Ngân hàng bán tài sản bảo đảm khi tòa đang thụ lý

Bà Võ Thị Cẩm Hồng (ngụ TP Cần Thơ) có đơn phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM về việc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Chi nhánh Cần Thơ tự ý bán đấu giá tài sản trái pháp luật.

Bảo lãnh vay bằng sáu thửa đất

Theo đơn, bà Hồng cho biết bà đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất gồm sáu thửa, tổng diện tích hơn 21.500 m2 ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Năm 2011, bà ký với ngân hàng hợp đồng thế chấp tài sản để bảo lãnh cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tín Nghĩa (gọi tắt là Công ty Tín Nghĩa) vay 3 tỉ đồng.

Ngày 30-5-2012, Techcombank khởi kiện tại TAND quận Bình Thủy, Cần Thơ đề nghị tòa buộc Công ty Tín Nghĩa trả nợ (tạm tính đến ngày 20-4-2012) hơn 9,9 tỉ đồng.

Bà Hồng được tòa xác định là người liên quan. Năm 2017, bà Hồng đã có đơn yêu cầu độc lập kiện Công ty Tín Nghĩa để đòi số nợ. Yêu cầu này của bà đã được tòa thụ lý, cho đóng tạm ứng án phí.

Khi tòa đang thụ lý giải quyết vụ án thì ngày 11-6-2019, ngân hàng có đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện liên quan đến sáu thửa đất thế chấp của bà Hồng.

Trong khi tòa chưa có văn bản nào trả lời yêu cầu này của ngân hàng thì ngân hàng đem sáu thửa đất của bà đi bán đấu giá, xử lý nợ theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

“Tài sản của tôi theo giá thị trường tại thời điểm bị ngân hàng đem bán có giá hơn 10 tỉ đồng nhưng không biết căn cứ vào đâu lại ra giá khởi điểm hơn 3,7 tỉ đồng. Giá rẻ như vậy nhưng chỉ có hai người đăng ký đấu giá và người trúng là ông DTH mua được với giá cao hơn khởi điểm 5 triệu đồng sau đúng một lần ra giá. Hơn nữa, theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội thì nếu ngân hàng muốn bán tài sản của tôi thì tài sản phải không có tranh chấp. Ngân hàng phải thông báo cho tôi biết để thực hiện quyền mua lại tài sản nhưng ngân hàng đã không thông báo” - bà Hồng trình bày trong đơn.

Bà Võ Thị Cẩm Hồng trình bày về vụ việc của mình. 
Ảnh: NHẪN NAM

Tòa: Sẽ tách vụ án, xem xét việc bán đấu giá

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND quận Bình Thủy (Cần Thơ) Phùng Kim Toan cho biết: Năm 2012, Techcombank có đơn khởi kiện như trên. Do án phức tạp, liên quan phần đất đã bị thu hồi, có yếu tố nước ngoài nên TAND quận Bình Thủy đã chuyển hồ sơ lên TAND TP Cần Thơ. Sau đó, hai cấp tòa đã chuyển hồ sơ lên xuống nhiều lần vì những đánh giá khác nhau về tính phức tạp của hồ sơ. Sau cùng, hồ sơ chuyển về TAND quận Bình Thủy thụ lý giải quyết vì theo TAND TP Cần Thơ thì vụ án không phức tạp…

Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2016, TAND quận Bình Thủy chuyển hồ sơ qua Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ, đề nghị xem xét dấu hiệu lừa đảo của giám đốc Công ty Tín Nghĩa. Sau đó, cơ quan điều tra xác định không có dấu hiệu tội phạm do không chứng minh được có yếu tố lừa đảo khi ký hợp đồng chuyển nhượng nên chuyển hồ sơ lại cho tòa tiếp tục giải quyết.

Năm 2017, bà Hồng có đơn yêu cầu độc lập, yêu cầu hủy hợp đồng bảo lãnh vì khi ký hợp đồng, phía ngân hàng không xuống phần đất để thẩm tra xác minh trên thực địa. Cạnh đó, về hình thức, hợp đồng không được ký giáp lai.

Năm 2019, ngân hàng có đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện là rút phần thế chấp sáu thửa đất của bà Hồng để tự thương lượng với nhau.

“Tuy nhiên, các hợp đồng tín dụng không nêu rõ sáu phần đất này thế chấp bảo lãnh trên tổng số tiền là bao nhiêu, cho khoản nợ nào trong tổng số tiền ngân hàng yêu cầu Công ty Tín Nghĩa trả. Do đó, tòa chưa đình chỉ phần yêu cầu khởi kiện mà ngân hàng đã xin rút. Ngân hàng cho rằng tài sản này không có tranh chấp vì ngân hàng khởi kiện nhưng đã rút rồi. Tuy quyền khởi kiện là của đương sự nhưng muốn kết thúc vụ kiện thì phải có một quyết định hoặc bản án có hiệu lực của tòa” - Chánh án TAND quận Bình Thủy Phùng Kim Toan cho hay.

Đầu năm 2020, phía ngân hàng đã phát mại tài sản là sáu thửa đất của bà Hồng. Ông DTH là người trúng đấu giá tài sản và đã được sang tên tài sản.

Theo bà Toan, tòa sẽ tách yêu cầu độc lập của bà Hồng với khoảng 10 người liên quan thành hai vụ án. Vụ của bà Hồng chỉ liên quan đến tài sản của bà Hồng nên không bị đan xen những người khác. Vụ này ngân hàng có đơn rút yêu cầu nhưng tòa vẫn chưa có ý kiến. Khi tòa đưa vụ án ra xét xử mà ngân hàng vẫn giữ nguyên việc rút một phần yêu cầu khởi kiện thì tòa lập biên bản về việc này và chuyển bà Hồng thành nguyên đơn vì bà có yêu cầu độc lập.

Chánh án TAND quận Bình Thủy Phùng Kim Toan cho biết: Phần đất ở quận Thốt Nốt, tòa sẽ ủy thác để thu thập chứng cứ về hiện trạng và giá trị để xem xét các hợp đồng có tiếp tục hay như thế nào để xử lý theo quy định. Tòa cũng đưa ông DTH vào tham gia tố tụng với tư cách người liên quan; từ đó xét việc đấu giá đúng hay sai, có bồi thường hay không…

“Tòa sẽ phán quyết việc bán đấu giá là đúng hay sai. Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội đã quy định rằng không có tranh chấp thì mới được bán” - bà Toan khẳng định.•

 

Ý kiến của Techcombank

Trao đổi với PV, đại diện Techcombank cho rằng khoản vay của Công ty Tín Nghĩa tại TP Cần Thơ từ năm 2012 đã phát sinh nợ xấu. Đến nay, Techcombank vẫn đang trong quá trình tố tụng để xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước. 

Quá trình xử lý tài sản đảm bảo của bà Hồng hoàn toàn tuân thủ các quy định, hướng dẫn của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước. Việc xử lý tài sản được niêm yết, thông báo công khai, minh bạch tại nơi khách hàng cư trú và thông báo đến các ban ngành, các bên liên quan.

“Trước khi xử lý tài sản đảm bảo, Techcombank đã nhiều lần gửi thư mời, thông báo theo đúng địa chỉ nơi cư trú của khách hàng nhưng khách hàng không hợp tác, không phản hồi. Không có việc Techcombank không tạo điều kiện cho khách hàng mua lại tài sản đảm bảo như phản ánh. Vụ kiện đã được tòa thụ lý. Techcombank sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết và tuân thủ theo các phán quyết của tòa” - đại diện Techcombank phản hồi

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...