Không phạm tội, sao lại miễn trách nhiệm hình sự

Chiều 23-12, ông Lê Văn Thương cho biết đã gửi đơn khiếu nại quyết định đình chỉ điều tra của Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) đối với ông về tội vận chuyển hàng cấm.

“Không sòng phẳng với tôi”

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, ngày 9-5-2014, ông Thương bị bắt khi đang vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng chỉ đáng xử phạt hành chính. Do từng bị UBND TP.HCM xử phạt hành chính về hành vi này nên ông bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố về tội vận chuyển hàng cấm (khoản 1 Điều 155 BLHS). Khi VKS huyện chuyển hồ sơ truy tố sang tòa, ông Thương khởi kiện yêu cầu TAND TP hủy quyết định xử phạt hành chính trước đó của UBND TP.

Ngày 25-8, UBND TP đã hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính đối với ông, đồng nghĩa với hành vi của ông Thương không cấu thành tội phạm do không còn yếu tố “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”. Sau đó, Công an huyện Bình Chánh đã miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) cho ông theo khoản 1 Điều 25 BLHS với lý do “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Ông Thương không đồng ý với việc miễn TNHS theo khoản 1 Điều 25 BLHS của Công an huyện Bình Chánh và yêu cầu phải đình chỉ điều tra vì ông không phạm tội. “Tôi từng vận chuyển hàng cấm, đó là việc làm không đúng. Tuy nhiên, theo pháp luật thì tôi vẫn chưa có tội. Công an lại đình chỉ theo kiểu tôi vẫn có tội là không sòng phẳng với tôi” - ông Thương nói.

Ông Thương, người đang khiếu nại quyết định đình chỉ điều tra, với công việc hiện tại là làm tài xế giao hàng. Ảnh: PL

Bản chất vụ án là không phạm tội

Trao đổi, nhiều chuyên gia đều đồng tình rằng trường hợp của ông Thương phải được đình chỉ điều tra vì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm chứ không phải thuộc diện có tội nhưng được miễn TNHS.

Theo nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Phạm Công Hùng, người ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Thương đã nhận thấy quyết định không đúng pháp luật nên đã hủy bỏ. Như vậy, ông Thương được xem như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. “Nếu hành xử đúng pháp luật thì Công an huyện Bình Chánh phải đình chỉ điều tra vì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm” - ông Hùng khẳng định.

Cũng theo ông Hùng, trong vụ này Công an và VKS huyện Bình Chánh không có lỗi bởi thời điểm họ xử lý hình sự ông Thương thì quyết định xử phạt hành chính vẫn đang có hiệu lực. Tuy nhiên, khi quyết định xử phạt hành chính không còn thì cơ quan tố tụng phải sòng phẳng với ông Thương là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. “Không cán bộ tố tụng cụ thể nào có lỗi cả. Tuy nhiên, về phía Nhà nước, căn cứ vào các quy định của Hiến pháp và pháp luật thì cơ quan tố tụng đã khởi tố, bắt tạm giam, truy tố oan đối với ông Thương. Bản chất của vụ án là ông Thương không phạm tội vì chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nên chúng ta cần phải thượng tôn pháp luật” - ông Hùng nói.

Nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long thì cho rằng các cơ quan tố tụng cũng phải có trách nhiệm xem xét quyết định xử phạt hành chính có hợp pháp hay không chứ không thể máy móc cứ thấy xử lý hành chính rồi là chuyển ngay sang xử lý hình sự. “Việc xem xét rất đơn giản. Đã làm công tác tố tụng thì anh có trách nhiệm nắm rõ, phải đủ trình độ để xem xét tính hợp pháp, đúng sai… Nếu quyết định đúng về thẩm quyền, thời hiệu, thời hạn, trình tự thủ tục… thì mới xử lý, nếu thấy không ổn thì phải thận trọng” - ông Long nói.

Theo ông Long, Công an huyện Bình Chánh không thể đình chỉ điều tra với lý do “chuyển biến của tình hình” bởi không có tình hình gì chuyển biến ở đây cả. Việc người có thẩm quyền hủy quyết định xử phạt hành chính đối với ông Thương không phải do chuyển biến của tình hình mà do quyết định đó không hợp pháp. “Khi quyết định xử phạt không còn thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Thương là oan. Dù cơ quan khác làm sai, cơ quan tố tụng không có lỗi nhưng về mặt quản lý nhà nước nói chung và theo nguyên tắc pháp quyền thì cơ quan tố tụng vẫn phải đình chỉ theo hướng nhận sai” - ông Long nhấn mạnh.

“Cần dũng cảm nhìn nhận”

Trước đây, Ủy ban Tư pháp Quốc hội từng yêu cầu rà soát các vụ án tương tự vụ Xin Chào và Chòi vịt, tức có tình tiết định tội “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm” nhằm đảm bảo giải quyết các vụ án đúng quy định pháp luật, tránh làm oan, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Viện trưởng VKSND TP.HCM cũng đã chỉ đạo VKSND huyện Bình Chánh kiểm tra kỹ hồ sơ, chờ kết quả giải quyết vụ án hành chính của TAND TP.HCM đối với quyết định xử phạt hành chính, trên cơ sở đó giải quyết vụ án này đúng quy định pháp luật và không được làm oan.

Tôi rất hoan nghênh các ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Theo tôi, các cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh cần dũng cảm nhìn nhận chứ không thể né tránh trách nhiệm làm oan đối với ông Thương.

Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm