Luật Đấu giá tài sản hạn chế ‘quân xanh, quân đỏ’

(PL)- Ngày 26-5, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị quán triệt Luật Đấu giá tài sản 2016 có hiệu lực từ ngày 1-7-2017. Điểm nổi bật của luật này là sẽ hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản.

Cụ thể, theo Cục Bổ trợ tư pháp, đối với bất động sản, luật đã bỏ quy định về việc niêm yết tại nơi có bất động sản đấu giá. Theo đó, việc niêm yết được thực hiện tại trụ sở tổ chức đấu giá, nơi tổ chức cuộc đấu giá và tại UBND cấp xã nơi có bất động sản đấu giá. Nâng tỉ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp để hạn chế tình trạng người không có nhu cầu mua tài sản nhưng vẫn đăng ký tham gia đấu giá để trục lợi hoặc gây khó khăn cho cuộc đấu giá.

Cạnh đó, luật còn bổ sung thêm hình thức đấu giá trực tuyến, qua đó góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá…

Theo Sở Tư pháp TP.HCM, với quy định về trưởng chi nhánh tổ chức hành nghề đấu giá thì khoản 1 Điều 29 Luật Đấu giá tài sản quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản cử một đấu giá viên của doanh nghiệp làm trưởng chi nhánh. Tuy nhiên, luật chưa quy định một đấu giá viên được làm trưởng tối đa bao nhiêu chi nhánh (kể cả chi nhánh của các địa phương khác) để đảm bảo hiệu quả hoạt động hành nghề của đấu giá viên và công tác quản lý nhà nước của Sở Tư pháp.

Bà Lê Thị Kim Dung (Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự) nhận định pháp luật về bán đấu giá tài sản hiện hành chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Chất lượng nhiều phiên đấu giá nhìn chung chưa có hiệu quả, còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng dìm giá.

Mặc dù lượng việc đã kê biên, định giá và đưa ra bán đấu giá là rất lớn (hơn 11.000 việc) nhưng kết quả việc bán đấu giá thành chỉ có 412 việc và kết quả giao tài sản đã bán đấu giá cho người mua được rất thấp là 156 việc. Nguyên nhân chính là do chấp hành viên có sai sót ngay từ quá trình xác minh điều kiện thi hành án hoặc quá trình tổ chức kê biên tài sản. Chẳng hạn một trường hợp ở TP.HCM, quá trình kê biên thẩm định và bán đấu giá xác định căn nhà là sáu tầng nhưng trên thực tế lại là bảy tầng.

Ngoài ra, việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá còn cảm tính, chưa có tiêu chí để lựa chọn nên giá đưa ra chưa phù hợp. Ví dụ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có trường hợp một con tàu nhưng trong vòng sáu tháng có ba lần thẩm định cho ra ba giá khác nhau: Lần đầu định giá khoảng 4,3 tỉ đồng, đương sự không đồng ý; thẩm định lại lần hai gần 20 tỉ đồng, đương sự tiếp tục không đồng ý nên định giá lần ba thì lại quay trở lại giá ban đầu. Như vậy dễ dẫn đến suy nghĩ tài sản định giá nào cũng có thể được…

Có nhiều phản ánh về Tổng cục Thi hành án dân sự nói rằng các tổ chức đấu giá gây khó cho người mua như hạn chế bán hồ sơ, cho điện thoại liên hệ nhưng gọi không ai nhấc máy. Có trường hợp ở Hà Nội gần hết thời gian mua hồ sơ thì lại yêu cầu có văn bản xác nhận chữ ký của chi cục trưởng, thế là không còn thời gian và mất quyền mua.

“Để khắc phục tình trạng trên, sắp tới chúng tôi sẽ rà soát các cơ quan thi hành án để từ đó phát hiện những đơn vị nào có vụ việc sai sót trong đấu giá. Cạnh đó, chúng tôi sẽ công bố danh sách các cơ quan tổ chức đấu giá có uy tín…” - bà Dung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm