Không thể dọn vào nhà mới vì hàng xóm… cản trở

Ông Phạm Ngọc Minh Tuấn phản ánh: Tháng 6-2017, gia đình ông mua một căn hộ tập thể tại đường Phan Văn Đạt, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Quá trình tìm hiểu, ông có đến xem nhà và cầm giấy tờ đi hỏi rất kỹ về pháp lý. Căn hộ này có diện tích sàn 38 m2, thuộc tầng một của một tòa nhà tập thể.

Có nhà mới mà không được vào

Sau khi hoàn tất các thủ tục mua bán, sang tên, chủ nhà cũ đã bàn giao nhà cho ông Tuấn, hai bên ký nhận giấy bàn giao cũng tại căn hộ này. Vì căn hộ đã xuống cấp, nhiều nơi mục nát, ông Tuấn khóa cửa lại định sửa nhà xong thì chuyển đến. Tiếp đó, ông xin giấy phép sửa chữa và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Tuy nhiên, đến khi ông đưa thợ tới thì… không mở được ổ khóa. Cùng lúc đó bà Nguyễn Thị Tâm (cùng địa chỉ, là chủ sở hữu một căn hộ cùng tầng một của tòa nhà) ngăn cản. Bà Tâm cho rằng căn hộ này là của bà, bà đã chuyển đồ đạc của bà và để nhiều vàng trong đó. Bà kiên quyết không cho ông Tuấn vào nhà.

“Tôi đang khiếu nại đến trung ương”

Bà Tâm lý giải: Năm 1979, chồng bà đã ký hợp đồng thuê căn hộ với Công ty Quản lý nhà quận 1. Theo đó, chồng bà được thuê hai căn hộ tại tầng một của căn nhà 15-17 Phan Văn Đạt. Gia đình bà ở một phòng, phòng còn lại cho em trai của chồng bà là Nguyễn Long Thành ở nhờ.

Năm 2006, chồng bà làm thủ tục mua hai căn hộ này theo Nghị định 61 của Chính phủ thì phát hiện ông Thành đã được mua căn hộ nêu trên (cũng theo Nghị định 61) nên bà khiếu nại. Tháng 7-2009, UBND quận 1 ra Quyết định 111 thu hồi, hủy bỏ quyết định cho ông Thành mua nhà.

Đồ đạc của bà Tâm để ngổn ngang trong phòng. Ảnh: THANH VÂN

Ông Thành khởi kiện yêu cầu tòa án hủy Quyết định 111 và yêu cầu Công ty Quản lý nhà quận 1 có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để UBND quận 1 cấp giấy chứng nhận cho ông.

Tháng 2-2016, TAND quận 1 xử sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của ông Thành. Bà Tâm tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên có đơn kháng cáo.

Xử phúc thẩm tháng 4-2016, TAND TP.HCM giữ nguyên bản án sơ thẩm (sau khi có bản án phúc thẩm, ông Thành đã được cấp giấy hồng vào tháng 9-2016. Một tháng sau ông Thành chuyển nhượng căn hộ này cho một người tên Toàn. Đến tháng 7-2017, ông Toàn chuyển nhượng cho ông Tuấn - PV).

Cho rằng cả hai bản án không khách quan, bà Tâm có đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Tháng 7-2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM trả lời yêu cầu của bà Tâm không có căn cứ để kháng nghị.

Không đồng ý, bà Tâm tiếp tục gửi đơn khiếu nại đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao xem xét kháng nghị cả hai bản án. “Vụ việc có rất nhiều khuất tất, tôi đang khiếu nại đến trung ương nên nhất định không cho ai vào nhà. Vì đây là nhà của tôi!” - bà Tâm khẳng định.

Không biết níu áo ai

Ông Tuấn trình báo sự việc đến UBND phường Bến Nghé, UBND phường đề nghị các bên liên hệ với cơ quan thi hành án (THA) để được hướng dẫn. Ông Tuấn đến Chi cục THA dân sự quận 1 nộp đơn xin cứu xét. Tuy nhiên, nơi đây đã có văn bản trả lời rằng chi cục THA không có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng có đơn tố giác gửi Công an quận 1. Ngày 6-10, Công an quận 1 ra thông báo trả lời “nội dung vụ việc chỉ là tranh chấp giữa hai bên, không có dấu hiệu hình sự nên không thuộc thẩm quyền của cơ quan CSĐT”.

Trong thời gian này, ông Tuấn vẫn tìm cách vào căn hộ của mình nhưng phía bà Tâm vẫn quyết tâm cố thủ. Hai bên nhiều lần xảy ra cãi vã, thậm chí xô xát nên công an phường đã đến giải quyết.

Ông Trần Quốc Dũng (Trưởng Công an phường Bến Nghé) cho biết công an đang điều tra làm rõ vụ việc xem có dấu hiệu hình sự hay không.

Liên hệ UBND phường Bến Nghé, ông Võ Quốc Hưng (Phó Chủ tịch UBND phường) đề nghị PV gửi câu hỏi, ông sẽ trả lời sau.

“Nhà cũ đã bán, gom góp được bao nhiêu tiền đổ hết vào căn hộ mới này. Tranh chấp gì của bà Tâm với chủ nhà cũ tôi không biết, giờ căn hộ là tài sản hợp pháp của gia đình tôi. Bà Tâm ngang nhiên chiếm nhà tôi là rõ ràng vi phạm pháp luật mà tôi không biết đến cơ quan nào kêu cứu” - ông Tuấn đau khổ than thở.

Đã cấu thành tội xâm phạm chỗ ở công dân

Theo quy định tại khoản 2 Điều 355 BLTTHS năm 2015 thì bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án, theo đó tháng 4-2016, TAND TP.HCM đã xét xử phúc thẩm và quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, tức chấp nhận yêu cầu của ông Thành về hủy Quyết định 111 và yêu cầu Công ty Quản lý nhà quận 1 có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để UBND quận 1 cấp giấy chứng nhận cho ông. Như vậy theo bản án phúc thẩm thì ông Thành là chủ sở hữu hợp pháp của căn hộ này. Khi chưa bị hủy bỏ bởi thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì bản án phúc thẩm đương nhiên có hiệu lực.

Bên cạnh đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng đã bác yêu cầu của bà Tâm. Do vậy có thể kết luận ông Thành là chủ sở hữu hợp pháp của căn hộ này. Do đó ông Thành đã được cấp giấy hồng vào tháng 9-2016 đồng thời đã chuyển nhượng căn hộ này cho một người tên Toàn, đến tháng 7-2017 ông Toàn chuyển nhượng lại cho ông Tuấn. Nếu ông Tuấn đã hoàn tất các thủ tục mua bán, sang tên theo đúng quy định của pháp luật thì thời điểm này ông Tuấn chính là chủ sở hữu hợp pháp căn hộ này.

Nếu người khác chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ thì hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo Điều 124 BLHS năm 1999, cũng tương tự là tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 BLHS năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018). Do vậy ông Tuấn có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan điều tra có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự theo tội danh nêu trên.

ThS TỪ THANH THẢO,giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm