Kiện quyết định xử phạt vì bất tuân lệnh tòa, được không?

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa nhận được kháng cáo của ông Huỳnh Văn Hiệu (sinh năm 1955) về quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính mà ông là người khởi kiện.

Đình chỉ vì không thuộc thẩm quyền

Trước đó, ông Hiệu khởi kiện tại TAND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cục trưởng cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bạc Liêu đối với ông do không thực hiện quyết định của tòa án.

Hình minh họa

Cụ thể, ngày 5-3, cục trưởng Cục THADS tỉnh Bạc Liêu quyết định xử phạt ông Hiệu 10 triệu đồng do không thực hiện quyết định khẩn cấp tạm thời ngày 22-2 của TAND huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

Tuy nhiên, giữa tháng 6, TAND tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định đình chỉ vụ án của ông Hiệu. Tòa dẫn điểm b khoản 1 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính  (LTTHC) 2015 cho rằng khiếu kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Đây là quyết định của tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nên yêu cầu khởi kiện của ông không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. 

TAND tỉnh Bạc Liêu đình chỉ giải quyết theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 143 LTTHC. Hậu quả của việc đình chỉ này là người kiện không có quyền khởi kiện lại theo quy định tại khoản 1 Điều 144 LTTHC. 

Ông Hiệu kháng cáo yêu cầu hủy quyết định đình chỉ của cấp sơ thẩm và miễn nộp tiền án phí. Ông cho rằng quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính. Vì vậy, yêu cầu của ông thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo khoản 3 Điều 32 LTTHC.

Cụ thể là thẩm quyền của tòa cấp tỉnh giải quyết khiếu kiện quyết định, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.

Thuộc đối tượng khởi kiện hành chính

Một thẩm phán Tòa Hành chính TAND TP.HCM nêu quan điểm quyết định xử phạt vi phạm hành chính do không chấp hành quyết định khẩn cấp tạm thời của tòa của cục trưởng Cục THADS thuộc đối tượng khởi kiện hành chính. Nghị định 71/2016 của Chính phủ quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục THA hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa. Theo nghị định này thì không có quy định xử phạt hành chính.

Còn Nghị định số 82/2000 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; THADS; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì có quy định. Cụ thể, điểm e khoản 5 Điều 64 quy định hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực THADS đó là không thực hiện quyết định THA về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay của tòa án.

Theo vị thẩm phán này, đối với việc ra quyết định xử phạt, cục trưởng cục THA phải căn cứ vào văn bản nào và vì sao ra mức tiền phạt như trên. Vì vậy, thẩm phán này cho rằng tòa phải thụ lý và giải quyết vụ án. Còn việc xử phạt đúng sai sẽ được xem xét trong quá trình giải quyết xét xử.

Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, chuyên gia giảng dạy môn luật hành chính nhiều năm nay, cũng đồng quan điểm trên. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên thuộc thẩm quyền của tòa án. LTTHC quy định các khiếu kiện quyết định, hành vi hành chính không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa là quyết định, hành vi đó thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao hay mang tính chất nội bộ cơ quan.

Việc chấp hành viên, cục trưởng cục THA ra quyết định xử phạt đều không thuộc hai trường hợp loại trừ trên. Đồng thời, đó cũng không phải là hoạt động tố tụng của tòaán. Việc xử phạt này dựa trên các vi phạm hành chính không liên quan đến việc tiến hành tố tụng.

 

Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án

Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án gồm:

Một là khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau: Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; quyết định, hành vi của tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Hai là khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.

Ba là khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Bốn là khiếu kiện danh sách cử tri.

(Điều 30 LTTHC 2015)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm