‘Lãnh đạo có bồ nhí’ và cách ứng xử với tin xấu​

“Dậy sóng” là đúng rồi vì lãnh đạo cỡ đó mà nếu dính chuyện trai gái, vi phạm đạo đức, lối sống thì làm sao chấp nhận được. Chưa kể cách đây hai năm nơi đây từng rần rần tin đồn một lãnh đạo tỉnh dan díu với một nữ trưởng phòng và rồi từ tin đồn đó hàng loạt sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ đã phát lộ. Và tạm yên cũng phải thôi vì hai nhân vật chính trong câu chuyện đã lần lượt lên tiếng phản bác, một số cơ quan chức năng của tỉnh đã bỏ công xác minh, khẳng định đó hoàn toàn là tin thất thiệt.

Qua vụ này có điều cần bàn về cách ứng xử trước những tin xấu (tin bịa đặt, bôi nhọ…). Khi tin trên bắt đầu lan tràn trên mạng xã hội Facebook từ chiều tối 19-3 và được chia sẻ chóng mặt kèm theo nhiều bình phẩm không hay thì chiều 20-3, cô gái có hình ảnh trong tin (đang làm cộng tác viên trang điểm tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) đã mạnh dạn lên tiếng phủ nhận toàn bộ do sai sự thật, kèm theo đề nghị các cơ quan công an nhanh chóng xác định thủ phạm.

Trong khi đó, mặc dù nội dung tin có nhiều bất lợi cho danh dự, uy tín cá nhân, có thể làm ảnh hưởng đến thanh danh của cơ quan đang công tác cùng lãnh đạo tỉnh nói chung nhưng vị phó bí thư tỉnh đã im lặng hơi lâu. Lãnh đạo tỉnh ủy cùng nhiều người có thẩm quyền khác ở tỉnh cũng không khẩn trương phản hồi ý kiến cho báo chí. Mãi đến chiều 21-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới họp đột xuất để xử lý vụ việc và tại đây vị phó bí thư đã minh định “chưa từng gặp và liên lạc với nhau” tương tự như trình bày của nữ nạn nhân.

Tùy tính chất, mức độ vi phạm, việc tung tin xấu trên Facebook để gây hại cho ai đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Theo quy định nêu tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện), hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt 10-20 triệu đồng (đối với tổ chức) hoặc 5-10 triệu đồng (đối với cá nhân). Còn theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi “bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” có thể bị xử tội vu khống với mức phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Đáng lưu ý là ở cả hai hình thức xử lý này, các cơ quan chức năng đều bắt buộc phải căn cứ vào yêu cầu cụ thể chính thức của những người bị “dính” tin xấu.

Trên cơ sở biết rõ hơn ai hết tin xấu đó có bao nhiêu phần trăm sự thật, đánh giá được đúng hơn ai hết những tổn thương về danh dự, nhân phẩm, người đó sẽ phải đưa ra các yêu cầu xử lý để các cơ quan chức năng xem xét và có hình thức xử lý phù hợp. Và tất nhiên, nếu cây ngay thì không sợ chết đứng, những minh định đúng sai, những động thái xử lý càng nhanh nhạy càng mang lại nhiều hiệu quả tích cực không chỉ dành cho người trong cuộc mà còn vì niềm tin của xã hội.

Còn nhớ “hot girl xứ Thanh” năm nào từng im thin thít cho đến khi biến mất để rồi cuối cùng vỡ lẽ đã được “nâng đỡ không trong sáng” để thăng tiến thần tốc. Phản ứng kịp thời của cô gái và kế tiếp là kết luận xác minh bước đầu của công an tỉnh có thể làm cho mọi người tin tưởng về một kết thúc có hậu cho những người trong cuộc.

Điều rõ nhất trong vụ này người ta hy vọng người có hành vi tung tin sai sự thật, vu khống phải bị lộ mặt để chịu các chế tài tương thích, để số đông yên tâm rằng với quyền tự do ngôn luận thì cũng không có việc cá nhân, tổ chức nào được phép đăng bất cứ thứ tin gì không đúng sự thật, xúc phạm đến cá nhân, tổ chức khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm