Chiếc áo và vị thế của luật sư

Ngày 25-10-2011, Liên đoàn LS Việt Nam có Công văn 277 gửi TAND Tối cao đề nghị tòa án các cấp nhắc nhở, giám sát các LS; chỉ chấp nhận các LS tham gia phiên tòa khi có mang trang phục thống nhất theo quy định trên. Thời điểm này, một số LS đã bày tỏ sự không đồng tình với cụm từ “chỉ chấp nhận”. Sau đó, TAND Tối cao có Văn bản 116 có nội dung các tòa lưu ý, nhắc nhở các LS mặc đúng trang phục thì hầu hết các LS đã chấp hành với suy nghĩ sẽ làm cho phiên tòa trang nghiêm hơn.

Ngày làm việc thứ năm (4-12) trong phiên tòa xét xử Vũ “nhôm” mới đây, HĐXX đã yêu cầu các LS phải mặc đồng phục theo quy định tại Công văn 277, nếu LS nào vi phạm sẽ xem xét, xử lý.

Sau sự kiện này, có ý kiến cho rằng Công văn 277 chứa nội dung trái pháp luật, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng, vi phạm hiến pháp. Thậm chí họ còn cho rằng quy định này là hạn chế quyền hành nghề của LS và hạ thấp vị trí, vai trò của LS, biến LS thành chủ thể lệ thuộc; phải có người nhắc nhở, giám sát việc ăn mặc.

Đồng phục của luật sư tại phiên tòa theo quy định: Ảnh: PL

Có người còn nói nếu Liên đoàn LS Việt Nam tiếp tục cái đà nhờ tòa án giải quyết việc nội bộ thì ắt sẽ có ngày HĐXX làm luôn việc xét biên lai đoàn phí LS trước khi xét xử. Rồi là Liên đoàn LS Việt Nam đã không tự quản để việc thực hiện chủ trương trên có hiệu quả mà phải nhờ đến tòa án can thiệp…

Vấn đề đặt ra là việc mặc đồng phục khi tham gia phiên tòa là một quy định của Liên đoàn LS Việt Nam ban hành theo Nghị quyết 12 ngày 27-2-2011 về trang phục LS khi tham gia phiên tòa của Hội đồng LS toàn quốc. Quy định này không phải cá nhân hay một số lãnh đạo của liên đoàn nào thích mà ban hành được. Còn việc Liên đoàn LS Việt Nam có Công văn 277 gửi TAND Tối cao là thể hiện sự phối hợp giữa hai cơ quan nên không thể nói là trái pháp luật.

Nếu lập luận như một số ý kiến trên thì khi ngành nào, cơ quan nào quy định việc mặc trang phục cũng là đều trái hiến pháp và pháp luật sao? Hiến pháp và pháp luật chỉ quy định tổ chức, hoạt động của mỗi cơ quan, chức năng, nhiệm vụ; còn việc trang phục như thế nào là do cơ quan, ngành đó quy định. Ví dụ, sĩ quan, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang mặc như thế nào, quân hàm, quân hiệu ra sao là do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định. Trang phục của kiểm sát viên là do VKSND Tối cao quy định, trang phục của thẩm phán là do TAND Tối cao quy định. Chẳng hạn, trước đây thẩm phán không mặc áo thụng mà bây giờ khi xét xử phải mặc áo thụng.

Theo đó, đã là LS của Việt Nam thì phải chấp hành nghị quyết của Hội đồng LS toàn quốc và của Ban Thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam. Nếu LS nào không chấp hành hoặc vi phạm thì bị nhắc nhở, thậm chí thi hành kỷ luật, nặng hơn nữa là thu hồi thẻ LS. Do đó, cần khẳng định rằng việc quy định LS phải mặc trang phục thống nhất tại phiên tòa là một quy định cần thiết.

Tuy nhiên, Công văn 277 có cụm từ đề nghị “chỉ chấp nhận” các LS tham gia phiên tòa khi có mặc trang phục thống nhất là chưa chuẩn, cần phải chỉnh sửa. Quy định này có nghĩa là nếu LS không mặc trang phục thống nhất của liên đoàn thì không được tham gia phiên tòa và đồng nghĩa với việc tước quyền bào chữa của LS. Nên chăng chỉ quy định chủ tọa phiên tòa nên nhắc nhở LS, nếu cần thì kiến nghị với đoàn LS mà LS đó là thành viên xem xét, xử lý theo quy định của điều lệ và Luật LS.

Do đó, Liên đoàn LS Việt Nam nên sửa nội dung này theo hướng chỉ quy định: “Nếu LS không mặc trang phục thống nhất theo quy định của Liên đoàn LS Việt Nam thì phải trình rõ lý do”. Vì Công văn 116 cũng chỉ yêu cầu các HĐXX “lưu ý, nhắc nhở các LS mặc đúng trang phục”.

Luật sư ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm