Muốn chủ tịch phường trả con thì phải kiện

Sự việc một số người dân đến nhà bà H., nữ chủ tịch UBND một phường ở TP Cà Mau (Cà Mau), quỳ gối để mong được xin lại bé gái đang thu hút sự chú ý của dư luận. Vậy những người dân tự xưng là người nhà cháu bé và bà chủ tịch phường cần phải làm gì để thực hiện quyền của mình và đảm bảo quyền cho cháu bé?

Khởi kiện ra tòa

Theo đó, ngày 1-1, người dân trong con hẻm thuộc khóm 5, phường 9, TP Cà Mau phát hiện một bé gái còn dây rốn bị bỏ rơi trong một chiếc cặp. Thấy vậy bà H. mang cháu bé về nuôi dưỡng và làm thủ tục nhận con nuôi theo quy định. Sau đó có nhiều người xưng là cha mẹ, ông bà nội của bé gái đến gặp bà H. van xin cho nhận lại bé nhưng bà H. chưa đồng ý giao.

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: “Phải chăng vì bà H. là chủ tịch phường nên một số người đến nhà quỳ lạy để gây áp lực buộc bà phải giao cháu bé? Bởi sẽ có người cho rằng chẳng lẽ cán bộ lại đi tranh chấp con nhưng người dân chưa có cơ sở để đòi con”.

Theo một thẩm phán chuyên xét xử án hôn nhân gia đình thuộc một quận của TAND TP.HCM, do các bên có tranh chấp về cháu bé nên không có cách nào khác là phải khởi kiện ra tòa. Bởi theo lời bà H. thì trước đó cũng có người từng đến đòi con và cũng không ai biết được những người này có thực sự là cha mẹ ruột của cháu bé hay không.

Cơ sở của việc yêu cầu nhận con là Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình: “Người không được nhận là cha mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình”. Hồ sơ khởi kiện gồm có: Đơn yêu cầu xác nhận cha mẹ cho con; giấy tờ tùy thân của người có yêu cầu (CMND, sổ hộ khẩu bản sao chứng thực…).

Sau khi tòa án thụ lý vụ việc sẽ ra quyết định giám định. Lúc này các bên sẽ cầm quyết định đó đến cơ quan chuyên môn có thẩm quyền để làm những thủ tục cần thiết giám định ADN. Khi có kết quả giám định ADN, tòa sẽ căn cứ vào đó để tuyên bố người yêu cầu có phải là cha mẹ ruột của cháu bé hay không.

Bà H. (trái) cho rằng bà thương yêu cháu bé như con đẻ. Ảnh: T.VŨ

Không nên vội giao cháu bé cho người lạ

Cũng theo vị thẩm phán, trong thời gian này khi chưa biết cha mẹ ruột của cháu bé là ai và cũng là để đảm bảo an toàn thì bà H. không nên tự ý trao cháu bé cho những người này.

Ngoài ra cho dù sau đó tòa xác định ai là cha mẹ ruột của cháu bé thì cũng không ảnh hưởng đến việc bà H. tiếp tục nuôi cháu bé. Bởi lẽ theo Điều 25 Luật Nuôi con nuôi thì chỉ có thể chấm dứt việc bà chủ tịch nhận nuôi con nuôi khi con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi. Hoặc chấm dứt khi cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi…

TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: “Tôi cho rằng công an cần phải mời những người dân đến nhà bà chủ tịch rồi quỳ lạy về làm việc để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ rồi hướng dẫn họ khởi kiện ra tòa theo luật”.

Tuy nhiên vì lợi ích của đứa trẻ, tốt nhất các bên nên ngồi lại với nhau xem ai có điều kiện tài chính và môi trường sống tốt hơn thì nuôi dưỡng, giáo dục. Hoặc hai bên cũng có thể cùng nhau chăm sóc cháu bé chứ không nhất thiết cứ phải người này hoặc người kia giành nuôi. Việc cứ giành qua giành lại sẽ dễ gây tổn thương về mặt tâm sinh lý của cháu bé sau này.

Một vụ tòa tuyên chấm dứt việc nuôi con nuôi

Năm 2016, TAND một quận của TP.HCM từng ra quyết định giải quyết việc dân sự giữa vợ chồng ông Q. với vợ chồng ông H. sau khi cả hai bên đều yêu cầu tòa chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với cháu D. (sinh năm 2002).

Cụ thể, năm 2014, vợ chồng ông Q. là cha mẹ đẻ của cháu D. ly hôn. Vì vậy năm 2015, vợ chồng ông H. đã nhận cháu D. làm con nuôi để chăm sóc và nuôi dưỡng. Sau một thời gian chung sống với cha mẹ nuôi, cháu D. muốn trở về sống với mẹ ruột nên các bên đã yêu cầu. Từ đó TAND này chấp nhận yêu cầu của các bên về việc chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với cháu D. Đồng thời tòa chấm dứt các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ nuôi với con nuôi giữa vợ chồng ông H. đối với cháu D.

NGÂN NGA

Lý lẽ của hai bên

Chiều 25-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà H. (nữ chủ tịch phường) nói: “Tôi chỉ giao lại con nuôi của tôi cho họ khi nhìn thấy rõ gia đình bên đó là một nơi khiến con tôi được nuôi nấng đầy đủ, sống hạnh phúc. Tất nhiên là trước hết họ phải chứng minh tính pháp lý là ruột thịt với cháu bé”. Cũng theo bà H., việc xét nghiệm ADN (nếu có) phải đúng quy trình chứ không phải tự họ qua lấy mẫu đi xét nghiệm. Theo pháp lý, đứa bé hiện giờ là con nuôi của bà và người mẹ nào cũng mong muốn con mình được nuôi dưỡng trong một môi trường tốt nhất.

Trong khi bà T., được cho là bà nội cháu bé, cho biết: “Việc xét nghiệm ADN chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi đang nhờ cơ quan chức năng, những người hiểu biết chỉ dẫn để xét nghiệm ADN. Còn việc cha mẹ ruột cháu bé (anh N. và chị K. - PV) có kết hôn hay không là việc khác. Với tư cách là bà nội ruột, tôi nghĩ cần yêu thương, lo lắng cho bé”. Theo trình bày của bà thì cha mẹ cháu bé là anh N. và chị K. sống như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn. Sau đó chị K. sinh con tại BV TP Cà Mau nhưng mâu thuẫn với anh N., vì thế chị K. đã nhờ anh ruột chở đi bỏ con.

TRẦN VŨ ghi 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...