Không kết được tội này thì đòi cột tội khác

Dự kiến chiều 14-4, TAND tỉnh Bình Phước sẽ tuyên án phúc thẩm vụ ông Đồng Khắc Luật - người bị VKSND huyện Bù Gia Mập truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản nhưng TAND huyện Bù Gia Mập xử sơ thẩm tuyên trắng án.

Trắng án cưỡng đoạt tài sản

Đây là một vụ án oan mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Theo hồ sơ, tháng 5-2002, xử tranh chấp tài sản sau ly hôn, TAND tỉnh Bình Phước tuyên giao ông Luật được quản lý, sử dụng ba mảnh đất, ngược lại ông phải đưa cho vợ cũ gần 33 triệu đồng.

Do ông Luật không có tiền nên cơ quan thi hành án (THA) đã kê biên, bán đấu giá một mảnh đất 12.000 m2 đang trồng điều (một trong ba mảnh đất tòa giao cho ông sử dụng). Tháng 6-2004, một người đã mua trúng đấu giá với số tiền 62,5 triệu đồng. Một tháng sau, người này được cấp chủ quyền rồi chuyển nhượng ngay cho ông Nguyễn Văn Cự với giá 100 triệu đồng.

Ông Đồng Khắc Luật tiếp tục khẳng định mình bị oan tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: PL

Suốt quá trình bán đấu giá, cơ quan THA đã không thông báo cho ông Luật biết. Vì vậy khi ông Cự cho người vào cắm mốc ranh giới, làm vườn, xịt thuốc, thu hoạch… thì ông Luật ngăn cản, cầm rựa dọa chém. Hậu quả là ông Luật bị khởi tố, truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản (được tại ngoại).

Xử sơ thẩm lần đầu, TAND huyện Bù Gia Mập đã phạt ông Luật một năm tù, buộc giao đất và trả tiền hoa lợi cho ông Cự. Bản án này sau đó bị TAND tỉnh Bình Phước hủy vì có nhiều vi phạm như CQĐT điều tra vượt quá phạm vi khởi tố; đã kết thúc điều tra nhưng CQĐT vẫn tự ý tiến hành thêm hoạt động điều tra; định giá không phù hợp thực tế...

Tháng 5-2014, TAND huyện Bù Gia Mập xử sơ thẩm lần hai đã tuyên ông Luật không phạm tội vì đất của ông bị cơ quan THA âm thầm đem bán đấu giá mà không báo ông hay (không giao thông báo THA và thông báo bán đấu giá cho ông Luật dù đây là những văn bản quan trọng nhất trong quá trình THA). Do quá trình THA trái pháp luật nên việc chuyển giao chủ quyền đất cho người trúng đấu giá không được công nhận. Đất vẫn thuộc quyền sử dụng của ông Luật, ông bảo vệ đất của mình, thành quả lao động của mình. Tòa khẳng định đây là tranh chấp dân sự nhưng đã bị hình sự hóa.

Đòi hủy án để truy cứu tội khác

Sau đó, VKSND huyện Bù Gia Mập kháng nghị đề nghị TAND tỉnh Bình Phước xử ông Luật có tội.

Tại phiên phúc thẩm (lần hai) ngày 9-4 vừa qua, ông Luật tiếp tục khẳng định việc ông ngăn cản người khác vào đất mình là đúng vì “đất của tôi thì tôi có quyền ngăn cản người khác xâm nhập. Đến mùa thu hoạch, chỉ có tôi được thu hoạch. Người khác tự ý vào thu hoạch thì tôi không cho là điều đương nhiên”.

Sau phần xét hỏi, đại diện VKS tỉnh nhận định ông Luật không phạm tội cưỡng đoạt tài sản như VKSND huyện Bù Gia Mập đã truy tố. Tuy nhiên, vị này lại đề nghị tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại về tội không chấp hành án đối với ông Luật.

Tòa phúc thẩm tuyên bố nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào chiều 14-4. Phiên tòa kết thúc khi ánh nắng chiều vẫn chói chang. Người đàn ông khắc khổ, khuôn mặt sạm đen vì bụi đường và nắng gió ấy lại tiếp tục hành trình 80 km về lại Bù Gia Mập. Ông không mời luật sư, tự mình bảo vệ mình tại tòa. “Vụ án kéo dài cả chục năm làm hao tốn bao tâm sức, thời gian của tôi. Bỗng dưng tội vạ từ đâu rơi xuống đầu tôi. Tôi bị oan, dù còn chút hơi sức tôi cũng phải kêu oan cho mình” - ông Luật nói.

Ông Luật không phạm tội không chấp hành án

Theo Điều 304 BLHS (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì tội không chấp hành án là hành vi cố ý không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết.

Thực tiễn cho thấy số lượng vụ án không được chấp hành rất nhiều nhưng số người bị xét xử về tội này thì rất ít. Chủ thể của tội phạm này là những người có nghĩa vụ trong việc chấp hành bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật. Người phạm tội thực hiện hành vi thuộc dạng “không hành động”, tức không thi hành quyết định của bản án và các quyết định khác của tòa mà họ có nghĩa vụ phải thi hành. Hành vi không chấp hành bản án đó còn phải kèm theo điều kiện là người đó đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết theo đúng quy định của pháp luật mà vẫn không chấp hành bản án, quyết định của tòa án.

Đối chiếu với trường hợp của ông Luật, bản án đang có hiệu lực pháp luật là bản án dân sự tranh chấp tài sản sau ly hôn. Theo bản án, ông Luật được giao đất và phải trả tiền cho vợ cũ. Vì ông không có tiền trả nên cơ quan THA dân sự đã bán đấu giá một thửa đất (trong ba thửa ông được tòa giao) để THA.

Để truy cứu ông Luật về tội không chấp hành án thì CQĐT và VKS phải chứng minh được việc kê biên bán đấu giá mảnh đất là đúng trình tự, thủ tục luật định và cơ quan THA đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định pháp luật nhưng ông Luật vẫn cố ý không thực hiện bản án. Tuy nhiên, như HĐXX sơ thẩm đã kết luận, hồ sơ thể hiện là quá trình bán đấu giá thửa đất này, ông Luật hoàn toàn không được biết. Vì thế về mặt chủ quan, ông Luật đương nhiên nhận thức rằng thửa đất trên vẫn thuộc quyền sử dụng của mình. Do đó, khi thấy người khác xâm phạm đất thì ông ngăn cản là hoàn toàn bình thường. Việc ngăn cản này không phải là hành vi cố ý không chấp hành án mà là hành vi bảo vệ tài sản hợp pháp của mình.

Theo tôi, trong vụ này CQĐT và VKSND huyện Bù Gia Mập đã chủ quan, nóng vội nên đã khởi tố, truy tố oan ông Luật. Đến khi phát hiện sai lầm, lẽ ra phải nhận trách nhiệm thì lại tìm cách né tránh, đẩy cái sai về phía người dân. Không nên hợp thức hóa cái sai này bằng một cái sai khác. Cũng không nên buộc không được tội này thì cố buộc tội khác, nghiêm trọng hơn là né cái sai của mình bằng việc kết tội oan một con người.

Luật sư ĐẶNG THÀNH TRÍ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm