LS đề nghị tòa không cho báo chí tác nghiệp được không?

Ngày 2-3, TAND TP.HCM tiếp tục xử vụ cố ý làm trái… xảy ra tại Navibank. Ngay đầu giờ xử, một số luật sư (LS) đã đề nghị chủ tọa phiên tòa không cho phép báo chí tác nghiệp để bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của các bị cáo được BLDS và BLTTDS 2015 quy định.

Đề nghị này đã không được chủ tọa chấp nhận. Chủ tọa giải thích với các LS: “Đây là phiên tòa hình sự xét xử công khai, báo chí tác nghiệp tuân thủ nội quy phiên tòa, theo đúng Luật Báo chí, chịu trách nhiệm về bài viết, khi tác nghiệp không gây mất trật tự phiên tòa”.

Luật cho phép nhà báo tác nghiệp

Từ tình huống trên, nhiều bạn đọc thắc mắc: Theo các quy định hiện hành thì quyền tác nghiệp của nhà báo (ghi nhận, phỏng vấn, ghi âm, quay phim, chụp ảnh…) tại phiên tòa xét xử công khai ra sao?

Trao đổi, hai LS Nguyễn Hữu Thế Trạch và Đặng Đức Trí (Đoàn LS TP.HCM) đều cho biết: Theo điểm d khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí 2016 (có hiệu lực từ 1-1-2017), nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa hình sự, việc tác nghiệp của nhà báo còn phải tuân thủ quy định của BLTTHS 2015 về nội quy phiên tòa và Thông tư 02/2017 của chánh án TAND Tối cao về quy chế tổ chức phiên tòa. Điều 256 BLTTHS 2015 và Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa đều quy định mọi người trong phòng xử án phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

“Như vậy, theo các quy định trên thì nhà báo có quyền tác nghiệp, tức hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa hình sự xét xử công khai và phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Do đó, việc có LS đề nghị chủ tọa không cho báo chí tác nghiệp để bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của các bị cáo là không phù hợp với các quy định hiện hành” - LS Trạch nói.

Các bị cáo tại phiên xử. Ảnh: H.YẾN

“Là đại án nên càng cần thiết”

Đồng tình, một kiểm sát viên VKSND TP.HCM cho rằng tại phiên tòa hình sự, nếu PV, nhà báo đã cung cấp đủ thẻ nhà báo, giấy giới thiệu của cơ quan báo chí theo quy định để tham gia phiên tòa thì việc tác nghiệp ghi âm, ghi hình, chụp ảnh của họ được tiến hành bình thường sau khi chủ tọa phiên tòa đồng ý. “Nếu họ tuân thủ đầy đủ các nội quy phiên tòa thì họ được tác nghiệp theo quy định” - vị kiểm sát viên này nhấn mạnh.

“Việc tác nghiệp của báo chí đã được chủ tọa phiên tòa đồng ý trong trường hợp này. Khi tác nghiệp, họ được thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như quay phim, chụp ảnh đúng thời điểm, quy định của chủ tọa phiên tòa đưa ra nên không xâm phạm đến quyền nhân thân của các bị cáo. Đây là án hình sự công khai và là phiên xử đại án được dư luận xã hội quan tâm thì việc đưa tin, truyền tải hình ảnh một cách trung thực của báo chí đến công chúng lại càng cần thiết” - một lãnh đạo TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng nhận xét.

Trao đổi với PV, nhiều thẩm phán cũng cho biết trong các phiên tòa hình sự, họ vẫn cho phép PV, nhà báo tác nghiệp bình thường theo nội quy phiên tòa.

Luật sư dọa kiện báo chí

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, 10 bị cáo trong vụ án này nguyên là cán bộ Navibank (nguyên tổng giám đốc Lê Quang Trí; các nguyên phó tổng giám đốc Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hùng Sơn và sáu người nguyên là trưởng các phòng, ban) bị truy tố về tội cố ý làm trái… theo khoản 3 Điều 165 BLHS.

Tất cả bị cáo đều được tại ngoại và có mời LS. Cá biệt bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (nguyên trưởng phòng Pháp chế, thành viên Hội đồng tín dụng Navibank) có 13 LS bào chữa. Ngược lại, cũng có nhiều trường hợp một LS bào chữa cho nhiều bị cáo.

Một LS tại phiên xử chiều 1-3 đã nói sẽ kiện báo chí nếu sử dụng hình ảnh của thân chủ. Điều này cũng được thông tin trên trang cá nhân của chính ông tối đó và đã gây nên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Cạnh đó, tại phiên xử, khi các nhà báo, PV tác nghiệp chụp ảnh bị cáo đều bị họ phản ứng gay gắt, không cho phép chụp ảnh và nói rằng phải có sự đồng ý mới được chụp. Nhà báo giải thích rằng đã được sự cho phép của HĐXX nhưng một số bị cáo vẫn yêu cầu văn bản đồng ý của HĐXX và phải được chính bị cáo cho phép.

Cũng trong ba ngày diễn ra phiên xử, một số LS đã có sự cãi vã với cán bộ tư pháp bảo vệ phiên xử về thái độ, tác phong. Trong phiên xử sáng 2-3, một LS đã bị chủ tọa mời về chỗ sau nhiều lần nhắc nhở về thái độ và cách đặt câu hỏi. Theo chủ tọa, phiên tòa dân chủ tuy nhiên các LS phải tôn trọng sự điều khiển phiên tòa của ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm