COVID-19 và những con số chẵn phải nhớ

Theo đó, nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ bị tạm dừng; việc di chuyển từ các nơi có dịch đến các địa phương khác bị giảm thiểu.

Cùng với đó, các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng bị tạm dừng. Việc tụ tập từ 10 người trở lên ở ngoài công sở, trường học, bệnh viện cũng không được phép. Tại các địa điểm công cộng, mọi người phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m…

Tính ra những con số mà mọi người đang phải nhớ toàn là số chẵn. Gồm có: Số 2 (hai tuần cao điểm chống dịch, 2 m khoảng cách tối thiểu), 20 (số người không được chấp nhận ở không gian kín) và 10 (số người không được chấp nhận ở không gian khác).

Rất dễ nhận ra các hạn chế nêu trên chỉ là một phần của những biện pháp khắc nghiệt mà từ mươi ngày trước nhiều nước ở châu Âu đã áp dụng để đối phó với dịch bệnh bùng phát mạnh.

Ngày 13-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch bệnh. Theo một đạo luật có liên quan thì với tuyên bố đó, Nhà Trắng có quyền ban bố thiết quân luật, giới hạn quyền tự do dân sự, quyền kiểm soát thương mại và chiếm giữ tài sản…

Ngày 18-3, Bỉ đã đóng cửa tất cả cửa hiệu, nhà hàng và cơ sở kinh doanh (trừ siêu thị, hiệu thuốc và ngân hàng). Người lao động nước này được yêu cầu làm việc tại nhà trừ khi các doanh nghiệp đảm bảo khoảng cách cần thiết giữa các nhân viên nếu để họ làm việc tại trụ sở.

Ngày 22-3, chính phủ Đức cấm tụ tập nhiều hơn hai người tại nơi công cộng. 

Ngày 23-3, chính phủ Hy Lạp công bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.

Cũng vào ngày 23-3, Thủ tướng Boris Johnson ra lệnh phong tỏa toàn bộ nước Anh trong ba tuần. Người dân nước này được yêu cầu chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết như để mua nhu yếu phẩm, tập thể dục một lần trong ngày, vì nhu cầu y tế, đi làm. Họ còn bị cấm gặp bạn, người thân, cấm tổ chức lễ cưới, cấm tụ tập quá hai người…

Ngày 27-3, chính phủ Pháp đã quyết định kéo dài thời gian phong tỏa cả nước thêm hai tuần…

Thông qua những thông tin được cập nhật hằng ngày gây nóng ruột, không khó suy đoán tại sao các nước phải ra các quyết sách nghiệt ngã đó. Mỹ đang có số ca nhiễm cao nhất thế giới. Anh có hơn 14.000 ca nhiễm với hơn 1.000 người chết. Pháp có gần 33.000 ca nhiễm với hơn 2.300 người chết...

Trong khi đó, Việt Nam tính đến thời điểm 6 giờ sáng hôm nay (30-3) đã có 195 ca nhiễm được công bố và thật may mắn, đến nay không có ca tử vong. Con số này thể hiện trong thời gian qua chính quyền đã có những nỗ lực, năng lực chống dịch rất tốt; đông đảo người dân đã có ý thức, trách nhiệm hợp tác triệt dịch rất tốt. Đến giờ, khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở toàn cầu; sự lây nhiễm trong cộng đồng, trong đội ngũ y tế, bệnh viện… ở trong nước đang tăng tốc, chính quyền lẫn người dân càng phải chung tay phòng, chống tốt hơn nữa.

Cụ thể, khi Thủ tướng xác định hai tuần này sẽ quyết định sự thất bại hay thành công của việc chống dịch COVID-19 và kèm theo đó là những hạn chế mới thì mọi người cứ phải tiếp tục thực hiện thật nghiêm “ai nơi nào ở yên chỗ đó”.

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ cho phép chính quyền ban bố các lệnh phong tỏa, tình trạng khẩn cấp dựa trên những tiêu chí quy định. Vấn đề là tiến triển dịch bệnh ở ta đang không đến mức lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người… nên các cơ quan có thẩm quyền không buộc phải ban bố như thế.

Vừa rồi UBND TP.HCM đã bác bỏ một thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội rằng TP.HCM sẽ phong tỏa trong 14 ngày kể từ ngày 28-3. Sau nữa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định hoàn toàn không có chuyện Hà Nội, TP.HCM hay một số thành phố lớn bị phong tỏa.

Cùng nhắc nhau lần nữa chính quyền và người dân luôn mong mỏi sớm khống chế dịch COVID-19 và không bao giờ muốn có sự vỡ trận dẫn đến những ràng buộc cứng rắn tựa như ở một số nước.

Vậy nên khi việc tránh ra đường, tránh tập trung đông người, hạn chế giao tiếp xã hội vẫn đang là cách thức chống dịch dễ làm nhất, hiệu quả nhất thì không lý gì mọi người lại không thực thi nghiêm. Hãy tin là khi từng người tích cực góp sức thì cả nước sẽ mau dập tắt dịch COVID-19 và mọi thứ sẽ nhanh chóng quay về với quỹ đạo bình thường vốn có.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm