Lại thêm một vụ án oan ở Bình Chánh

Ngày 25-8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến căn cứ vào đề nghị của giám đốc Sở Tư pháp và chánh văn phòng UBND TP.HCM đã ký quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu đối với ông Lê Văn Thương (ấp Bình Tả 2, xã Đức Hòa Hạ, Đức Hòa, Long An).

Quyết định xử phạt hành chính này chính là điều kiện khiến ông Thương trở thành bị cáo trong vụ án hình sự mà TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM đang tạm đình chỉ. Nay quyết định bị hủy, nếu ban hành quyết định mới thì có còn thời hiệu? Nếu đã hết thời hiệu thì vụ án hình sự tính sao?

Bị truy tố mới kiện quyết định xử phạt

7 giờ ngày 9-5-2014, ông Thương chạy xe máy chở theo 1.400 bao thuốc lá hiệu Jet thì bị Công an huyện Bình Chánh phát hiện. Qua kiểm tra, công an phát hiện ông Thương từng bị UBND TP.HCM xử phạt 85 triệu đồng về hành vi này.

Tại cơ quan điều tra, ông Thương thừa nhận chở thuê lấy tiền công là 1 triệu đồng. Qua giám định, số thuốc lá ông Thương chở thuê là hàng nhập lậu, hàng cấm kinh doanh theo Nghị định 76/2010.

Ngày 12-5-2014, ông Thương bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố về tội vận chuyển hàng cấm theo khoản 1 Điều 155 BLHS (phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm).

Ông Thương bị bắt từ ngày 14-5-2014, sáu tháng sau thì được tại ngoại. Ngày 22-7-2014, VKSND huyện Bình Chánh đã ban hành cáo trạng truy tố ông Thương về tội danh này...

Do ông Thương khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP.HCM nên TAND huyện Bình Chánh đã tạm đình chỉ vụ án hình sự để chờ kết quả giải quyết vụ kiện.

TAND TP.HCM thụ lý vụ án hành chính từ ngày 18-11-2014. Tuy nhiên, suốt quá trình tố tụng, phía người bị kiện không làm bản tự khai trình bày ý kiến, không đối thoại giữa các bên.

Hủy quyết định xử phạt vì sai luật

Luật sư Nguyễn Sơn Lâm, người đại diện theo ủy quyền của ông Thương, đã có văn bản gửi TAND TP.HCM để chỉ ra những bất hợp pháp của quyết định xử phạt này. Cụ thể theo luật sư Lâm, quyết định hành chính được ban hành không đúng quy định pháp luật. Theo biên bản vi phạm hành chính do Công an phường Tân Tạo A, quận Bình Tân lập ngày 21-1-2014 thì ông Thương có hành vi “kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu với số lượng 1.454 bao”. Nhưng quyết định xử phạt ông Thương lại ghi hành vi “vận chuyển, kinh doanh hàng cấm thuốc lá điếu ngoại nhập lậu” là không đúng.

Đồng thời, theo quyết định xử phạt thì căn cứ để ban hành quyết định này là xét biên bản vi phạm hành chính do Công an quận Bình Tân lập. Trong khi thực tế ông Thương bị Công an phường Tân Tạo A, quận Bình Tân lập biên bản. Do đó căn cứ để UBND TP.HCM ban hành quyết định xử phạt không chính xác.

Về mặt hình thức, quyết định xử phạt hành chính được ban hành khi đã hết thời hạn. Cụ thể, Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tối đa là 60 ngày từ ngày lập biên bản. Ngày 21-1-2014, ông Thương bị Công an phường Tân Tạo A, quận Bình Tân lập biên bản vi phạm nhưng mãi đến ngày 26-3-2014 chủ tịch UBND TP.HCM mới ban hành quyết định xử phạt, tức quá năm ngày.

TAND TP.HCM từng dự kiến đưa vụ án hành chính ra xét xử vào ngày 30-10-2015 nhưng vì đại diện phía người bị kiện không đến nên tòa phải hoãn. Đến nay thì phó chủ tịch UBND TP đã hủy quyết định xử phạt như đã nói.

Nhiều Khả năng ông Thương sẽ được đình chỉ

Vấn đề đặt ra là liệu chủ tịch UBND TP có ra quyết định xử phạt khác hay không? TS Cao Vũ Minh, giảng viên khoa Luật hành chính - ĐH Luật TP.HCM, cho rằng trường hợp này không còn thời hiệu để ra quyết định xử phạt nữa.

Theo TS Minh, đối với hành vi thứ nhất, theo Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tối đa là 60 ngày kể từ ngày lập biên bản về hành vi vi phạm. Trong khi đó, ngày 21-1-2014 ông Thương bị lập biên bản về hành vi nhưng đến ngày 26-3-2014, UBND TP.HCM mới ra quyết định xử phạt là 65 ngày, tức là quá thời hạn. Trong trường hợp quá thời hạn thì người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt. 

Hiện UBND TP.HCM đã hủy quyết định xử phạt, giả sử để ban hành quyết định mới thì cũng không còn thời hiệu. Bởi thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vận chuyển hàng cấm theo khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính là một năm kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm hoặc chấm dứt hành vi vi phạm.

Từ những điều trên, có lẽ sắp tới TAND TP sẽ phải đình chỉ giải quyết vụ kiện hành chính. Và do quyết định xử phạt hành chính ông Thương không còn nên hành vi của ông không đủ yếu tố cấu thành tội vận chuyển hàng cấm. Vì vậy, việc cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh đình chỉ điều tra bị can và đình chỉ vụ án là điều chắc chắn xảy ra.

Nhận định về khả năng này, luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: “Hành vi vận chuyển hàng cấm của ông Thương là không đúng. Tuy nhiên, trong một nhà nước pháp quyền, tất cả phải thượng tôn pháp luật. Nhà nước ban hành quyết định bất hợp pháp thì đương nhiên quyết định không có giá trị thi hành. Do vậy, ông Thương không những không phải nộp phạt mà còn phải được xin lỗi, bồi thường oan”.

Vi phạm lần 2 cũng không phạt được!

Ngày 9-5-2014, công an lập biên bản về hành vi vận chuyển 1.400 bao thuốc lá hiệu Jet. Ngày 12-5-2014, ông Thương bị khởi tố về tội vận chuyển hàng cấm theo khoản 1 Điều 155 BLHS. Theo Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 6 luật này (tức thời hiệu xử phạt một năm tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm hoặc chấm dứt hành vi vi phạm). Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Nếu UBND TP.HCM muốn ban hành quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm lần hai của ông Thương thì cũng phải trong thời hiệu một năm kể từ ngày 9-5-2014 (ngày lập biên bản). Nếu quá thời hiệu kể trên thì không thể ra quyết định xử phạt.

TS CAO VŨ MINH, giảng viên khoa Luật hành chính
- ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm