Lý do kháng nghị vụ xe container tông Innova lùi trên cao tốc

Như đã đưa tin, ngày 21-11, lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ký quyết định kháng nghị theo trình tự giám đốc bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên vụ lùi xe trên cao tốc khiến bốn người tử vong.

Lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án lùi xe trên cao tốc khiến bốn người tử vong. Ảnh: TUYẾN PHAN

Theo quyết định kháng nghị, lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội yêu cầu Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên để điều tra, xét xử lại.

Kháng nghị cho rằng tòa án cấp phúc thẩm đã xác định lỗi vi phạm của Lê Ngọc Hoàng (tài xế ô tô đầu kéo container) là do không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật trên đường và không đảm bảo khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, để có đầy đủ căn cứ pháp lý cũng như khoa học nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan về hành vi vi phạm của tài xế Hoàng thì cần phải làm rõ thêm nhiều vấn đề.

Trong đó, cần làm rõ điểm va chạm đầu tiên của ô tô đầu kéo và ô tô Innova trên sơ đồ hiện trường, đây là căn cứ quan trọng để xác định khoảng cách giữa hai xe khi va chạm và khoảng cách khi tài xế Hoàng nhấn phanh nhằm xác định mức độ lỗi của các bên.

Làm rõ thời điểm ô tô đầu kéo mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình thì xe đang ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường, nguyên nhân mất tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình là gì.

Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thì thời gian mất tín hiệu là 52 giây, giả sử thời điểm mất tín hiệu là thời điểm xe ô tô đầu kéo và xe Innova đâm va thì theo phân tích khoa học, khoảng thời gian mất dữ liệu thì tốc độ xe đầu kéo là bao nhiêu?

Ngoài ra, cần lấy lại lời khai của tài xế Lê Ngọc Hoàng kết hợp với dấu vết trên sơ đồ hiện trường, bảng dữ liệu về tốc độ để xác định còn cách xe Innova bao nhiêu mét thì tài xế Hoàng rà phanh, định chuyển làn đường? Trước khi quyết định chuyển làn thì tài xế Hoàng có rà phanh, bật xinhan xin đường hay không. Khi tài xế Hoàng nhấn phanh chết thì khoảng cách từ ô tô đầu kéo đến xe Innova là bao nhiêu mét?

Cần làm rõ tốc độ của ô tô đầu kéo, trọng lượng của xe và khối lượng hàng chở trên xe, khi tài xế Hoàng nhấn phanh chết thì xe đầu kéo còn chạy thêm được bao nhiêu mét mới dừng hẳn.

Gia đình tài xế container Lê Ngọc Hoàng cho biết rất vui mừng khi biết được quyết định của lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội. Ảnh: TUYẾN PHAN

Bên cạnh đó, kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an thể hiện tại thời điểm va chạm giữa hai xe thì xe Innova đang hoạt động ở trạng thái chạy lùi. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa làm rõ tốc độ lùi của xe Innova, chưa xác định được khi xe Innova bắt đầu lùi thì xe đang ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường, lùi được bao nhiêu thời gian thì bị đâm, khi bị đâm thì xe Innova đang ở làn đường nào, vị trí của xe so với chiều dài làn đường là thẳng hay chếch?...

Trong một diễn biến khác, chị Vũ Thị Thúy (vợ tài xế Lê Ngọc Hoàng) cho biết sau khi nhận được thông tin lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội ký quyết định kháng nghị vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, gia đình chị vô cùng vui mừng.

Cũng theo chị Thúy, dù chưa biết kết quả vụ án liên quan tới chồng mình sẽ như thế nào nhưng chị và gia đình muốn gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội vì đã lắng nghe ý kiến của chồng mình và gia đình.

Vợ tài xế container cũng cảm ơn những đồng nghiệp của chồng, các luật sư và người dân đã đồng hành, hỗ trợ gia đình suốt thời gian qua.

Thủ tục giám đốc thẩm diễn ra như thế nào?

Theo quy định tại BLTTHS năm 2015, bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ: Kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa. Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị.

Thẩm quyền giám đốc thẩm: Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao giám đốc thẩm bằng HĐXX gồm ba thẩm phán đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.

Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao giám đốc thẩm bằng HĐXX gồm ba Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết thông qua thì Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao sẽ giám đốc thẩm.

Khi xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao thì phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia, do chánh án TAND Cấp cao làm chủ tọa phiên tòa.

Quyết định của Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa số thành viên của Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.

Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm gồm: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của tòa án cấp sơ thẩm hoặc tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm