bản, Nội vụ 1 văn bản, Công Thương 1 văn bản.

Với văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ 1-1-2021 hiện còn 23 văn bản chưa trình, thuộc các Bộ: LĐTB&XT 4 văn bản, Tài chính 7 văn bản, KH&ĐT 5 văn bản, Nội vụ 4, Xây dựng 7 văn bản... 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...