Luật vênh nhau, hồ bơi mắc kẹt

Căn cứ Luật Thể dục thể thao 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hồ bơi đủ điều kiện hoạt động thuộc Sở VH-TT&DL. Các điều kiện đó bao gồm: Đội ngũ nhân viên, cơ sở vật chất, nguồn tài chính (quy định chi tiết tại Thông tư 02/2011 của Bộ VH-TT&DL). Tuy quy định cấp phép hoạt động bể bơi không đề cập đến nhưng cần phải thấy cơ sở để Sở VH-TT&DL xác định bể bơi có đủ điều kiện hay không phải được căn cứ vào giấy phép xây dựng. Bởi lẽ hồ bơi rõ ràng là một công trình được xây dựng, chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng. Như vậy có sự bất cập trong quá trình Sở VH-TT&DL cấp giấy chứng nhận bể bơi đủ điều kiện hoạt động.

Cũng cần phân biệt: Không thể lấy giấy phép đủ điều kiện hoạt động của bể bơi để coi như việc xây dựng bể bơi ấy là đúng quy hoạch, là có đầy đủ giấy phép vì đó là hai lĩnh vực khác nhau.

Trong trường hợp này, căn cứ Nghị định số 180/2007 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị quy định), UBND TP Vũng Tàu vẫn có quyền xử lý vi phạm về lĩnh vực xây dựng, kể cả việc được ban hành quyết định cưỡng chế vi phạm xây dựng.

Việc Sở VH-TT&DL cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động chỉ có ý nghĩa khẳng định bể bơi đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực để hoạt động, không ảnh hưởng đến thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính công trình xây dựng không phép. Trong vụ việc này, có lỗi của doanh nghiệp là xây dựng không phép, bên cạnh đó là thiếu sự kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền.

Qua vụ việc này, các cơ quan chức năng có thể kiến nghị Bộ VH-TT&DL bổ sung rõ hơn thông tư hướng dẫn điều kiện để được cấp phép hoạt động kinh doanh bể bơi, tức là hồ bơi phải được xây dựng hợp pháp và được cấp giấy sở hữu công trình đúng quy định, tránh những phức tạp tương tự xảy ra.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm