Luật sư bị tước giấy phép hành nghề khi nào?

Ngày 1-9 tới, Nghị định 82/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã chính thức có hiệu lực thi hành.

Ảnh minh họa

Những vi phạm bị tước chứng chỉ hành nghề luật sư

Theo Điều 6 Nghị định 82/2020, các hành vi vi phạm sau đây sẽ bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư.

Cụ thể, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam từ 1 tháng đến 3 tháng đối với 7 hành vi vi phạm sau đây:

- Cung cấp dịch vụ pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài cơ quan, tổ chức mà luật sư đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên;

- Thành lập hoặc tham gia thành lập từ hai tổ chức hành nghề luật sư trở lên;

- Làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức khác bằng hình thức luật sư hành nghề với tư cách cá nhân ngoài tổ chức hành nghề luật sư mà luật sư đã thành lập, tham gia thành lập hoặc đã ký hợp đồng lao động;

- Hành nghề luật sư không đúng hình thức hành nghề theo quy định;

- Hành nghề luật sư với tư cách cá nhân mà không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong trường hợp hợp đồng lao động có thỏa thuận;

- Ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng không thông qua tổ chức hành nghề luật sư hoặc không có văn bản ủy quyền của tổ chức hành nghề luật sư;

- Hoạt động không đúng phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

10 hành vi sẽ bị tước giấy phép từ 6 tháng đến 9 tháng

Cạnh đó, các hành vi vi phạm sau đây sẽ bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 6 tháng đến 9 tháng:

- Cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam để hành nghề luật sư;

- Có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng; tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác;

- Sách nhiễu khách hàng; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; lừa dối khách hàng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Ứng xử, phát ngôn hoặc có hành vi làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của nghề luật sư hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật;

- Xúi giục khách hàng khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo trái pháp luật;

- Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

- Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc;

- Tham gia lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người để gây rối trật tự công cộng, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Cung cấp dịch vụ pháp lý, hoạt động tư vấn pháp luật với danh nghĩa luật sư hoặc mạo danh luật sư để hành nghề luật sư; treo biển hiệu khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn luật sư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm