Lập ủy ban về tranh chấp trẻ em xuyên quốc gia?

Tại hội nghị chánh án các nước ASEAN lần 4 tổ chức tại TP.HCM mới đây, đại diện Tòa án Tối cao Singapore cho biết: Những cải thiện trong chính sách về đi lại, nhập cư giữa các nước cùng quá trình toàn cầu hóa đã dẫn đến việc gia tăng số lượng các cuộc hôn nhân giữa công dân các quốc gia khác nhau trong ASEAN.

Cần sự phối hợp của các nước

“Khi các cuộc hôn nhân này đổ vỡ, con cái của họ có thể bị bắt buộc rời bỏ đất nước nơi đứa trẻ được sinh ra hoặc bị tước đi quyền tiếp cận với một bên cha hoặc mẹ trong một thời gian dài. Điều này ảnh hưởng xấu đến lợi ích tổng thể của đứa trẻ đó” - vị đại diện này nhấn mạnh.

Đại diện TAND Tối cao Việt Nam cũng nhìn nhận những năm gần đây, vấn đề kết hôn quốc tế đã diễn ra khá phổ biến, dẫn đến việc có tranh chấp con cái xảy ra giữa công dân ở Việt Nam và công dân ở nước khác.

Đại diện Tòa án Tối cao Philippines nhận xét: “Khó khăn của việc giải quyết các tranh chấp hôn nhân - gia đình xuyên quốc gia thường phụ thuộc nhiều vào yếu tố văn hóa của mỗi quốc gia chứ không chỉ bằng pháp luật”.

Theo đại diện TAND Tối cao Việt Nam, để giải quyết suôn sẻ tranh chấp hôn nhân - gia đình xuyên quốc gia, trong đó có tranh chấp về con chung thì không chỉ cần pháp luật của cả hai nước mà còn cần có sự phối hợp của cả hai quốc gia.

Thiết lập mạng lưới thẩm phán giải quyết tranh chấp gia đình xuyên quốc gia là nội dung mà Tòa án Tối cao các nước ASEAN đang hướng tới. Ảnh: H.YẾN

Đề cao việc cùng hòa giải

Đại diện TAND Tối cao Singapore đề xuất trước mắt cần hình thành một mạng lưới thông tin giữa các thẩm phán ASEAN, trên cơ sở là một ủy ban về tranh chấp trẻ em xuyên quốc gia. Theo đó, ủy ban này sẽ nghiên cứu sử dụng mạng lưới cho việc trao đổi thông tin giữa các tòa án ở các quốc gia khác nhau khi có những vụ kiện về hôn nhân - gia đình xảy ra.

Theo đại diện TAND Tối cao Singapore, hiện một số nước như Mỹ, Anh và xứ Wales, Úc, New Zealand, Canada... đã công nhận việc trao đổi trực tiếp giữa các tòa án như đã nêu trên. Hoạt động này rất có giá trị trong việc hỗ trợ các thẩm phán giải quyết án hôn nhân - gia đình xuyên quốc gia nói chung, các tranh chấp về trẻ em xuyên quốc gia nói riêng. Mạng lưới thông tin giữa các thẩm phán ASEAN là kênh trao đổi thông tin không chính thức nhưng tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp về trẻ em xuyên quốc gia trong khu vực một cách nhanh chóng...

Cạnh đó, đại diện Tòa án Tối cao Singapore còn đề xuất tổ chức mạng lưới hòa giải khi giải quyết loại tranh chấp này. Theo đó, tòa án các nước ASEAN có thể nghiên cứu, áp dụng phương pháp cùng hòa giải hay hòa giải chung với sự tham gia của các hòa giải viên đến từ các quốc gia khác nhau trong trường hợp các bên đương sự là công dân của các nước này.

“Cùng hòa giải hay hòa giải chung có thể gia tăng lòng tin bởi các hòa giải viên sẽ gần gũi, đồng cảm hơn với hoàn cảnh của đương sự. Mô hình này có thể được thực hiện bởi tòa án như một phần trong quy trình tố tụng hoặc thực hiện bởi những trung tâm hòa giải tư nhân độc lập với quy trình tố tụng của tòa án... Từ đó, các nước nên thiết lập một bộ thủ tục hay bộ nguyên tắc chủ đạo cho phương thức cùng hòa giải bao gồm những việc như chỉ định đầu mối liên lạc ở tòa án mỗi nước, chỉ định hòa giải viên tranh chấp về gia đình, quy trình hòa giải, kết quả hòa giải...” - đại diện Tòa án Tối cao Singapore nhấn mạnh.

TAND Tối cao Việt Nam ủng hộ ý kiến thiết lập mạng lưới thẩm phán như phía Singapore đề xuất. “Như nhiều quốc gia khác, ở Việt Nam tranh chấp gia đình diễn biến ngày càng phức tạp. Trường hợp cha, mẹ đưa con xuất hoặc nhập cảnh nhưng không có sự đồng ý của bên còn lại xuất hiện khá nhiều. Tranh chấp từ đó phát sinh, khó xử lý. Do vậy, Việt Nam sẽ tích cực nghiên cứu, cử thẩm phán tham gia mạng lưới” - đại diện TAND Tối cao Việt Nam cho biết.

Cơ chế chung về tống đạt giấy tờ tư pháp

Trong phạm vi Cộng đồng ASEAN, Việt Nam mới chỉ ký kết hiệp định song phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với Lào và Campuchia. Với tám nước thành viên còn lại thì hiện chưa có một thỏa thuận nào làm cơ sở để thực thi hiệu quả việc tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.

Việc tìm cơ chế chung về tống đạt giấy tờ tư pháp trong Cộng đồng ASEAN là một nhu cầu ngày càng cấp bách. Hiện Việt Nam và một số nước ASEAN đang xem xét gia nhập Công ước La Hay 1965 về tống đạt giấy tờ tư pháp ra nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, đồng thời hướng tới một thỏa thuận chung về vấn đề này nhằm tạo điều kiện để tòa án các nước thành viên ASEAN tống đạt giấy tờ sang các nước thành viên khác có hiệu quả.

Hướng tới người dân

Việc thành lập mạng lưới tòa án trong Cộng đồng ASEAN phù hợp với chủ trương hợp tác trên mọi lĩnh vực. Không chỉ vậy, các tòa án trong khu vực tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau sẽ góp phần thúc đẩy phúc lợi xã hội. Từ đó hướng đến mục tiêu chung là xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Ông LÊ LƯƠNG MINH, Tổng Thư ký ASEAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm