Muốn trị thực phẩm bẩn nhưng lại sửa luật nhẹ hơn!

Tại phiên làm việc ngày 20-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015. Đáng chú ý, có rất nhiều ý kiến bàn luận quanh việc sửa đổi tội danh vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) mà Điều 317 BLHS 2015 đã quy định.

“Chưa có hậu quả mà đã xử hình sự là quá nặng”

Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ: Có ý kiến cho rằng tội vi phạm quy định về ATTP (Điều 317 BLHS 2015) cần bổ sung định lượng để tránh việc xử lý hình sự quá rộng. Ý kiến khác đề nghị không sửa điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATTP đang xảy ra phổ biến hiện nay.

“Ủy ban Tư pháp nhận thấy điểm a, b và c khoản 1 Điều 317 quy định cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi, chưa cần có hậu quả trên thực tế đã xử lý hình sự là quá nặng. Thời gian qua dư luận xã hội bức xúc với thực trạng mất vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, để xảy ra thực trạng này có nguyên nhân không nhỏ từ quản lý nhà nước và xử phạt hành chính chưa nghiêm. Nếu làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước và tăng cường hiệu quả xử lý hành chính thì sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng này” - bà Nga nói.

Cũng theo bà Nga, việc xử lý hình sự phải tránh tràn lan, cần tập trung vào các đối tượng cố ý vi phạm quy định về ATTP nhằm thu lợi bất chính lớn hoặc gây hậu quả trên diện rộng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Đối với các hộ nông dân, hộ buôn bán nhỏ lẻ, do thiếu hiểu biết mà vi phạm thì chỉ nên xử lý hình sự sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói nên giữ nguyên tội vi phạm về ATTP như BLHS 2015. Ảnh: TRỌNG PHÚ

“Viết như dự thảo thì không xử được ai”

Cho ý kiến về nội dung dự thảo của điều luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng vệ sinh ATTP đang là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay. “Vừa qua Quốc hội quyết định phải giám sát tối cao về vấn đề vệ sinh ATTP. Qua giám sát thấy tình hình vệ sinh ATTP nói chung đã ở mức độ báo động, có một số địa phương đã đến giới hạn đỏ” - ông Hiển nhấn mạnh.

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Hiển thông tin hai vụ ngộ độc lớn gần đây ở Lai Châu và Hà Giang đều có hậu quả nghiêm trọng về người. Trong đó, vụ ở Lai Châu với tám người tử vong, rất nhiều người nhập viện; vụ thứ hai ở Hà Giang có hơn 60 người ngộ độc phải cấp cứu.

“Qua đi giám sát chúng tôi thấy tình hình vi phạm vệ sinh ATTP diễn biến phức tạp. Nó là mối quan hệ chặt chẽ từ khâu đầu đến khâu cuối, từ môi trường, sản xuất… đến vận chuyển, tiêu thụ. Tất cả công đoạn trên đều có vi phạm ở mức độ cao và có nhiều vụ việc nghiêm trọng” - ông Hiển nói.

Từ đó, ông Hiển phân tích quy định Điều 317 như dự thảo đưa ra là “đang đi theo hướng giảm nhẹ” và “có những quy định khó xử lý về mặt hình sự” đối với các vi phạm về ATTP. “Tính ra số ngộ độc thực phẩm là hàng ngàn vụ, số người chết 165 người/năm năm. Nhưng số người mắc bệnh thì rất lớn, chẳng hạn như bệnh ung thư. Có đại biểu Quốc hội khóa XIII từng nói đường từ dạ dày đến nghĩa địa nhanh nhất... Chúng ta cần giữ nguyên khoản 1 Điều 317 BLHS 2015. Còn viết như dự thảo thì không xử được ai” - ông Hiển ý kiến.

Xử hình sự nếu bị phạt hành chính mà còn tái phạm

Cùng nội dung, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu trước đây việc bán phở có formaldehyde ở Hà Nội, lực lượng bắt được rất nhiều nhưng khi khởi tố vụ án thì không chứng minh được hậu quả do formaldehyde gây ra. Bởi vì ăn phở có chất này phải 5-10 năm sau mới lãnh hậu quả.

“Quy định hành vi vi phạm ATTP phải làm giảm sức khỏe 30%-60% mới xử lý là không chứng minh được. Bánh phở có formaldehyde mà ăn trong thời gian đầu thì không phải một người mà hàng ngàn người bị. Từ đó thấy câu chuyện chứng minh hậu quả sức khỏe bị tổn hại 30%-60% là rất khó khăn” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần phải cân nhắc việc xử lý vi phạm quy định về ATTP để xử lý hành chính hay hình sự. Theo ông Lưu, cần sửa theo hướng chỉ nên xử lý hình sự đối với trường hợp sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà vẫn vi phạm.

Chỉ cần vi phạm là xử, không cần hậu quả

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về ATTP thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm…

(Ðiều 317 BLHS 2015)

Thu lợi lớn hoặc gây hậu quả mới xử

Dự thảo Điều 317 về tội danh nói trên đưa ra hai phương án. Trong đó, phương án 1 quy định phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ một đến năm năm đối với những người thực hiện hành vi vi phạm về ATTP mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 120%; hoặc đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

(Trích phương án 1 khi sửa đổi Điều 317 BLHS 2015)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm