Một quan chức có dấu hiệu can thiệp hoạt động xét xử

Ngày 11-6, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào Gia Lai công bố quyết định kiểm tra theo đơn tố cáo đối với ông Đặng Phan Chung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Gia Lai.

Bị tố can thiệp vào hoạt động xét xử

Ông Chung bị tố cáo đã can thiệp vào hoạt động xét xử của tòa án liên quan đến Doanh nghiệp (DN) tư nhân Phú Lợi (72 Tăng Bạt Hổ, TP Pleiku, Gia Lai) do ông Nguyễn Viết Chín làm chủ.

Trước đó, Tỉnh ủy Gia Lai đã từng ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Đặng Phan Chung. Tuy nhiên, sau đó ông Nguyễn Viết Chín, chủ DN Phú Lợi, tiếp tục khiếu nại lên Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Cụ thể, ngày 3-4-2018, TAND TP Pleiku xử sơ thẩm vụ DN Phú Lợi kiện đòi BIDV bồi thường 117 tỉ đồng và tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện.

Hơn một tháng sau, ngày 18-5-2018, ông Chung thay mặt Thường trực HĐND tỉnh ký văn bản gửi TAND tỉnh Gia Lai. Văn bản có nội dung: “Xét thấy vụ việc phức tạp, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổ chức phiên giải trình về nội dung này”.

Ông Chung thay mặt Thường trực HĐND tỉnh đề nghị TAND tỉnh cung cấp bản sao toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ thẩm, Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh và lãnh đạo TAND TP Pleiku báo cáo quan điểm giải quyết vụ án.

Ngoài ra, ông Chung còn đề nghị tòa án yêu cầu thẩm phán Ngô Thanh Quảng, chủ tọa phiên tòa trên, phải viết bản giải trình.

Sau công văn do ông Chung ký, ngày 29-8-2018, TAND tỉnh xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP Pleiku, chuyển hồ sơ cho tòa này giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Sau Công văn 537 do ông Chung ký, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có Công văn 107 (ngày 16-5-2018) yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến quá trình giải quyết vụ án trong giai đoạn sơ thẩm.

Theo một cán bộ Tỉnh ủy Gia Lai, về nguyên tắc, tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. “Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân không được can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán dưới bất kỳ hình thức nào” - vị này nói.

Ông Đặng Phan Chung. Ảnh: NAM PHONG

Phó chủ tịch HĐND tỉnh nói gì?

Ngày 11-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Chung cho biết ông được quyền yêu cầu TAND tỉnh cung cấp hồ sơ, thông tin để đối chiếu. Ông Chung dẫn Nghị quyết số 77/NQ-HĐND (ngày 7-2-2017) của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai ban hành quy chế hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2020.

“Trong đó, Điều 6 của quy chế về nhiệm vụ, quyền hạn của phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh là được “chỉ đạo, theo dõi các công việc theo thẩm quyền trong lĩnh vực kinh tế và ngân sách, lĩnh vực pháp chế… Trực tiếp chỉ đạo công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân gửi đến Thường trực HĐND tỉnh”. Mình làm theo quy chế” - ông Chung nói.

Về việc HĐND tỉnh có được quyền yêu cầu thẩm phán Ngô Thanh Quảng viết bản giải trình, ông Chung trình bày: “Cái này tôi yêu cầu TAND tỉnh họ làm, chứ tôi không trực tiếp yêu cầu ông Quảng viết bản giải trình. Nếu TAND tỉnh họ thấy đúng thì họ làm, thấy không đúng thì thôi”.

Đồng thời, ông Chung cho biết ông được quyền ký văn bản thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, ký thay Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Dương Văn Trang (nay giữ chức bí thư Tỉnh ủy Kon Tum) để gửi TAND tỉnh Gia Lai.

Bởi theo ông Chung, ở HĐND tỉnh Gia Lai ông là chính, vì ông Dương Văn Trang (nguyên Bí thư Tỉnh ủy) chỉ là kiêm nhiệm. “Công việc tôi làm hết, từ đề xuất, mà muốn đề xuất gì thì mình phải chủ động trong công việc” - ông Chung giãi bày.

Được biết, trước khi giữ chức phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Gia Lai, ông Chung là chánh án TAND tỉnh Gia Lai.

Diễn biến vụ kiện

Năm 2015, DN Phú Lợi có ký hợp đồng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Nam Gia Lai để thế chấp số hàng hóa sắn lát chứa trong kho ở huyện Ia Grai (Gia Lai) vay vốn kinh doanh.

Trọng lượng hàng trong kho là 20.000 tấn sắn lát khô, theo cách tạm tính của BIDV là 88 tỉ đồng. Sau khi ký kết, BIDV Nam Gia Lai yêu cầu DN Phú Lợi giao toàn bộ kho hàng để họ cầm giữ, quản lý.

Ngân hàng yêu cầu giao chìa khóa cho ngân hàng giữ và kể từ khi bàn giao, DN Phú Lợi không được tiếp cận để thực hiện các công việc cần thiết nhằm quản lý kho hàng.

Tháng 3-2016, kho hàng bị cháy toàn bộ. Trong kho có hơn 22.000 tấn sắn lát, giá trị lô hàng là hơn 105 tỉ đồng (tương đương 4,7 triệu USD).

Sau khi kho hàng bị cháy, DN nhiều lần yêu cầu BIDV phối hợp giải quyết hoặc bồi thường thiệt hại nhưng BIDV bỏ mặc thiệt hại xảy ra. DN Phú Lợi phải trả lãi cho khoản tiền vay từ lô hàng cháy nói trên.

Sau đó, DN khởi kiện vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản ra TAND TP Pleiku, yêu cầu BIDV phải bồi thường 117 tỉ đồng (hàng hóa, nhà kho, tiền lãi).

Ngày 3-4-2018, TAND TP Pleiku ra bản án sơ thẩm tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của DN Phú Lợi về việc yêu cầu bồi thường về tài sản.

Đồng thời, tòa buộc BIDV (đại diện theo ủy quyền là BIDV Chi nhánh Nam Gia Lai tại tòa) phải bồi thường cho DN Phú Lợi 115 tỉ đồng.

Sau khi có công văn của ông Đặng Phan Chung ký, TAND tỉnh Gia Lai xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm