Mời luật sư đến vùng dịch Quảng Nam dự cung

Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) TBH thuộc Đoàn LS TP.HCM cho biết ông là LS bào chữa cho bị can NVT, người bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào ngày 22-1.

Mời luật sư từ TP.HCM đến Quảng Nam

Ngày 17-8, cơ quan điều tra (CQĐT) có thông báo gửi LS H. (sống ở TP.HCM) qua tin nhắn điện thoại, mời tham dự buổi hỏi cung đối với bị can T. diễn ra vào hôm nay (20-8) tại trại tạm giam công an tỉnh.

LS H. cho rằng việc CQĐT thông báo cho người bào chữa về việc tiến hành hoạt động điều tra trong lúc tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại vùng dịch Quảng Nam sẽ gây khó khăn cho ông.

Cũng theo LS H., việc ông di chuyển đến vùng dịch dự cung và sau đó quay trở lại TP.HCM có thể sẽ bị cách ly tập trung hoặc phải tự cách ly tại nhà. Nếu việc này xảy ra, ông sẽ phải tạm dừng các công việc để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch. Mặt khác, việc CQĐT thông báo cho LS biết chỉ ba ngày trước khi buổi hỏi cung diễn ra là quá ngắn, việc di chuyển đến Quảng Nam là rất khó khăn.

Vì vậy, LS H. cho biết ông mong muốn CQĐT thay đổi lịch dự cung vào một thời điểm thích hợp để tránh dịch bệnh. “Việc mời dự cung trong thời điểm này vô tình gây khó khăn cho người bào chữa và không phù hợp với chỉ thị của Thủ tướng về phòng, chống dịch bệnh COVID-19” - LS H. nói.

Để tìm hiểu vụ việc, ngày 19-8, PV đã liên hệ qua điện thoại với điều tra viên H., người trực tiếp giải quyết vụ án và ký thông báo mời ls dự cung. Ông H. nói: “Nếu như anh cần thông tin gì để viết bài thì đề nghị anh đến trực tiếp chỗ đơn vị, liên hệ lãnh đạo sẽ trả lời anh hoặc anh có công văn thì mới trả lời được…”.

Vấn đề nhiều người quan tâm là CQĐT mời LS dự cung trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Quảng Nam để dự cung có đúng luật và có nên hay không.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Quảng Nam vẫn diễn biến phức tạp, hình ảnh một nơi bị phong tỏa tại huyện Thăng Bình. Ảnh: THANH NHẬT

Luật chưa dự liệu tình huống này

ThS Võ Văn Tài, Phó Trưởng Khoa kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM, cho rằng việc này không vi phạm quy định hiện hành. Bởi vì khi đã ký hợp đồng nhận bào chữa và đăng ký thủ tục bào chữa cho bị can thì LS có trách nhiệm phải thực hiện các quy định theo pháp luật, trong đó có việc dự cung các buổi hỏi cung mà CQĐT tiến hành.

Thời hạn điều tra theo quy định của BLTTHS quy định rõ: Tội ít nghiêm trọng là không quá hai tháng, tội nghiêm trọng không quá ba tháng, tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng không quá bốn tháng (có thể gia hạn thêm tùy vụ án). Vì vậy, nếu thấy việc mời dự cung trong bối cảnh COVID-19 tại Quảng Nam đang phức tạp, gây bất lợi thì LS có thể làm văn bản đề nghị CQĐT dời buổi hỏi cung vào một thời điểm thích hợp.

ThS Tài nói: “Luật không có điều khoản nào cho phép rằng nếu có dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt,… thì tạm ngưng việc điều tra. Vì thế, điều tra viên không tạm dừng hoạt động điều tra vì những lý do trên. Do đó, việc CQĐT tiến hành buổi hỏi cung là để đảm bảo đúng thời hạn điều tra, tuân thủ quy định của BLTTHS. Việc này là phù hợp và đúng luật”.

Đồng tình, TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng tình huống CQĐT thông báo cho LS tham gia dự cung là theo đúng quy định tại Điều 183 BLTTHS (về hỏi cung bị can).

Vấn đề cần bàn trong vụ này là tỉnh Quảng Nam đang được xác định là vùng dịch COVID-19. Vì thế LS khó có thể tham gia dự cung vì không thể vào vùng dịch hoặc nếu có vào thì cũng phải cách ly khi ra khỏi vùng dịch.

Điều này cản trở rất nhiều đến quyền có người bào chữa của người bị buộc tội. Trong khi luật tố tụng hình sự không quy định trường hợp hoãn việc hỏi cung bị can do người bào chữa không thể tham dự được do bị dịch bệnh.

Nói cách khác, theo quy định hiện hành thì tình hình dịch bệnh không phải là yếu tố để hoãn việc hỏi cung và kéo dài thời gian điều tra. Do đó, về lâu dài cần nghiên cứu bổ sung vào BLTTHS trường hợp này và kéo dài thời hạn điều tra do dịch bệnh hoặc tình huống đặc biệt khác... Khi chưa sửa BLTTHS thì cần phải tuân thủ các quy định hiện hành.

Cần thương lượng để đảm bảo quyền lợi các bên

Do bị giới hạn bởi quy định của pháp luật nên trong tình huống này giữa LS và người bị buộc tội cần thương lượng để đảm bảo quyền lợi của các bên. Bởi việc tham gia bảo vệ quyền lợi người bị buộc tội của LS trong vụ án là mối quan hệ dân sự giữa người bị buộc tội và LS.

Do đó, trong hoàn cảnh dịch COVID-19, các bên có thể thương lượng sao cho thỏa đáng để đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia quan hệ dân sự này. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được giữa người bị buộc tội và LS thì có thể chấm dứt hợp đồng và người bị buộc tội có thể mời LS khác tham gia bảo vệ cho người bị buộc tội. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm