Lại một vụ đùn đẩy bồi thường oan

“Ngày đó tôi từng là chủ trang trại làm ăn khấm khá, sau ba năm từ khi dính vào vòng tố tụng, giờ tôi mất hết. Tài sản thì vẫn do người khác quản lý vì đang trong giai đoạn tranh chấp, chưa biết hồi nào xong, uy tín danh dự thì chưa được phục hồi vì cơ quan tố tụng đùn đẩy nhau” - bà Hà Ngọc Bích, ngụ đường Tôn Đản,
quận 4 (TP.HCM), nói về vụ án oan của mình.

Bị khởi tố vì… sửa nhà mình

Bà Bích kể tháng 5-2011 bà ký hợp đồng chuyển nhượng cho bà Trương Thị Chí Tâm toàn bộ diện tích đất trang trại (gồm ba thửa) và tài sản trên đất ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú (Đồng Nai) với giá 1,3 tỉ đồng. Bà Tâm đặt cọc cho bà Bích 650 triệu đồng. Tuy nhiên, trong khi thủ tục sang tên chưa hoàn tất bà Bích yêu cầu tạm ngưng vì cho rằng bà Tâm vi phạm thời hạn thanh toán số tiền còn lại. Hai bên xảy ra tranh chấp, bà Bích đã làm đơn ra UBND xã Tà Lài, nơi này đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Tháng 3-2012, thấy căn nhà xuống cấp, bà Bích làm đơn gửi UBND xã xin phép sửa chữa nhà và được chấp thuận.

Thế nhưng khi bà Bích thuê người vào dỡ bỏ căn nhà cấp 4 và tháo hàng rào thì bị Công an huyện Tân Phú khởi tố, điều tra bà về tội hủy hoại tài sản với thiệt hại được xác định gần 215 triệu đồng.

Đầu năm 2013, VKSND huyện ra cáo trạng với nhận định: Dù hai bên đã tạm ngưng làm thủ tục sang tên nhưng hợp đồng chuyển nhượng vẫn còn hiệu lực, các tài sản trên đất đã do bà Tâm quản lý. VKS truy tố bà Bích tội hủy hoại tài sản theo khoản 3 Điều 143 BLHS (khung hình phạt từ bảy đến 15 năm tù) là có căn cứ. Bà Bích liên tục khiếu nại, kêu oan.

Bà Bích chính thức yêu cầu VKSND huyện Tân Phú bồi thường oan. Ảnh: T.TÙNG

Không cho biết căn cứ đình chỉ

Tại phiên xử sơ thẩm ngày 17-5-2013, VKSND huyện cho biết bị cáo cung cấp chứng cứ mới là hóa đơn giá trị xây dựng căn nhà nên đề nghị tòa tạm hoãn để giám định lại thiệt hại. Trong thời gian tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Pháp Luật TP.HCM có nhiều bài phản ánh phân tích việc khởi tố, truy tố bà Bích là sai luật, bà Bích bị oan rõ ràng.

Sau đó VKS ra cáo trạng mới truy tố bà Bích ở khung hình phạt thấp hơn vì cho rằng giá trị thiệt hại dưới 200 triệu đồng. Bà Bích tiếp tục kêu oan. Cuối năm 2013, bất ngờ TAND huyện nhận được quyết định rút quyết định truy tố của VKS, đề nghị tòa đình chỉ bị can đối với bà Bích. Ngày 10-12-2013, tòa ban hành quyết định đình chỉ vụ án và gửi cho bà Bích nhưng không ghi cụ thể căn cứ đình chỉ mà chỉ nói chung là theo đề nghị của VKS.

Bà Bích nói: “Điều khó hiểu là cả tòa và viện đều không tống đạt cho tôi quyết định rút truy tố nên không biết được họ đình chỉ bị can vì lý do gì. Tôi chỉ nghe tòa nói bằng miệng là đình chỉ do hành vi của tôi không cấu thành tội phạm, có nghĩa tôi bị truy tố oan”.

Vì lý do này mà bà Bích không thể yêu cầu VKS bồi thường oan vì không có văn bản xác định bà bị oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Vẫn tiếp tục mang thân phận bị can, bà Bích bắt đầu hành trình kêu oan.

“Thấy bị oan thì cứ khởi kiện”

Bà Bích làm đơn khiếu nại yêu cầu được nhận quyết định rút truy tố nhưng VKS nói đó là trách nhiệm của tòa vì luật không buộc VKS phải gửi cho bà. Bà Bích khiếu nại đến tòa thì tòa lại bảo cơ quan nào ra quyết định thì gửi, tòa chỉ gửi quyết định đình chỉ vụ án là xong. Đến đây thì bà Bích hết đường.

Ngày 18-3 vừa qua, PV đã liên hệ với TAND huyện Tân Phú nhưng không gặp được lãnh đạo vì lý do đi họp. Liên hệ với viện trưởng VKSND huyện thì được biết ông mới nhận nhiệm vụ nên ông đã giới thiệu gặp cấp phó, người ký quyết định rút truy tố. Ông Lê Trung Thông, Phó Viện trưởng VKSND huyện, cho biết VKS vẫn giữ quan điểm là không có nghĩa vụ phải gửi văn bản trên cho bà Bích. Còn lý do rút truy tố thì đã ghi rõ trong quyết định rút, PV cứ liên hệ với TAND huyện để biết. Trả lời về trách nhiệm của VKS, ông Thông cho rằng nếu thấy bị oan thì bà Bích cứ khởi kiện yêu cầu bồi thường, còn việc cơ quan nào phải bồi thường là do tòa quyết định.

Sau đó khi tham dự phiên hòa giải phần tranh chấp dân sự liên quan đến vụ án thì bà Bích bất ngờ được phía tòa huyện cung cấp cho một bản phôtô quyết định rút quyết định truy tố mà hơn hai năm qua bà khiếu nại khắp nơi để có nó. Quyết định này nêu rõ xét thấy “chưa đủ căn cứ để kết luận Hà Ngọc Bích có hành vi hủy hoại tài sản người khác…”.

Ngày 23-3, bà Bích đã làm đơn yêu cầu VKSND huyện bồi thường 300 triệu đồng và xin lỗi công khai do truy tố oan bà trong thời gian hơn một năm. “Hơn ba năm qua là khoảng thời gian tôi và gia đình phải sống trong tủi nhục, bị mang tiếng là kẻ phạm tội. Hơn một năm phải mang thân phận bị can một cách oan ức, chịu biết bao tổn thất cả về tinh thần lẫn vật chất. Vì vậy tôi quyết đòi lại công bằng” - bà Bích nói.

VKSND huyện là người phải bồi thường oan

Khoản 3 Điều 31 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rõ VKS có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây: “Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội”. Thực tế, trong quyết định rút truy tố, VKS huyện cũng đã khẳng định hành vi của bà Bích không cấu thành tội phạm. Đây được coi là văn bản tự thừa nhận việc làm oan của VKS, dùng làm cơ sở cho bà Bích yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm
TAND Tối cao tại TP.HCM

Đã kiện dân sự đòi tài sản

Sau khi được đình chỉ điều tra, tháng 3-2014 bà Bích đã khởi kiện dân sự yêu cầu tòa hủy hợp đồng mua bán giữa hai bên vì bà Tâm vi phạm điều kiện thanh toán như cam kết. Cạnh đó, bà Bích cũng yêu cầu bà Tâm phải trả lại trang trại và toàn bộ tài sản trên đất vì thực tế đến nay bà Tâm quản lý và thu huê lợi trên đất. TAND huyện Tân Phú đã thụ lý vụ kiện này nhưng một năm qua vẫn chưa đưa ra xét xử vì lý do phải thẩm định giá tài sản...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm