'Ngáo đá' chém chết thợ sửa máy lọc nước ở Bình Định có được nhẹ tội?

Công an tỉnh Bình Định đang điều tra, làm rõ và củng cố hồ sơ để xử lý hình sự đối với Lê Trọng Thanh (26 tuổi, ngụ xã Phước An, huyện Tuy Phước) vì có hành vi chém chết nhân viên sửa máy lọc nước.

Cụ thể, khoảng 14 giờ ngày 14-8, ông Lê Trọng Hoa (51 tuổi, cha của Thanh) gọi điện thoại đến công ty điện máy ở địa bàn xã để nhờ sửa máy lọc nước của gia đình ông bị hỏng. Công ty này cử nhân viên của mình là anh Nguyễn Ngọc Trung (27 tuổi, ngụ xã Phước Lộc, Tuy Phước) đến nhà ông Hoa để kiểm tra, sửa chữa.

Trong lúc anh Trung đang ngồi sửa máy lọc nước, Thanh dùng rựa chém nhiều nhát vào người anh Trung. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trên đường do vết thương quá nặng.

Một nguồn tin cho biết, Thanh có biểu hiện ngáo đá và bị nghiện ma túy nặng.

Theo quy định pháp luật, người bị "ngáo đá" khi gây án thì có bị xử lý giống những người trong trạng thái bình thường hay không?

Lê Trọng Thanh tại cơ quan công an. Ảnh: HOA THI/Cắt từ clip 

Trao đổi với PV, ThS – luật sư Cao Ngọc Sơn, giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Văn Lang nhận định: Với tình tiết, nội dung sự việc mà báo chí thông tin thì hành vi của Thanh là hành vi cố ý tước đoạt mạng sống của người khác một cách trái pháp luật.

“Hành vi này xâm phạm trực tiếp đến khách thể là quyền sống - quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của một con người. Hành vi của Thanh có đủ yếu tố cấu thành tội giết người với tình tiết định khung phạm tội “có tính chất côn đồ” theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) – BLHS. Theo đó, Thanh phải đối diện với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”, ông Sơn nói.

Cũng theo ThS – luật sư Ngọc Sơn, trong vụ án này, Cơ quan điều tra sẽ phải trưng cầu giám định tình trạng tâm thần đối với người bị buộc tội. Khi xác định được tình trạng rối loạn tâm thần dẫn đến mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi do trực tiếp sử dụng chất ma túy gây ra kích thích (ảo giác) của người phạm tội thì không được coi là bệnh tâm thần. Do đó, Thanh vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) theo Điều 13 BLHS.

Nói cách khác, người sử dụng ma túy hoặc rượu, bia mà phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì vẫn phải chịu TNHS như đối với người có đầy đủ năng lực TNHS.

“Hành vi giết người do sử dụng ma túy hoặc rượu, bia không phải là các tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng TNHS đối với tội giết người. Tuy nhiên, cần lưu ý việc sử dụng chất kích thích kéo theo hành vi phạm tội trong một số tội phạm xâm phạm an toàn giao thông lại là tình tiết định khung tăng nặng đối với loại tội phạm này”, ThS- luật sư Ngọc Sơn nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm