Lo lắng việc 'cán bộ' bắt tay với tội phạm

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, năm 2015 cơ quan điều tra (CQĐT) các cấp đã phát hiện, khởi tố, điều tra hơn 57.000 vụ việc xâm phạm trật tự xã hội với gần 90.000 bị can.

Lo lắng việc 'cán bộ' bắt tay với tội phạm ảnh 1 

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

“Đâu phải trộm vặt mà không phát hiện được”

Kết quả điều tra cho thấy thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm vẫn hết sức tinh vi, manh động ở một số địa phương. Xuất hiện các nhóm thanh niên sẵn sàng sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn, va chạm . Đáng chú ý, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỉ lệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng trong xã hội...

“Tuy số vụ việc điều tra giảm so với năm 2014 nhưng hành vi phạm tội lại vô cùng nguy hiểm, tinh vi, xảo quyệt, manh động. Đặc biệt, một số vụ án giết nhiều người trong một gia đình, dù ngành công an tập trung lực lượng phá án nhanh nhưng vẫn gây tâm lý bất an trong xã hội” - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa bức xúc.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thì lưu ý việc thời gian qua, chúng ta quan tâm nhiều đến chống tham nhũng, an ninh chính trị, tuy nhiên cử tri cũng bức xúc đến nhiều loại tội phạm khác như tài nguyên môi trường, buôn lậu, hàng gian, hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm, xâm hại tính mạng, sức khỏe đạo đức con người, trật tự xã hội. “Loại tội phạm này, ngồi trong nhà, ăn cơm tại bàn hay ngủ trong phòng vẫn bị xâm hại nên cử tri rất lo lắng” - ông Nghĩa nói.

theo ông Nghĩa, người dân cũng bức xúc về sự ngang nhiên của tội phạm phá rừng, khai thác khoáng sản lậu, lấp sông rạch, xây dựng trái phép… “Đâu phải là chuyện ăn trộm vặt trong đêm mà không phát hiện được. Cử tri cho rằng có sự bao che, làm ngơ, thậm chí “hợp tác” của cán bộ, công chức tham nhũng”.

Phát biểu của ông Trương Trọng Nghĩa cũng là nhận định của Ủy ban Tư pháp khi đánh giá về nguyên nhân khiến tội phạm lộng hành và diễn biến phức tạp ở một số lĩnh vực: “Có sự tiếp tay, thông đồng hoặc không thực hiện đúng chức trách của một bộ phận cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước cấp cơ sở và lực lượng chuyên trách ở một số lĩnh vực như chống buôn lậu, quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, vận chuyển hành khách, bến bãi”.

Cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý: Nguyên nhân của tội phạm giết người với các hình thức dã man, tàn bạo, giết nhiều người bắt nguồn từ mâu thuẫn xã hội và sự tác động tiêu cực của các ấn phẩm đồi trụy, các trò chơi bạo lực trên mạng (game online)…

Án oan, sai thật sự là bao nhiêu?

Bên cạnh những lo lắng về tình hình tội phạm đang diễn biến ngày càng phức tạp, các ĐBQH cũng đặc biệt quan tâm đến tình hình oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho hay năm 2015, ngành tòa án đã để xảy ra hai trường hợp kết án oan người không có tội. Tuy nhiên, ông Huỳnh Nghĩa còn bức xúc về con số 24 trường hợp tòa tuyên bị cáo không phạm tội và tình trạng “sơ thẩm tuyên bị cáo có tội, phúc thẩm lại tuyên vô tội”. Ông Huỳnh Nghĩa cũng nêu con số hơn 2.000 vụ án với hơn 2.100 bị can mà ngành kiểm sát đình chỉ điều tra, trong đó có 33 bị can không phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

“Báo cáo Chính phủ không đề cập đến việc ngành công an đã đình chỉ điều tra do oan sai bao nhiêu trường hợp, chỉ nêu xử lý 26 điều tra viên, trong đó truy tố hai điều tra viên gây ra oan sai, bức cung, nhục hình. Vậy con số CQĐT làm oan sai là bao nhiêu? Đề nghị Chính phủ bổ sung phần báo cáo rất quan trọng này cho QH biết để giám sát” - ông Huỳnh Nghĩa kiến nghị.

Cạnh đó, ông Huỳnh Nghĩa cho rằng các báo cáo đều không đề cập việc xử lý kiểm sát viên, thẩm phán gây oan sai và đề nghị cần báo cáo việc này cho QH và nhân dân biết.

Ở một khía cạnh khác, ông Trương Trọng Nghĩa đề xuất: “Khi phát hiện dấu hiệu oan sai, đề nghị giao việc điều tra, truy tố, xét xử cho người khác, cơ quan khác không chịu ảnh hưởng, tác động của người cũ, cơ quan cũ hoặc giao cho cấp cao hơn”.

“Phải theo quy trình đặc biệt và nhanh có kết luận” - ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh và dẫn chứng về vụ án Huỳnh Văn Nén: “Vụ án có dấu hiệu oan sai khá rõ. Huỳnh Văn Nén đã bị giam giữ hơn 17 năm, mẹ đã qua đời, cha đã 89 tuổi, không thể bắt người ta chờ lâu hơn. Việc bồi thường cũng vậy, không vì quy trình của Nhà nước mà buộc người dân oan sai phải chờ đợi”.

Cũng theo ông Trương Trọng Nghĩa, việc quản lý các trại giam giữ đã không còn phù hợp, cần phải sửa đổi toàn diện cả về phương thức và cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân sự, nếu không sẽ không thể khắc phục nạn phạm nhân bị bức cung, nhục hình, chết trong trại giam.

“QH cũng cần xem lại cách đánh giá thành tích điều tra, truy tố, xét xử dựa trên tỉ lệ giảm hằng năm. Điều này sẽ gây áp lực lên các cơ quan tố tụng một cách nghịch lý, khuyết điểm của người này là thành tích của người kia. Sai phạm phải được đánh giá dựa vào tính chất, nguyên nhân, hoàn cảnh; khởi tố, truy tố hay án bị hủy, sửa là do lỗi nghiệp vụ, nhận định, quan điểm hay là do thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực, tham nhũng” - ông Trương Trọng Nghĩa nói thêm.

Sớm kết thúc điều tra vụ Huỳnh Văn Nén

Huỳnh Văn Nén được tại ngoại sau 17 năm bị giam. Với những dấu hiệu oan sai khá rõ mà đoàn giám sát đã chỉ ra, chúng tôi đề nghị CQĐT, VKS tỉnh Bình Thuận phải khẩn trương kết thúc điều tra. Nếu không đủ chứng cứ chứng minh Huỳnh Văn Nén phạm tội thì phải sớm đình chỉ, đồng thời xác định việc bồi thường mà không phụ thuộc vào việc có tìm ra ai là thủ phạm giết bà Bông hay không theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội và theo yêu cầu của Nghị quyết 96/2015 của QH.

ĐB LÊ THỊ NGA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm