Không giới hạn thời gian yêu cầu bồi thường oan?

Điều 7 dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (LTNBTCNN) (sửa đổi) quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường là ba năm kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Dự thảo cũng quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường tại tòa là 15 ngày kể từ ngày người bị thiệt hại nhận quyết định giải quyết bồi thường mà không đồng ý với quyết định đó hoặc trong thời hạn ba năm kể từ ngày nhận được thông báo thương lượng không thành.

Theo Cục phó Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Trần Việt Hưng, việcsửa đổithời hiệu từ hai năm của LTNBTCNN 2009 thành ba năm như dự thảo nhằm phù hợp với quy định của BLDS 2015về thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (ba năm).

Không thể truất quyền của người bị oan

Theo luật sư (LS) Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa), LTNBTCNN 2009 có nhiều bất cập, hạn chế quyền của người bị thiệt hại trong quá trình yêu cầu Nhà nước bồi thường do vướng thời hạn, thời hiệu, điều kiện phải có văn bảnxác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.

Ông Trần Bê (giữa, ngụ Khánh Hòa) bị giam oan hơn ba năm nhưng hơn 30 năm nay vẫn chưa được xin lỗi, bồi thường. Ảnh: TẤN LỘC

LS Hà viện dẫn một số vụ việc yêu cầu bồi thường mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh như vụ ông Huỳnh Chiếm Phái ở Khánh Hòa, ông Lê Hồng Sơn ở Phú Yên... Từ đó, LS Hà khẳng định thực tế đang có nhiều trường hợp bị oan, bị thiệt hại trong tố tụng yêu cầu bồi thường nhưng không được cơ quan gây thiệt hại thụ lý, giải quyết với lý do đã hết thời hiệuhoặc chưa có văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Thậm chí có trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thì cơ quan gây thiệt hại làm lơ không giải quyết nên không khởi kiện được vì thiếu điều kiện là phải qua thủ tục thương lượng bồi thường…

Từ đó, LS Hà đề xuất không quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường, thời hiệu khởi kiệnyêu cầu bồi thường vì quy định như vậy là truất quyền của người bị oan, giúp cơ quan gây thiệt hại thoát trách nhiệm.

Ý kiến của LS Hà đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu khác tại hội thảo. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng đánh giá là một phát hiện lớn khi góp ý dự luật. “Không thể truất quyền được bồi thường của người bị oan bằng quy định về thời hiệu được” - ông Liên nói. Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ cũng nhận xét: “Quy định phải hướng đến việc bảo vệ người yếu thế là người bị thiệt hại. Công chức thực thi công vụ làm sai, gây thiệt hại thì Nhà nước phải bồi thường. Đó là điều tất nhiên. Cần phải sòng phẳng với người bị thiệt hại”.

Phải chủ động khôi phục danh dự

Theo Điều 51 LTNBTCNN, người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạnba tháng kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực… Nhiều ý kiến đã cho rằng cần phải bỏ luôn quy định về thời hiệu người bị thiệt hại được yêu cầu khôi phục danh dự nói trên.

“Phục hồi danh dự cho người bị thiệt là quyền nhân thân, quyền hiến định, không thể hạn chế bởi quy định ba tháng như vậy được” - LS Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh. Ông dẫn chứng bằng một trường hợp mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh là ông Nguyễn Thanh Hải (ngụ huyện Giồng Trôm, Bến Tre) được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên bố không phạm tội giết người từ năm 1988. Do thiếu hiểu biết pháp luật, đến năm 2011, ông Hải mới nộp đơn yêu cầu TAND tỉnh Bến Tre - nơi xử sơ thẩm kết án oan ông 14 năm tù - xin lỗi công khai, bồi thường thì bị tòa này từ chối với lý do đã hết thời hiệu theo luật định. Ông Hải đã 60 tuổi, chỉ mong mỏi có được lời xin lỗi công khai tại nơi mình sinh sống bởi nhiều người vẫn cho rằng ông là kẻ giết người khiến con cháu ông cũng bị nhiều điều tiếng.

Theo LS Hà, việc từ chối giải quyết cả yêu cầu xin lỗi công khai như trên với lý do hết thời hiệu là vi hiến vì Hiến pháp và các đạo luật đều bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Từ đó, LS Hà đề xuất dự thảo LTNBTCNN (sửa đổi) cần quy định thống nhất với Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự về quyền nhân thân, đó là không áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu khôi phục danh dự cho người bị oan. Cạnh đó, cơ quan gây thiệt hại phải chủ động xin lỗi người bị oan chứ không cần đợi họ có đơn yêu cầu.

TS Tạ Thị Minh Lý (Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam) cũng đề nghị cần có quy định cụ thể về trình tự, hình thức thực hiện việc khôi phục danh dự cho người bị oan, tránh kiểu làm qua loa, đối phó cho xong.

Luật sư, báo chí tham gia giải quyết bồi thường?

Nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị bổ sung quy định là người bị thiệt hại có quyền có LS để trợ giúp pháp lý cho mình trong quá trình yêu cầu cơ quan chức năng bồi thường.

TS Tạ Thị Minh Lý thì đề xuất cho cả báo chí, truyền thông tham gia quá trình này. “Trong thực tế giải quyết các vụ oan, các vụ vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ, đặc biệt là các hành vi đánh người của công an, nếu báo chí không vào cuộc hầu như dễ bị bỏ qua. Vì vậy, đề nghị có quy định về sự tham gia của báo chí, truyền thông trong quá trình giải quyết bồi thường nhà nước. Đề nghị quy định cả sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc góp phần giám sát, thúc đẩy bồi thường nhà nước” - TS Lý nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm