Lấy chồng ngoại, thiệt thòi vì hôn nhân “4 không 1 vì“

Ngày 5-12, tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Cần Thơ, Chánh án TAND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Thiên đã có báo cáo tại hội trường về công tác xét xử của TAND hai cấp trên địa bàn TP.

Giật mình về số lượng án ly hôn

Chánh án TAND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Thiên báo cáo công tác xét xử của ngành tòa án tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ ngày 5-12. Ảnh: NN

Theo ông Thiên, hiện cán bộ nhân viên của TAND hai cấp có 214 người, trong đó có 88 thẩm phán (chưa đủ số lượng thẩm phán được giao). Trong số 88 thẩm phán thì có thẩm phán chờ bổ nhiệm lại, có thẩm phán đã có quyết định nghỉ hưu vào đầu năm 2018, có thẩm phán phải làm việc biệt phái cho TAND Cấp cao tại TP.HCM nên so với khối lượng công việc là quá tải.

Về xét xử, năm 2017, TAND hai cấp phải giải quyết trên 10.500 vụ án. Trong đó, đã giải quyết trên 8.100 vụ việc, nhiều hơn năm 2016 trên 1.100 vụ việc.

“Số giải quyết nhiều hơn này tương đương với số lượng án giải quyết một năm của một tỉnh ở phía Bắc” - ông Thiên cho hay.

Theo ông Thiên, tỉ lệ án hủy sửa của TAND hai cấp tiếp tục kéo giảm, nằm trong phạm vi cho phép theo nghị quyết của QH (hai tỉ  lệ này cộng lại không quá 1,5%), ở Cần Thơ án hủy là 0,57%, án sửa là 0,84%.

Trong đó, hình sự có 1.350 vụ, dân sự trên 3.800 vụ, việc, án hôn nhân gia đình có 4.100 vụ…

Giật mình về số lượng án ly hôn

TAND TP Cần Thơ tuyên án một vụ ly hôn năm 2017. Ảnh: NN

“Án hôn nhân gia đình, đây là một đặc điểm nổi bật trong khu vực các tỉnh miền Tây và riêng ở Cần Thơ, xin báo cáo, năm nay TAND hai cấp của TP đã thụ lý 4.100 vụ hôn nhân gia đình, tăng hơn cùng kỳ 13,5%, chiếm tỉ lệ 40% trên tổng số vụ án mà tòa án đã thụ lý giải quyết. Độ tuổi xin ly hôn ngày càng trẻ hóa, nhiều vụ ly hôn có con chưa thành niên” - chánh án TAND TP Cần Thơ thông tin.

Theo ông Thiên, “riêng với những vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc, tình trạng này như đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lúc còn làm phó thủ tướng từng nói, những cuộc hôn nhân “4 không, 1 vì”. “Bốn không” là không tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, không biết người chồng tương lai, không biết hoàn cảnh gia đình người chồng tương lai, và cái không quan trọng nhất là không có tình yêu. Hôn nhân mà không có tình yêu thì chả ra hôn nhân gì cả. “Một vì” là vì để đổi đời và giúp đỡ người thân. Cho nên chỉ trong một thời gian nhất định, những mối lương duyên này dẫn đến đổ vỡ phải đưa ra tòa.

Khi ra tòa thì tòa án hỏi đương sự ở nước ngoài thông qua thủ tục ủy thác tư pháp nhưng mà chờ mãi không có hồi âm thì tòa án cũng không giải quyết được. Đây là thiệt thòi lớn cho phụ nữ Việt Nam vẫn mang thân phận có chồng nước ngoài mà hôn nhân đã chết rồi vẫn không được giải quyết”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm