Vụ ông Nguyễn Bắc Son: Đúng, sai ở 2 mức án

Đại án MobiFone mua cổ phần AVG gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 6.600 tỉ đồng vừa khép lại với hai mức án nổi cộm như thế.

HĐXX TAND TP Hà Nội đã đưa ra một số thông tin về việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của hai bị cáo trên. Với bị cáo Son thì là gia đình của bị cáo đã tự nguyện nộp lại hết số tiền nhận hối lộ. Qua đó cho thấy bị cáo đã thể hiện sự ăn năn hối cải nên tòa án không nhất thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình như đề nghị của VKS.

Phạm Nhật Vũ được phạt nhẹ đáng kể do đã khắc phục toàn bộ thiệt hại của vụ án. Vũ còn là doanh nhân có nhiều thành tích, hoạt động từ thiện, được nhiều tổ chức, cá nhân gửi đơn xin khoan hồng…

Bị cáo - cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son vừa lãnh án chung thân. Ảnh: TUYẾN PHAN

Các lý giải này đã giải đáp được phần nào những thắc mắc trước đó của dư luận. Bởi lẽ khi phi vụ đổ bể, nếu nhiều bị cáo sớm nộp hàng ngàn tỉ đồng để chuộc tội thì bị cáo Son vẫn chưa đóng đồng nào và gần ngày tuyên án chỉ mới trả lại gần 1/3 số tiền nhận hối lộ...

Lập tức tỉ lệ trên làm nhiều người nhớ đến một đặc ân mới dành cho nhóm tội tham nhũng. Đại loại là người phạm tội nhận hối lộ được giữ mạng sống nếu chịu nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ. Vậy là có ngay vô số dự đoán “phen này ổng chết chắc!”.

Thực ra hiện không có quy định nào về tỉ lệ khắc phục hậu quả đối với người đang chờ kết án tựa như bị cáo Son ở thời điểm VKS luận tội cả. BLHS 2015 (đã sửa đổi năm 2017) chỉ quy định tỉ lệ này đối với người đã bị kết án về tội nhận hối lộ và tham ô tài sản mà thôi.

Chính xác thì điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS quy định: “Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Có lẽ từ vụ án đình đám này các nhà làm luật nên định lượng luôn mức khắc phục hậu quả dành cho các trường hợp bị truy tố theo khung có mức tử hình để ai nấy dễ thực hiện. Tỉ lệ để được xem xét không bị kết án tử cũng có thể là 3/4 chẳng hạn. Song song đó, khi tiền nhận hối lộ được phát hiện lớn quá sức tưởng tượng, vượt rất xa con số 1 tỉ đồng đang được chọn thì khung hình phạt cao nhất cũng cần được tính lại cho sát với thực tế hơn. Có vậy mới bớt đi những đồn đoán hay những phán quyết khó phân định đúng, sai của các tòa khi “tha” cũng được mà “trảm” cũng xong.

Bị cáo - cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù về tội đưa hối lộ. Ảnh: ĐỨC MINH

Tội đưa hối lộ của bị cáo Phạm Nhật Vũ cũng có điều cần bàn thêm. Tổng số tiền phạm tội được phát hiện của Vũ càng cho thấy con số 1 tỉ đồng được dùng làm căn cứ quy định khung hình phạt cao nhất (12-20 năm tù) là hết sức lạc hậu. Rồi mức án phạt ba năm tù giam không chỉ dưới mức quy định quá đỗi mà còn có sự cách biệt khá xa so với những vụ án đưa hối lộ tương tự từng được xét xử.

Đơn cử là trường hợp của Ngô Anh Quốc (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma) liên quan đến vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty CP VN Pharma. Giống như Vũ, Quốc được các cơ quan tố tụng xác định là đã tự thú (chủ động khai báo hành vi đưa hối lộ trước khi bị phát giác).

Tuy nhiên, khác rất nhiều so với Vũ, Quốc bị cho là đã đưa hơn 10 tỉ đồng để chạy án, ít hơn Vũ gần 14 lần. Quốc còn từng được VKSND Tối cao đồng ý miễn trách nhiệm hình sự và có nhiều lần được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị miễn trách nhiệm hình sự nhưng các tòa án đã không đồng ý. Ở Vũ không hề có các đề nghị đáng lưu ý này.

Theo đó, làm sao Quốc và số đông dễ dàng chấp nhận được việc Vũ được xét hưởng chính sách hình sự đặc biệt (từ dùng của một lãnh đạo Bộ Công an, VKSND TP Hà Nội… chứ BLHS không có chữ nào quy định), còn Quốc thì bị năm năm tù, cao hơn Vũ hai năm?

Nhất định là tội đưa, nhận hối lộ cần được tiếp tục xem xét hoàn thiện để giảm thiểu sự tùy nghi, chủ quan từ chính các cơ quan giữ cán cân công lý. Trước mắt, những người có quyền, tiền cứ xem đại án MobiFone - AVG là lời răn đắt giá để không phạm tội vì sẽ có rất nhiều mất mát phải nhận lãnh chứ không chỉ là những đồng tiền đong đếm được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm