Không phải tranh chấp nào tòa cũng thụ lý

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào, BLTTDS 2015 bổ sung nguyên tắc quan trọng: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Chỉ thụ lý tranh chấp, yêu cầu trong lĩnh vực dân sự

Tuy nhiên, theo ông Hào, để tránh việc giải quyết tràn lan thì không phải mọi khởi kiện, mọi yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân tòa đều thụ lý. Thay vào đó, tòa chỉ phải thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng chưa có điều luật áp dụng tại thời điểm vụ việc đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu tòa giải quyết.

“Nói cách khác, tòa chỉ giải quyết các tranh chấp, yêu cầu đối với quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Còn các tranh chấp, yêu cầu không phải là dân sự thì tòa sẽ không thụ lý, giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự” - ông Hào nói thêm.

Đối với các tranh chấp dân sự yêu cầu tòa thụ lý giải quyết mà chưa có điều luật quy định thì tòa căn cứ vào các nguyên tắc sau:

Nếu các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

Nếu các bên không có thỏa thuận, pháp luật không quy định và không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự pháp luật. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng.

“Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó” - ông Hào giải thích. Ông cũng cho biết: Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao từng vận dụng lẽ công bằng khi giải quyết tranh chấp liên quan đến việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài bỏ tiền mua nhà đất, sau đó nhờ người ở trong nước đứng tên. Quyết định giám đốc thẩm số 27 ngày 8-7-2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ án “tranh chấp đòi lại tài sản” tại tỉnh Sóc Trăng (vừa được lựa chọn là một trong sáu án lệ đầu tiên) cũng áp dụng lẽ công bằng để giải quyết án.

Hội nghị tập huấn trực tuyến về năm bộ luật, luật mới của TAND Tối cao. Ảnh: Đ.MINH

Án hành chính: Chỉ được ủy quyền cho cấp phó

Chủ trì phần tập huấn liên quan đến Luật Tố tụng hành chính 2015, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết thời gian qua, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước khi bị kiện thường ủy quyền cho cán bộ, công chức (thường là người không có thẩm quyền) tham gia tố tụng, thậm chí có trường hợp ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng. Thực tế này khiến việc đối thoại giữa các đương sự, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa gặp khó khăn, không hiệu quả, việc giải quyết án bị kéo dài...

Để khắc phục, Luật Tố tụng hành chính 2015 bổ sung quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này”. Ông Bùi Ngọc Hòa đánh giá đây là quy định tiến bộ của Luật Tố tụng hành chính 2015, giúp khắc phục tình trạng phiên tòa phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần vì người được ủy quyền không có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên, Chánh án TAND TP Hải Phòng Nguyễn Thị Mai và đại diện một số tòa khác đặt vấn đề: Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó. Tuy nhiên, trước đây TAND Tối cao lại có văn bản hướng dẫn với những lĩnh vực mà chủ tịch tỉnh hoặc chủ tịch huyện đã phân công cho cấp phó phụ trách thì cấp phó có quyền ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. “Vậy với những lĩnh vực cấp phó được cấp trưởng ủy quyền thì cấp phó ủy quyền cho ai tham gia tố tụng?” - bà Mai hỏi. Bà Mai cũng phản ánh thời gian qua, tòa án Hải Phòng nhận được đơn khởi kiện hành vi không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Vậy đây có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không?

Ông Bùi Ngọc Hòa cho biết những vấn đề các tòa đặt ra sẽ được lãnh đạo TAND Tối cao giải đáp vào chiều 14-5.

Thời hiệu khởi kiện khi dân không được giải quyết khiếu nại

Theo Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao Bùi Ngọc Hòa, hiện nay có tình trạng người dân khiếu nại nhưng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết, không thông báo cho người khiếu nại, dẫn đến trường hợp khi họ khởi kiện ra tòa thì đã hết thời hiệu khởi kiện (thời hiệu khởi kiện là một năm tính từ ngày họ nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính).

Để khắc phục, Luật Tố tụng hành chính 2015 bổ sung là trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện là một năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Luật cũng quy định thời hạn khởi kiện là một năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại...

Cạnh đó, Luật Tố tụng hành chính 2015 bổ sung một chương (Chương XVIII) quy định về thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài để phù hợp với hội nhập quốc tế, tạo cơ chế pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài; quyền, lợi ích hợp pháp của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài... tại Việt Nam.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm