Kiến nghị khẩn trương xem xét ba vụ kêu oan

Trong phần kiến nghị tại dự thảo, đoàn giám sát đã đề nghị các cơ quan tư pháp trung ương khẩn trương xem xét và có biện pháp phù hợp theo quy định pháp luật để giải quyết dứt điểm ba vụ án trên.

Vụ Hồ Duy Hải: Đủ căn cứ kháng nghị

Vụ án mạng xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (Long An) một lần nữa lại làm nóng phiên họp của đoàn giám sát với những tranh luận về việc đã có đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hay chưa. Tuy nhiên, các ý kiến đều có điểm thống nhất chung rằng quá trình điều tra vụ án này có những sai phạm nghiêm trọng.

“Sai sót đó khiến chúng ta đã tự cầm gậy đập vào chân mình. Vì chúng ta gian dối đưa các chứng cứ giả vào mới khiến vụ án phức tạp như vậy” - ĐBQH Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nhận xét. ĐB Thường sau đó khẳng định theo “niềm tin nội tâm” của ông, Hồ Duy Hải chính là thủ phạm, “nó chính là nó chứ không phải ai khác”. Tuy nhiên, việc này liên quan đến tính mạng con người nên ông Thường đề nghị cần rà soát, nghiên cứu lại tất cả và có một buổi họp riêng về vụ án này.

Trong khi đó, “niềm tin nội tâm” của ĐBQH Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) lại là “chưa có căn cứ vững chắc khẳng định Hồ Duy Hải phạm tội”.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, chứng cứ kết tội trong vụ Hồ Duy Hải còn non. Trong ảnh: Hồ Duy Hải bị tuyên tử hình trong phiên xử sơ thẩm của TAND tỉnh Long An năm 2008. Ảnh: INFONET

“Niềm tin là cái củng cố việc đánh giá, còn kết án phải căn cứ vào chứng cứ” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói. Dẫn lại Điều 273 BLTTHS, bà Nga cho rằng vụ án này có đầy đủ cả bốn căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm, trong khi chỉ cần một trong số này là đã có thể kháng nghị rồi.

Cụ thể, thứ nhất, vụ án này có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra (vi phạm về khám nghiệm hiện trường, thu thập, đánh giá chứng cứ, điều tra không đầy đủ, thiếu sót trong việc trưng cầu giám định). Thứ hai, việc xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ, không làm rõ được những mâu thuẫn trong vụ án. Thứ ba, kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án (những chứng cứ ngoại phạm về thời gian của Hải chưa được xem xét, đánh giá kỹ…), cơ quan tố tụng chỉ lựa chọn sử dụng những chứng cứ có lợi cho việc buộc tội mà không sử dụng, không phân tích trung thực, khách quan những chứng cứ có lợi cho việc gỡ tội. Cuối cùng là có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS.

Cần nhắc lại rằng trước đó đúng một tuần, trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chánh án TAND Tối cao đã khẳng định: “Chưa phát hiện ra căn cứ để kháng nghị nhưng khi có kết quả giám sát của Quốc hội, liên ngành sẽ xem xét hết sức thận trọng”.

Vụ Nguyễn Văn Chưởng: Không oan nhưng…

Một vụ án khác được nhắc đến nhiều trong phiên giám sát là vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị kết án tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản. Vụ án này, viện trưởng VKSND Tối cao cũng từng kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị xem xét lại vai trò của Chưởng trong tội giết người nhưng sau đó Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã bác kháng nghị này.

Tại cuộc họp, các ý kiến phát biểu của thành viên đoàn giám sát đều thống nhất là Chưởng không oan. Chưởng lãnh án tử hình do tội giết người, không phải do tội cướp tài sản. Chưởng là người khởi xướng rủ đi “bay” (án giải thích là đi cướp). Tuy nhiên, trong tội giết người, vai trò của Chưởng thế nào cần được đánh giá lại. Chưởng có bàn bạc và có hành vi giết người bị hại hay không chưa rõ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu phân tích thêm: Chưởng là người điều khiển xe máy kẹp ba, dừng xe xuống thì không thể có việc nhảy xuống chém nhát đầu tiên như lời khai của các bị cáo khác. “Cơ quan điều tra điều tra sơ sài, chưa xem xét hết lời khai của các nhân chứng” - ông Ngưu nhận xét.

Ông Ngưu cũng băn khoăn: Cái khó của vụ án này là đã có bản án giám đốc thẩm, trong khi trong tố tụng hình sự không có thủ tục đặc biệt để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. “Các cơ quan phải bàn bạc cụ thể, liệu có thể thông báo cho phạm nhân là xử đúng rồi, không có căn cứ kêu oan, xem Chưởng có làm đơn xin ân giảm án tử hình không” - ông Ngưu đề xuất.

Vụ Vi Văn Phượng: Động cơ gây án thiếu thuyết phục

Theo lời Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương, trong vụ Vi Văn Phượng (Bắc Giang) bị kết án tử hình về tội giết người (giết mẹ đẻ đã già và mù lòa) có rất nhiều đơn kêu oan.

Với những tài liệu hồ sơ vụ án được tiếp cận, đoàn giám sát cho rằng cơ quan điều tra cũng đã có những thiếu sót, vi phạm trong thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án. Cụ thể, hiện trường vụ án còn nguyên vẹn chưa hề bị thay đổi, xáo trộn, các vật chứng, hung khí đều được thu giữ ngay nhưng cơ quan điều tra lại không xem xét các “dấu vết con người” của Phượng như dấu tay trên con dao quắm dính đầy máu. Cạnh đó, dấu máu trên chiếc áo phông cộc tay màu trắng được kết luận giám định là máu của bà Vui (mẹ của Phượng) nhưng Phượng lại khai đó là máu gà do cắt tiết ngày hôm trước bắn vào, chi tiết này chưa được làm rõ.

Đặc biệt, động cơ gây án của Phượng cũng chưa được chứng minh thuyết phục: Trong khi kết luận điều tra cho rằng Phượng mâu thuẫn với mẹ về việc vay 1,5 chỉ vàng thì các tài liệu trong hồ sơ vụ án cho thấy anh em, hàng xóm, chính quyền địa phương đều xác nhận Phượng là người con chăm sóc mẹ chu đáo. “Vì sao Phượng lại đang tâm giết mẹ bằng dao quắm, chém nhiều nhát (7-8 nhát) đến nát cả cơ thể như vậy?” - ông Đương băn khoăn.

Một số vụ án đáng chú ý khác

Tại phiên họp của đoàn giám sát, nhắc đến vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội giết người và cướp tài sản, Trung tướng Trần Trọng Lượng (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an) chỉ nói ngắn gọn: “Tôi nghi là oan”. Tuy nhiên, với những phân tích mà Pháp Luật TP.HCM từng đề cập, dấu hiệu oan của vụ án này khá rõ ràng.

Trong một vụ án khác, vụ Hoàng Thị Vấn (Cao Bằng) bị xét xử về tội giết người (nạn nhân là mẹ chồng Vấn), đoàn giám sát nhận xét vụ án này cũng có vi phạm trong quá trình điều tra.

Theo hồ sơ, khi bà Tiền (mẹ chồng Vấn) bảo Vấn đẻ thêm con trai, Vấn tỏ thái độ và trả lời không đẻ được, “bà giỏi thì đẻ”. Bà Tiền nghe vậy tát vào miệng Vấn. Do bực tức, Vấn liền lấy búa đập nhiều nhát vào đầu và trán bà Tiền khiến bà tử vong…

Theo đoàn giám sát, khi khám nghiệm hiện trường cơ quan điều tra có thu giữ dấu giày nhưng lại không giám định và sửa chữ “còn mới” thành “không mới”, thiếu chữ ký của người chứng kiến khám nghiệm; không xác định được vết hằn ở cổ nạn nhân có trước hay sau khi chết, chưa làm rõ vết máu tại hiện trường.

Hiện vụ án đang chờ xét xử phúc thẩm nhưng bị can Vấn đang có đơn kêu oan và đặc biệt, cả gia đình bên nhà chồng cũng kêu oan cho Vấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm