Lấy phôi thai của mình và vợ cho người nữ khác có phạm tội?

Một người chồng ở Bắc Ninh lập mưu lấy phôi thai của vợ chồng mình cấy cho người phụ nữ khác. Khi BV Bưu Điện Hà Nội - nơi vợ chồng họ làm thụ tinh ống nghiệm và gửi phôi còn lại để cấp đông lưu trữ - gọi điện hỏi thăm thì cả bệnh viện và người vợ mới tá hỏa vì ăn cú lừa. 

Người chồng tự ý làm giả các giấy tờ để qua mặt bệnh viện, qua mặt người vợ. Vợ của ông thì cho rằng người phụ nữ này chính là nhân tình của chồng mình.

Vậy trường hợp này vi phạm gì, xử như nào, phôi thai có phải tài sản không?Pháp luật quy định thế nào về gửi giữ và hiến nhận phôi thai...?

BV Bưu Điện, nơi xảy ra vụ người chồng lấy phôi của mình và vợ cho người phụ nữ khác. Ảnh: PLO

Những quy định trong lĩnh vực cấy, ghép phôi thai

Nghị định 10/2015 quy định việc cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh, nguyên tắc tự nguyện và không vì mục đích thương mại giữa người cho và người nhận. Theo đó, người nhận phôi phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do cả người vợ và người chồng;
b) Người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà vợ chồng đã thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bị thất bại, trừ trường hợp mang thai hộ;
c) Phụ nữ độc thân mà không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai.
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, Luật Khám chữa bệnh, Nghị định 10/2015 đều nghiêm cấm hành vi kinh doanh tinh trùng, noãn, phôi.
Khoản 3 Điều 21 Nghị định 10/2015 quy định trường hợp đã gửi bệnh viện giữ giùm, nay đề nghị hủy phôi thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cả hai vợ chồng; nếu muốn tiếp tục lưu giữ thì phải có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản. Cặp vợ chồng sau khi có con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, nếu không có nhu cầu sử dụng số phôi còn dư thì có thể tặng lại cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với sự đồng ý của cả vợ và chồng thông qua hợp đồng tặng, cho.
Pháp luật cũng nghiêm cấm việc cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời.
Pháp luật nghiêm cấm hành vi quảng cáo, môi giới việc hiến nhận tinh trùng, noãn, phôi.

Phôi thai có là tài sản?

Phôi thai có phải là tài sản hay không? Theo Điều 105 BLDS hiện hành thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản và tài sản hình thành trong tương lai.
Để xác định phôi thai có rơi vào định nghĩa tài sản hay không thì phải làm rõ phôi thai có phải là vật được đem ra giao dịch theo quy định hay không? Hiện nay chưa có quy định nào về việc được phép giao dịch phôi thai. Do chưa có quy định nào xác định phôi thai là tài sản nên không thể xử lý hành vi trộm cắp hoặc chiếm đoạt tài sản được.
Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụy tế khác chỉ đặt ra khi người phạm tội thực hiện tội này với lỗi cố ý. Chủ thể của tội phạm này là người có trách nhiệm trong lĩnh vực y tế nêu trên. Như vậy, hành vi của người chồng ở Bắc Ninh không phải là chủ thể của tội này.
Về nguyên tắc sai sót trên là do bệnh viện vi phạm trong việc quản lý, làm các thủ tục đặt phôi không đúng người vợ. Nếu thận trọng, bệnh viện có thể điện thoại hỏi xem có đúng người vợ ủy quyền các nội dung đó hay không. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ đến khi đặt phôi xong thì bệnh viện mới gọi hỏi thăm...

Vi phạm hôn nhân và làm giả giấy tờ

Vấn đề pháp lý đặt ra ở đây là đứa trẻ khi sinh ra đặt họ, tên cha mẹ thế nào? Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp…
Vụ việc còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ như: Người chồng này đã có bốn con rồi tại sao lại muốn có thêm con. Nếu ông ấy có tình nhân thì hai người cứ sinh bình thường chứ sao lại phải đánh cắp phôi được kết hợp từ noãn của vợ.
Tại sao ông ấy và tình nhân (nếu đúng là tình nhân) không làm thụ tinh nhân tạo nếu nhân tình muốn có thêm con? Có khả năng ông này tự ý qua mặt người vợ và lừa bệnh viện để cho tặng phôi chỉ vì thích cho hoặc vì mục đich thương mại hay không?
Người chồng có thể bị xem xét hành vi vi phạm luật hôn nhân gia đình. Ngoài ra, ông này còn có thể bị xem xét xử lý hình sự về hành vi làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật theo Điều 341 BLHS 2015 nếu có căn cứ cho rằng ông này dùng giấy tờ giả qua mặt bệnh viện để cấy phôi cho người phụ nữ này vì mục đích thương mại, vi phạm điều cấm của pháp luật, hoặc cho tặng mà không có sự đồng ý của người vợ theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm