Nên giao Bộ Tư pháp bồi thường cho người bị oan?

“Ở đây có một nguyên nhân là chúng ta giao cho chính cơ quan làm oan đi bồi thường. Mặcdù có chấn chỉnh nọ kia nhưng tính cố chấp của các cơ quan quyền lực khi làm sai là người ta cố tình trì hoãn, dây dưa, gây khó khăn”.

Từ đó, ông Quyền cho rằng đã đến lúc phải thay đổi mô hình bồi thường oan, tức giao cho một cơ quan khác khách quan hơn, công khai, minh bạch hơn bởi cơ quan nào thì cũng đều dùng ngân sách chi trả cả. Chẳng hạn giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan không tiến hành tố tụng nhưng thay mặt Nhà nước đứng ra bồi thường cho người bị oan.

Ông Nguyễn Đình Quyền trả lời báo chí. Ảnh: L.PHI

Trước dư luận cho rằng cá nhân cán bộ tố tụng làm oan nhưng Nhà nước lại phải dùng tiền ngân sách để bồi thường là không hợp lý, ông Quyền cho biết về nguyên tắc thì Nhà nước phải bồi thường. Không bao giờ có việc bồi thường tay đôi giữa công chức với người bị oan cả. Công chức chỉ phải bồi hoàn lại nếu có lỗi cố ý gây ra thiệt hại. “Lỗi cố ý là mình học ở các nước. Pháp luật các nước quy định nếu chứng minh rằng công chức hoàn toàn mẫn cán, vô tư mà để xảy ra sai phạm thì Nhà nước bồi thường. Và người công chức đó, đặc biệt là công chức tư pháp bị loại trừ hoàn toàn trách nhiệm bồi thường. Ở các nước tiên tiến, thẩm phán, công tố viên được loại trừ trách nhiệm bồi thường về vật chất để hoàn toàn không bị một sức ép gì trong việc thực thi nhiệm vụ. Chỉ khi chứng minh được họ có lỗi cố ý thì họ mới phải bồi thường” - ông Quyền nói.

Ông Quyền cũng nhận xét rất khó xác định lỗi cố ý và vô ý của công chức bởi vì “người ta luôn đổ do năng lực hạn chế”. Việc làm oan có thực sự do năng lực hạn chế hay do tinh thần trách nhiệm hoặc thậm chí do tiêu cực, cố ý thì cái đó chứng minh trong tố tụng hình sự rất là khó.

Tuy nhiên, ông Quyền cũng cho rằng nước ta cần phải nghiên cứu lại là có nên quy định như thế hay không bởi dùng tiền ngân sách thì chính người dân bị thiệt hại. Mặt khác, muốn Nhà nước không phải lấy ngân sách bồi thường thì phải chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, thanh - kiểm tra, kỷ luật... của cả bộ máy nhà nước. “Tại sao ở các nước thì việc bồi thường thiệt hại do công chức gây ra rất ít. Bởi vì công tác tuyển dụng cán bộ của người ta chặt chẽ, người ta tuyển dụng được người xứng đáng vào vị trí công tác đó, đủ năng lực, đủ trách nhiệm, đủ phẩm chất để thực hiện nhiệm vụ” - ông Quyền nói.

Về án oan cụ thể của ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Quyền cho rằng nếu sau này phát hiện ra những cán bộ làm oan có lỗi cố ý gây thiệt hại thì họ sẽ phải bồi hoàn khoản tiền mà ngân sách phải bỏ ra bồi thường cho ông Chấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm