Luật sư không phải tố giác thân chủ?

Năm năm trước, khi Hội đồng Luật sư toàn quốc công bố dự thảo về bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề của luật sư, Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài viết đặt vấn đề là luật sư có phải tiết lộ bí mật của thân chủ hay không, nếu bí mật đó là tội ác mà thân chủ của luật sư thực hiện.

Chưa được loại trừ trách nhiệm hình sự

Về nguyên tắc, mọi công dân đều có nghĩa vụ tố giác tội phạm. Người không tố giác một số tội phạm cụ thể dù biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm theo Điều 314 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Thế nhưng với nghề luật sư - một nghề đặc thù cung cấp dịch vụ pháp lý bảo vệ khách hàng - việc tố giác thân chủ lại là chuyện rất khó khăn, ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp. Thân chủ tin tưởng luật sư mới kể ra bí mật của mình mà luật sư lại đi tố giác thì ai mà còn tin vào luật sư, vào nghề luật sư nữa.

Pháp lệnh Tổ chức luật sư 1987, Quy tắc mẫu đạo đức nghề nghiệp luật sư do Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 356b/2002, Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) đều nghiêm cấm luật sư tiết lộ thông tin của khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam 2011 cũng quy định luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu bí mật thông tin của khách hàng là một tội ác mà khách hàng đang chuẩn bị thực hiện, đã thực hiện, đã tham gia thực hiện thì sao? BLHS hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan đều không có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự của luật sư trong trường hợp này. Tức là nếu luật sư biết thân chủ đang chuẩn bị thực hiện tội phạm, đang hoặc đã thực hiện tội phạm mà không tố giác thì vẫn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 314 BLHS. Chính vì thế, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, rất nhiều chuyên gia đã đề nghị các nhà làm luật cần có quy định rõ về chuyện này.

Luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đang trao đổi với bị cáo trong một vụ hủy hoại tài sản. Ảnh minh họa: T.TÙNG

Quy định mới rất tiến bộ

Đến nay, giới luật sư rất vui mừng vì theo khoản 3 Điều 19 dự thảo BLHS (sửa đổi), người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện. Đây là lần đầu tiên, vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự của luật sư trong việc giữ bí mật thông tin của thân chủ đã được đặt ra (trên thực tế, hầu hết người bào chữa đều là luật sư).

Dĩ nhiên quy định trên có giới hạn về phạm vi là chỉ trong mối quan hệ giữa người bào chữa và người được bào chữa trong tố tụng hình sự và tội phạm không tố giác là tội phạm mà người được bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện. Tức là trong khi thực hiện việc bào chữa, luật sư được thân chủ (người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo) tiết lộ bí mật về một tội phạm mà thân chủ đã thực hiện, đã tham gia thực hiện mà luật sư không tố giác thì luật sư sẽ không bị xử lý hình sự. Còn trường hợp quan hệ giữa luật sư và thân chủ không phải là người bào chữa - người được bào chữa (như khách hàng trong án dân sự…) hay thân chủ của luật sư đang chuẩn bị thực hiện tội phạm, nếu luật sư biết rõ mà không tố giác thì không được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Trao đổi với chúng tôi, các luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM), Nguyễn Tuấn Lộc (Đoàn Luật sư TP.HCM), Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM), Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) đều nhận xét quy định trên rất tiến bộ.

Theo các luật sư, người bào chữa cũng là công dân nhưng không phải tất cả công dân đều có nghĩa vụ tố giác tội phạm như nhau. Ở đây, nghề luật sư khá đặc thù. Đạo đức nghề nghiệp của luật sư không cho phép tiết lộ thông tin, làm lộ bí mật thông tin của thân chủ. Do đó, không nên đặt thêm gánh nặng trách nhiệm tố giác tội phạm cho người bào chữa bởi sẽ không có nghi can nào muốn nhờ người bào chữa cho mình. Mặt khác, quy định như dự thảo sẽ tạo ra sự thống nhất, không còn mâu thuẫn với nội dung cấm luật sư tiết lộ bí mật thông tin của khách hàng trong các văn bản pháp luật khác.

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cũng cho rằng: “Nghĩa vụ của luật sư là gỡ tội, giảm nhẹ tội cho thân chủ chứ không phải là buộc tội, làm xấu đi tình trạng của thân chủ. Chẳng có luật sư nào đi tố cáo thân chủ. Làm như vậy người ta thuê luật sư làm gì. Trên thế giới người ta cũng không truy cứu trách nhiệm hình sự của luật sư trong trường hợp này”.

Có nên buộc luật sư phải tố giác tội ác của thân chủ hay không? Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của các chuyên gia và bạn đọc trên những số báo tới.

Quyền giữ bí mật của luật sư một số nước

Hoa Kỳ: Luật sư phải bảo mật tất cả thông tin về khách hàng, bất kể nguồn thông tin đó có từ đâu.

Canada: Luật sư phải bảo mật tất cả thông tin liên quan đến việc kinh doanh và vụ việc của khách hàng mà luật sư biết được trong quan hệ nghề nghiệp và không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào ngoại trừ được khách hàng cho phép…

New Zealand: Luật sư phải bảo vệ và giữ bí mật tất cả thông tin liên quan đến khách hàng, thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng và việc kinh doanh và vụ việc của khách hàng mà luật sư biết được trong quá trình quan hệ nghề nghiệp với khách hàng. 

Nhật Bản: Luật sư không được phép tiết lộ thông tin của khách hàng. Tuy nhiên, nếu biết khách hàng đang chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng, luật sư được phép thông báo cho cơ quan chức năng sau khi đã làm hết các biện pháp khác mà không thể ngăn cản khách hàng…

Hoàn toàn phù hợp

Việc loại trừ trách nhiệm hình sự của người bào chữa trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc tham gia thực hiện hoàn toàn phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, với quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư và thực tiễn cuộc sống.

Một nguyên tắc quan trọng của nghề luật sư là luật sư không được làm xấu đi tình trạng pháp lý của thân chủ. Mặt khác, khi trao đổi, luật sư có thể được thân chủ tiết lộ thông tin nào đó liên quan đến việc phạm tội. Nhưng luật sư không trực tiếp chứng kiến hành vi phạm tội đó, không có điều kiện để đối chiếu lời khai của thân chủ với các bằng chứng khác để kết luận thân chủ chắc chắn đã thực hiện tội phạm đó hay không. Do đó, luật sư rất khó “biết rõ tội phạm” như quy định của dự thảo mà đi tố giác. Hơn nữa, xét ở góc độ xã hội, nếu luật sư đi tố giác thân chủ mình thì liệu còn có ai dám nhờ luật sư bảo vệ nữa.

Luật sư NGUYỄN VĂN CHIẾN,
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm